Công thức tạo nên “vương quốc sáng tạo” Pixar
Không có một công thức kỳ diệu nào để biến một tổ chức thay đổi lập tức sang văn hóa sáng tạo. Nhưng bằng một số cách thức dưới đây của Pixar, bạn sẽ tạo ra nền văn hóa độc đáo, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới để tạo nền tảng vững chắc cho tổ chức.
Phá bỏ khuôn mẫu
“Khi các nhà làm phim, thiết kế phần mềm, concept art hay bất kỳ ai trong ngành sáng tạo sao chép những thứ trước đó, đấy gọi là thủ công mà không phải nghệ thuật” theo quan điểm của Ed Catmull, đồng sáng lập của Pixar. Những lối mòn cũ sẽ là lựa chọn an toàn, ít rủi ro nhưng hạn chế tính đột phá.
“Brave” kể về nàng công chúa đầu tiên của Pixar với phong cách mạnh mẽ, phá bỏ mô típ phim lãng mạn cổ điển về công chúa Disney quen thuộc. “Toy Story” là một bộ phim về mối quan hệ từ đối thủ sau đó trở thành bạn bè, đồng thời nói đến mối quan hệ giữa một cậu bé và đồ chơi của mình. “The Incredibles” khám phá các mối quan hệ gia đình và “Ratatouille” nêu bật tình bạn khó có thể xảy ra giữa một người và một con chuột.
Bằng cách phá bỏ khuôn mẫu, sáng tạo ra những bộ phim có chủ đề mới lạ, Pixar đã tự đặt ra tiêu chuẩn riêng cho dòng phim hoạt hình.
Văn hóa đồng đẳng
Pixar khuyến khích các thành viên cho dù ở cấp bậc nào đều cần chủ động hỗ trợ người khác để tạo ra thành phẩm tốt nhất.
Một trong những cách để Pixar kết nối những người có kiến thức khác nhau là “Braintrust” – đưa các giám đốc và nhà sản xuất hàng đầu vào cùng một phòng nhằm xác định và giải quyết các vấn đề, đồng thời khuyến khích chia sẻ thẳng thắn. Họ phải đặt mình vào vai đạo diễn, đưa ra góp ý cho những dự án bộ phim đang được triển khai. Điểm khác biệt so với cách thu thập ý kiến thông thường là tất cả các thành viên tham gia Braintrust đều có kiến thức về kể chuyện và mọi cấp bậc trong cuộc họp đều được xóa bỏ.
Hơn nữa, các thành viên ở bộ phận khác nhau đều có thể kết nối trực tiếp mà không cần báo cáo qua trung gian. Mô hình làm việc theo quy trình cứng nhắc hoặc giới hạn nhiệm vụ cho từng nhóm cho thấy tổ chức đặt nặng hệ thống hơn công việc. Mạng lưới mở rộng và sự chủ động của các thành viên để loại bỏ trở ngại, tìm kiếm giải pháp sẽ mang lại những điều “kỳ diệu”. Nếu họ sợ bị “ra rìa” hay ngại trình bày với sếp, họ sẽ tự kìm hãm sự phát triển của bản thân và mài mòn khả năng sáng tạo.
Chấp nhận những “đứa trẻ xấu xí”
Nhiều người thường nghĩ rằng những tác phẩm tuyệt vời được sinh ra từ nguồn cảm hứng cao siêu. Tuy nhiên đó không phải là toàn bộ sự thật. Ở Pixar, những ý tưởng ban đầu, “mới nảy mầm” được gọi vui là “những đứa trẻ xấu xí” bởi chúng còn vụng về, chưa định hình và hoàn thiện. Không phải ai cũng có thể nhìn thấy tương lai của những “đứa trẻ” đó phát triển ra sao.
Những bộ phim “làm mưa làm gió” như Toy Story, Finding Nemo ban đầu cũng chỉ là những “đứa trẻ” vụng về, xấu xí. Điều quan trọng là họ cần bảo vệ ý tưởng ngay cả khi chúng chỉ là những thứ còn sơ khai. Và khi có niềm tin vào ý tưởng của mình, họ sẽ không ngần ngại nhận lại sự chê bai, góp ý và luôn sẵn sàng chia sẻ nó.
Đặt ra các giới hạn
Đôi khi sự kỹ tính, mải mê tập trung vào từng chi tiết nhỏ khiến những người làm trong ngành sáng tạo quên đi thời gian. Có những cảnh phim chỉ chiếu trong vài giây nhưng những họa sĩ diễn hoạt mất vài tháng để tô vẽ từng chi tiết. John Lasseter, Giám đốc Sáng tạo của Pixar đã tìm ra một cách trực quan hóa khối lượng công việc của mọi người thông qua việc sử dụng que kem gắn lên bảng.
John đã chia thời gian thực hiện bộ phim theo từng tuần và sử dụng các que kem để tượng trưng cho khối lượng công việc của mỗi người trong tuần đó. Khi số lượng que kem ở nhân vật A nhiều hơn, các họa sĩ diễn hoạt sẽ biết rằng họ phải dành nhiều thời gian hơn để hoàn thiện cảnh đó thay vì tập trung vào nhân vật B. Và khi một đồng nghiệp yêu cầu công việc gấp, họ sẽ phải thay một que kem trong bảng để phân bổ thời gian phù hợp.
Phản hồi mang tính xây dựng
Việc vội vàng phán xét hay tích cực thái quá đều có thể ngăn chặn dòng chảy sáng tạo. Cách duy nhất để biến “đứa trẻ xấu xí” trở nên tốt hơn là đưa ra phản hồi trung thực, mang tính xây dựng.
Ý tưởng không đơn thuần là ý tưởng mà còn là một phần của người tạo ra nó. Đưa ra nhận xét “chúng không hiệu quả”, “tôi không thích nó” rất dễ dàng nhưng những lời nói đó không có tác dụng gì và chỉ khiến quá trình sáng tạo bị ngưng lại. Phản hồi không được mang tính cá nhân hoặc thể hiện của một ý kiến đơn thuần.
Cách tốt nhất để nhân viên hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện một việc là coi đó như công việc của họ. Dành thời gian cho nó như “đứa trẻ xấu xí” của mình thay vì chỉ phán xét. Một dự án sáng tạo chỉ có thể chạm đến tiềm năng cao nhất nếu tất cả mọi người đều nỗ lực hướng tới thành công đó.
Tổng hợp (Vân Anh)
Bài viết liên quan: