3 “hồng tâm” truyền thông nội bộ cần “ngắm bắn”
Sau Covid-19, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn: doanh thu sụt giảm, tinh thần nhân viên sa sút, chiến lược thay đổi liên tục… Để vượt qua những khó khăn này, một trong những điều quan trọng cần làm là xác định đâu nên là trọng tâm mà truyền thông nội bộ cần hướng tới.
Truyền thông “bức tranh lớn”
Đặt mục tiêu lớn vào trọng tâm của mọi thông điệp là công thức thành công khi truyền thông nội bộ. Các doanh nghiệp nên hiểu rằng: khi thông điệp không đến với nhân viên kèm theo một mục đích rõ ràng thì dù có đầu tư ứng dụng công nghệ tân tiến đến đâu để cải thiện việc giao tiếp, công tác truyền thông nội bộ cũng không hiệu quả như mong muốn.
Theo khảo sát “Tầm nhìn Lãnh đạo năm 2020” của KPMG hậu Covid-19, 77% CEO tin rằng rằng: Mục đích lớn được đặt ra đã giúp công ty hiểu những gì cần phải làm để đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan như nhân viên, cộng đồng, khách hàng, đối tác và các nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp không hiểu rõ những gì mình đang cố gắng truyền tải thì họ không thể mong đợi mọi người hiểu. Điều đó có nghĩa là các công ty nên truyền thông cho nhân viên về tình hình hiện tại và tầm nhìn – sứ mệnh của công ty. Nếu hai điều này thể hiện rõ trong từng thông điệp được đưa ra, nhân viên có thể sẽ hiểu hơn về bức tranh lớn của công ty và biết mình ở đâu, cần làm gì trong bức tranh đó.
Chú trọng cải thiện trải nghiệm nhân viên
Trải nghiệm nhân viên đang dần trở thành một ưu tiên chiến lược của mọi doanh nghiệp, và đó là lý do hiện nay nhiều doanh nghiệp chú trọng xây dựng các phòng ban và đội ngũ nhân sự về trải nghiệm nhân viên. Họ là những người có cái nhìn bao quát về tất cả những vấn đề có thể phát sinh của nhân viên với công ty trong suốt quá trình làm việc.
Mục tiêu của truyền thông nội bộ là giúp trải nghiệm nhân viên trở nên phong phú nhất có thể để thu hút nhân tài, giữ chân họ lâu hơn và biến họ thành những đại sứ thương hiệu giúp đỡ cho công việc tuyển dụng của công ty. Đội ngũ phụ trách trải nghiệm nhân viên cần chịu trách nhiệm lên kế hoạch các chiến lược phát triển nhân sự của công ty. Họ cần liên lạc với các bộ phận khác nhau như IT, kế toán, marketing,… đồng thời sáng tạo hơn nữa để phát triển các chương trình hấp dẫn đối với nhân viên. Bên cạnh đó, cải thiện trải nghiệm nhân viên cũng đòi hỏi sự tinh ý và đồng cảm. Hãy xây dựng đối thoại hai chiều với mọi người, chứ đừng chỉ nói mà không lắng nghe họ.
Đo lường hiệu quả truyền thông gắn với mục tiêu kinh doanh
Doanh nghiệp không thể quản lý những gì không thể đo lường, đặc biệt trong bối cảnh những biến động trong chính sách và mục tiêu xuất hiện ngày càng nhiều khi xảy ra khủng hoảng. Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng tìm kiếm và áp dụng các công cụ đo lường hiệu quả truyền thông nội bộ trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, trên thực tế, một cuộc khảo sát từ Ragan Communications cho thấy rằng: Trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, việc đo lường hiệu quả vẫn là một vấn đề nan giải đối với những người làm truyền thông nội bộ. Chỉ 24% người được khảo sát trả lời rằng họ đo lường hiệu quả ba kênh truyền thông hàng đầu được sử dụng; 42% chỉ đo lường một hoặc hai kênh chính; và 34% thì hoàn toàn không. Liệu các chuyên viên truyền thông nội bộ và lãnh đạo có cho rằng họ đang lãng phí thời gian đo lường hiệu quả tiếp cận nội dung trong khi kết quả kinh doanh mới thực sự là mục tiêu được quan tâm hàng đầu?
Nếu các chuyên viên truyền thông nội bộ muốn giữ vững vị trí trong công ty, họ cần chứng minh rằng công việc họ đang làm thúc đẩy các hành vi dẫn đến kết quả cuối cùng công ty mong muốn, bao gồm cải thiện doanh số bán hàng, tăng năng suất làm việc, thu hút nhân viên mới và tăng cường khả năng giữ chân nhân viên hiện tại.
Việc gắn hiệu quả truyền thông nội bộ với kết quả kinh doanh làm cho truyền thông nội bộ mang tầm chiến lược hơn. Điều này sẽ là cơ sở thuyết phục để lãnh đạo đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động truyền thông nội bộ, thay vì cắt giảm ngân sách. Và nó cũng giúp truyền thông nội bộ khẳng định uy tín trong công ty.
Hải Vân
(Theo Staffbase)