Thích nghi với sự thay đổi trong bối cảnh “bình thường mới”
Chúng ta đều đang tập làm quen với “bình thường mới” trong bối cảnh hiện nay. Muốn thích nghi với những điều này, doanh nghiệp cần lưu ý những gì? 4 lưu ý dưới đây sẽ trả lời cho bạn.
Covid-19 đến nay đã tạo ra sự gián đoạn rõ rệt trong cách chúng ta sinh hoạt và làm việc. Giờ đây, mọi người đang dần quen với bối cảnh “bình thường mới”. Việc giãn cách xã hội kéo theo những thay đổi trong cuộc sống bình thường trước đó, bao gồm việc ở trong nhà hầu hết các ngày trong tuần, tương tác với thành viên trong gia đình nhiều hơn, giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp dần hạn chế, chi tiêu tiết kiệm hơn, các giao dịch mua sắm đổ dồn vào nền tảng trực tuyến và các thú vui giải trí trở nên “ảo” hơn, thậm chí team building cũng có thể thực hiện mà không cần phải gặp nhau.
Sự “bình thường mới” đòi hỏi mỗi người phải biết cách để thích nghi với sự thay đổi. Với doanh nghiệp, đây là thời điểm để họ đặt ra câu hỏi “Chúng ta cần làm gì với khoảng thời gian này?”. Câu trả lời có thể khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp, nhưng chung quy lại, có 4 điều mà họ nên làm để tận dụng thời điểm này để khiến điều “bình thường mới” trở nên bình thường.
Tập quen với việc “sống chậm”
“Sống chậm” ở đây không chỉ là việc làm mọi thứ chậm lại mà còn là việc tranh thủ thời gian này để làm những việc trước đây bạn chưa làm hoặc làm chưa kĩ. Hãy rà soát lại những công việc bạn đang làm và hoàn thành những việc còn dang dở hoặc bị bỏ qua. Với tổ chức, hãy kiểm tra những hoạt động bạn đang không đầu tư nhiều thời gian. Nếu là đào tạo, hãy đề xuất những khóa học online cho nhân viên. Nếu là truyền thông nội bộ, hãy tìm hiểu các hoạt động gắn kết, giải trí cho đội ngũ làm việc từ xa. Nếu là xây dựng thương hiệu, hãy cân nhắc đến việc biến nhân viên thành đại sứ trên mạng xã hội.
Đây cũng là lúc để bạn soi chiếu lại những gì mình làm trước đây đã phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn đặt ra hay chưa. Ngoài ra, đừng quên rằng, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, thời gian để quay lại với guồng làm việc cũ sẽ có thể kéo dài, do vậy hãy triển khai mọi việc thận trọng, cẩn thận hơn để đảm bảo có được kết quả tốt nhất.
Tập trung công tác đào tạo đội ngũ nhân viên
Bối cảnh hiện nay còn là lúc để mỗi người tập trung vào phát triển bản thân nhiều hơn. Những KPI trước đây khiến nhiều nhân viên dành toàn bộ thời gian của mình vào việc chạy theo deadline, hoàn thành doanh số. Nhiều trong số họ không có hứng thú hoặc không sắp xếp thời gian để tham gia các khóa đào tạo offline do công ty tổ chức.
Nhưng khi mọi người phải làm việc từ xa, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thiết kế các khóa đào tạo online dưới dạng các học phần ngắn và khuyến khích nhân viên học tập. Khi học online, nhân viên có thể linh hoạt để phân phối thời gian hợp lý giữa việc làm và học. Ngoài ra, họ cũng có thời gian để lựa chọn chủ đề mình muốn biết và tìm hiểu trước các nội dung trước khi bước vào khóa học.
Không ngừng kết nối
Thời điểm này là lúc tốt nhất để xây dựng các mối quan hệ nội bộ và bên ngoài thông qua việc kết nối thường xuyên tới các bên liên quan.
Với nội bộ, hãy đảm bảo bạn đã có những kênh giao tiếp hợp lý và kịp thời với mỗi người. Các công cụ hỗ trợ phổ biến hiện nay như Zoho, Zoom, Microsoft Teams hay Google Hangouts sẽ là cầu nối để lãnh đạo và quản lý duy trì việc trao đổi và tương tác với từng thành viên trong công ty. Các kênh truyền thông nội bộ như Workplace, group Facebook hay web portal cần đẩy mạnh các nội dung cập nhật và gần gũi hơn để dễ dàng kết nối với nhân viên.
Với bên ngoài, hãy luôn duy trì việc liên lạc với các khách hàng, đối tác, cổ đông, thậm chí là các kết nối trong tương lai. Họ là những đối tượng quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp bạn, do vậy, cung cấp những thông tin cập nhật về tổ chức sẽ giúp bạn ổn định tâm lý, giữ chân họ và đảm bảo sự tin tưởng của họ vào tổ chức.
Không ngại đổi mới
Thời điểm này không còn là lúc để bạn đứng trong “vùng an toàn”. Nếu bạn không chịu thay đổi, có thể bạn sẽ sớm “chết” trước xu thế đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với những điều mới mẻ, bất ngờ mỗi ngày. Nói đơn giản, việc đáp ứng với thay đổi này sẽ giống như việc bạn nấu ăn. Bình thường khi làm việc tại công ty, bạn không mấy khi phải động tay vào làm việc bếp núc vì có thể đi ăn ngoài. Nhưng khi bạn phải làm việc tại nhà, hàng quán đều đóng cửa, bạn buộc phải tìm các công thức và xắn tay áo vào làm, nếu không bạn sẽ … không có gì để ăn.
Với hoạt động của một tổ chức, việc chịu chấp nhận các thách thức và không ngại thay đổi sẽ giúp bạn tồn tại. Các hãng sản xuất ô tô hay công nghiệp như Ford, GE, Vingroup… cũng chuyển sang sản xuất máy thở, khẩu trang. Một số doanh nghiệp trong ngành F&B như Golden Gate, Pizza4P… vốn luôn “bảo thủ” với việc kinh doanh offline cũng phải nhanh chóng áp dụng hình thức giao hàng tại nhà. Các thương hiệu thời trang, đồ hiệu xa xỉ cũng chuyển sang sản xuất nước rửa tay. Những doanh nghiệp này đều có một điểm chung: họ sẵn sàng đổi mới bởi đổi mới chính là một phần quan trọng của tăng trưởng. Chỉ cần một thay đổi có thể dẫn đến một tương lai mới, vì vậy tại sao không?
Nếu doanh nghiệp áp dụng 4 lưu ý trên, “bình thường mới” sẽ không phải là điều đáng lo ngại. Thậm chí, “bình thường mới” có thể kéo theo một điều khác tốt và tích cực hơn so với bình thường cũ. Đây cũng là lúc bạn nên tìm kiếm một giải pháp hỗ trợ bạn thực hiện được những lưu ý này nhanh chóng và hiệu quả hơn. Giải pháp Stay Strong – Truyền thông nội bộ trong giai đoạn khủng hoảng sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động truyền thông nội bộ bằng những tư vấn trực tiếp từ chuyên gia trong ngành và các bộ công cụ có thể dùng luôn và ngay. Stay Strong còn hướng dẫn đội ngũ lãnh đạo và quản lý biết cách tăng cường kết nối với nội bộ trong thời điểm làm việc từ xa. Nếu bạn quan tâm, hãy tìm hiểu tại đây nhé!
Kim Oanh