5 gợi ý để video “của nhà trồng được” vẫn như chuyên nghiệp
Là người chuyên trách truyền thông nội bộ, hẳn bạn đã nhiều lần “đóng vai” nhà viết kịch bản, quay phim, đạo diễn, diễn viên và thậm chí là nhà sản xuất. Những gợi ý sau sẽ giúp các tác phẩm “của nhà trồng được” vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn chuyên nghiệp. Hãy thử nhé!
1. Tạo video dạng infographic
Với những bản báo cáo năm dài gần trăm trang, nhân viên sẽ dễ phát “ngấy” khi đọc và khó có thể ghi nhớ được những thông tin quan trọng. Vậy thì hãy tạm cất những bản báo cáo đó và thay bằng một video dạng infographic để giúp nhân viên “tiêu hóa” những điểm nổi bật mà doanh nghiệp bạn đã làm được trong năm qua. Hãy gạch đầu dòng những từ khóa, số liệu và sau đó tìm hình ảnh, bảng biểu phù hợp để “hình ảnh hóa” các thông tin khi cho vào video của mình.
Đây là một video tổng kết năm của Bệnh viện Nhi Mercy. Chỉ chưa đầy 3 phút, người xem đã nắm được những điểm nổi bật nhất trong một năm qua của bệnh viện này.
Video dạng này cũng phù hợp cho các thông điệp truyền thông liên quan đến quy trình, trình bày các giá trị cốt lõi hoặc giới thiệu sự kiện như sinh nhật công ty, tổng kết cuối năm…
2. Kể câu chuyện qua video
Con người thích nghe kể chuyện và thường có xu hướng nhớ câu chuyện lâu hơn là lắng nghe một sự thật hoặc số liệu liên quan. Bạn có thể dùng cách thức này cho các video nhân vật, chẳng hạn như cách Bệnh viện Nhi Mercy làm dưới đây.
Câu chuyện kể về hành trình cậu bé Magnus chống trọi với căn bệnh ung thư máu và cách mà Bệnh viện Nhi Mercy tận tâm giúp Magnus vượt qua giai đoạn khó khăn. Video không có hiệu ứng phức tạp, chỉ đơn giản là những đoạn tự thuật của Magnus, nhưng sức ảnh hưởng của nó là không nhỏ. Hơn 3.000 lượt xem trên Youtube, 56.000 lượt xem trên Facebook, video này đã giúp Bệnh viện Nhi Mercy lan tỏa thương hiệu hiệu quả. Ý nghĩa hơn cả, 11 người xem sau đó đã không ngại ngần đóng góp cho quỹ từ thiện của bệnh viện này.
30% người xem sẽ dừng lại sau khi xem một đoạn video dài 30 giây, 45% sẽ dừng lại sau 1 phút, 60% sẽ dừng lại sau 2 phút. Vậy bạn hãy cố gắng gây ấn tượng cho video của mình để níu chân người xem nhé.
3. Các công cụ cần có
Là một “cameraman” không chuyên, hãy bỏ túi cho mình những đạo cụ bạn cần có để tự tạo nên những video “nhà làm tốt như hàng làm” nhé.
- Máy ảnh: chiếc máy thông dụng và gọn nhẹ nhất bạn có thể sử dụng để phục vụ cho việc ghi hình đó là GoPro. Cách dùng đơn giản với các nút bấm tối giản nhất có thể, GoPro là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai đang chưa có nhiều kinh nghiệm đứng sau ống kính. Ngoài ra, một đạo cụ mà ai cũng có chính là chiếc điện thoại di động. Các nhà sản xuất càng ngày càng đầu tư cho chất lượng hình ảnh của điện thoại, nên nếu bạn không có chi phí cho một chiếc GoPro, hãy thử “táy máy tò mò” tìm hiểu tính năng chiếc dế của mình nhé.
- Phần mềm chỉnh sửa: Hình ảnh sẽ trau chuốt hơn nếu được “phù phép” bởi các bộ lọc trên các phần mềm chỉnh sửa. Các phần mềm dễ dùng mà chuyên nghiệp là Adobe Rush hoặc Splice của GoPro. Nếu muốn thêm hiệu ứng, màu sắc, bạn cũng có thể nghiên cứu Adobe Premiere hoặc Adobe After Effect. Các phần mềm này cũng có trên nền tảng di động nên đừng lo nếu bạn không biết cách cài đặt trên máy tính nhé.
- Dụng cụ hắt sáng: Các dụng cụ hắt sáng có mức giá đa dạng từ 100 đô la Mỹ đến 10.000 đô la Mỹ. Tùy vào ngân sách của doanh nghiệp bạn, bạn có thể tham khảo dụng cụ hắt sáng phù hợp nhất để đem lại chất lượng hình ảnh tốt nhất cho video.
4. Những quy tắc cơ bản khi quay phim
Bên cạnh các đạo cụ hỗ trợ, để video trở nên chuyên nghiệp và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem, bạn hãy ghi chú lại những quy tắc cơ bản sau:
- Giữ máy cố định: Bạn có thể dùng chân dựng tripod, tay cầm monopod hoặc đơn giản, đặt máy dựa vào một điểm cố định. Quan trọng là không để người xem phải “chóng mặt” khi xem một video rung lắc từ bạn.
Giữ tripod bằng những đạo cụ đơn giản như dây chun cũng sẽ khiến video của bạn trở nên chuyên nghiệp và đẹp mắt hơn.
- Lọc âm thanh: Quay video tại nơi yên tĩnh để đảm bảo rằng không có tạp âm lẫn vào video của bạn. Tốt nhất là quay tại studio, hoặc trong các phòng họp, nơi ít tiếng ồn.
- Đảm bảo ánh sáng tốt: Bạn cần đảm bảo rằng ánh sáng khi quay phải đạt chất lượng tốt và hoàn hảo nhất là quay dưới ánh sáng tự nhiên. Cách hữu hiệu đó là quay gần cửa sổ nhưng bạn cũng nên chú ý đừng để cửa sổ là background cho video của mình bởi như vậy có thể gây “phản tác dụng” đối với chất lượng ánh sáng.
- Quay càng nhiều càng tốt: Đừng e ngại việc quay nhiều sẽ tốn dung lượng. Hãy đảm bảo rằng người xem có được góc nhìn toàn diện và đa dạng nhất có thể khi xem video của bạn.
5. Kêu gọi nhân viên tham gia, kể cả CEO
Điều cuối cùng, hãy chắc chắn rằng video của bạn sẽ có sự tham gia của nhân viên trong tổ chức, kể cả CEO nhé. Đó sẽ là hiệu ứng đẹp nhất bạn có thể đem đến cho một video “nhà làm” bởi điều này sẽ đem đến cảm giác chân thực và niềm tin từ người xem khi theo dõi. Những “diễn viên” không chuyên này cũng dễ tìm và còn không tốn tiền thuê nữa, vậy tại sao không thử đúng không?
Kim Oanh
(Theo Staffbase)
Bài viết liên quan:
Bí quyết nào cho bạn “bắt giữ” người xem video?
Để video CEO truyền cảm hứng tuyệt vời
Quảng cáo video trên mạng xã hội: 5 xu hướng các marketer cần biết
Sử dụng Video trong truyền thông nội bộ – Câu chuyện từ Clark