Giải đáp 5 câu hỏi thường gặp khi xây dựng văn hóa số

Giải đáp 5 câu hỏi thường gặp khi xây dựng văn hóa số

Chi nhiều tiền vào công nghệ nhưng vẫn không tạo ra chuyển đổi số mạnh mẽ trong tổ chức đang là thực trạng của nhiều doanh nghiệp. Lúc này, doanh nghiệp cần một văn hóa số đủ mạnh để thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy, hành động của chính con người trong tổ chức đó. Cùng nhận diện và giải mã 5 câu hỏi lớn mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng gặp phải khi xây dựng văn hóa số.

Contents

1. Văn hóa số là gì và các đặc trưng của văn hóa số?

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), văn hóa số là “văn hóa sử dụng các công cụ số và sự thấu hiểu sâu sắc dựa trên dữ liệu để ra quyết định và hướng đến khách hàng làm trung tâm trong khi liên tục thúc đẩy hợp tác và đổi mới bên trong tổ chức”. Văn hóa số sẽ dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình hoạt động, vận hành. 

Nói một cách đơn giản, văn hóa số là cách bạn nghĩ và làm việc cùng nhau trong môi trường chuyển đổi số. Văn hóa số giống như cách bạn dùng một chiếc điện thoại thông minh để học tập, giải trí, kiếm tiền và tận hưởng cuộc sống. Và mọi người cùng làm như thế giống bạn. Chữ “cùng nhau” rất quan trọng. Bởi, nếu chỉ mỗi mình bạn dùng chiếc điện thoại đó, trong khi tất cả vẫn dùng điện thoại bàn, hoặc viết thư tay, đó không phải là văn hóa số. Văn hóa số không phải là chiếc điện thoại thông minh (kể cả khi nó “xịn” đến chừng nào), mà là cách bạn dùng nó.  

Cũng theo Diễn đàn kinh tế thế giới, văn hóa số có 4 đặc tính là: Khách hàng làm trung tâm, Định hướng dữ liệu, Đổi mới, Hợp tác. Và cả bốn trụ cột này đều nằm trên một nền móng là sự phát triển bền vững.

4 trụ cột của văn hoá số theo Diễn đàn Kinh thế Thế giới (WEF)4 trụ cột của Văn hóa số theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

2. Tại sao văn hóa số quan trọng? 

Sở dĩ văn hóa số quan trọng là vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển đổi số mà còn tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của tổ chức. 

Văn hóa số giúp mọi người trong doanh nghiệp có niềm tin mạnh mẽ, có cách tư duy đúng, và có những hành vi phù hợp với quá trình chuyển đổi số. Và chính niềm tin đó sẽ tạo động lực cho các thành viên trong tổ chức cùng hành động. Hành trình chuyển đổi số không đơn giản vì nó đặt ra những thách thức chưa từng có, đòi hỏi doanh nghiệp giải những bài toán chưa từng giải. Nhưng khi đã có niềm tin, thì bạn sẽ luôn tìm ra con đường để đến đích. 

Văn hoá số giúp đồng bộ tư duy, nhận thức của lãnh đạo và nhân viên về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Nhân viên cần phải hiểu được lý do tại sao tổ chức cần chuyển đổi số. Họ cũng cần nắm rõ chuyển đổi số mang lại lợi ích gì cho bản thân họ và doanh nghiệp. Chỉ khi hiểu được lý do bắt đầu, và đích sẽ đến, họ mới có những hành động thực chất. Nhận thức đúng sẽ chuyển hóa thành những hành vi đúng. Và nhận thức đúng cũng giúp doanh nghiệp biết cần đặt ưu tiên và sự tập trung vào đâu. 

Văn hóa số giúp nhân viên thành thạo và linh hoạt trong việc làm chủ công nghệ, có thể làm việc và cộng tác từ bất kỳ đâu, bất kể thời gian nào. Điều này không chỉ giúp khai thác hiệu quả các khoản đầu tư cho công nghệ mà còn tối ưu hóa năng suất nhân viên, thúc đẩy sự sáng tạo và cải tiến liên tục. 

Với văn hóa số, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá, khơi thông nhiều ý tưởng mới, thích ứng tốt với mọi thay đổi bên trong và bên ngoài tổ chức, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi và dễ dàng hợp tác để tạo ra giá trị mới, Qua đó, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được lợi thế cạnh tranh bền vững.  

Tại sao văn hóa số quan trọng? 

3. Một doanh nghiệp có văn hóa số mạnh mẽ trông như thế nào?

Nhìn từ bên trong, một doanh nghiệp có văn hóa số là một doanh nghiệp luôn tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ và các mối quan hệ với khách. Tổ chức này sử dụng dữ liệu với sự hỗ trợ của công nghệ để ra quyết định chính xác hơn, tối ưu hơn. Tổ chức này chủ động xây dựng và liên tục cải tiến sản phẩm, quy trình để trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn, và không ngại chấp nhận rủi ro, thử nghiệm các sáng kiến mới để làm điều đó. 

Tổ chức này cũng sẽ đề cao hợp tác liên phòng ban trong tổ chức và với các đối tác trong hệ sinh thái để cùng tạo ra các giải pháp đột phá. Và tất cả những điều này được tổ chức triển khai hướng đến sự phát triển bền vững. 

Còn từ bên ngoài nhìn vào, đó là một doanh nghiệp mà khi tiếp xúc, bạn thấy họ rất hiểu bạn, luôn mang đến cho bạn những trải nghiệm tốt. Nhân viên ở đó chuyên nghiệp, nhanh, linh hoạt, sáng tạo, thông minh. Và bạn rất sẵn sàng cộng tác cùng họ hoặc giới thiệu cho những người khác. 

Google, Amazon, Uniqlo, DBS Bank (Singapore)… là những doanh nghiệp điển hình sở hữu một nền tảng văn hóa số mạnh mẽ.

Một doanh nghiệp có văn hóa số mạnh mẽ trông như thế nào?

4. Làm văn hóa số là làm gì và bắt đầu từ đâu?

Để xây dựng văn hóa số, hãy ưu tiên cho việc thay đổi tư duy, hành vi và cách làm việc của con người trong tổ chức để phù hợp với môi trường số. Các bước triển khai văn hóa số được hệ thống bằng một công thức dễ nhớ là A.D.A.M, viết tắt của Assess (Đánh giá hiện trạng), Define (Định hình văn hóa số), Action (Triển khai thực thi) và Measure (Đo lường), cụ thể:

  • Assess: Mục tiêu là xem văn hóa số đang biểu hiện thế nào trong doanh nghiệp? Đâu là bản sắc và những gì đang thuận lợi cho chuyển đổi số? Những hành vi, tư duy nào đang cản trở chuyển đổi số? 
  • Define: Mục tiêu là xác định đặc tính văn hóa số của tổ chức, làm sao để nó hỗ trợ cho chiến lược phát triển chung? Cơ chế chính sách nào cần ban hành? Và ai làm gì để văn hóa số thực sự sống trong tổ chức? 
  • Action: Mục tiêu là xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể để văn hóa số hỗ trợ chuyển đổi số. Cần phổ cập cho tất cả mọi nhân viên đều hiểu rõ những gì được làm, những gì không được làm trong cách triển khai công việc. 
  • Measure: Mục tiêu là đo lường nhận biết về văn hóa số, đo lường mức độ thực thi, đo lường hiệu quả văn hóa số hỗ trợ chuyển đổi số. 

Hành trình xây dựng văn hoá số hỗ trợ chuyển đổi sốA.D.A.M – Hành trình chuyển đổi văn hoá số 

Trong công thức 4 bước này, hãy bắt đầu từ việc đo lường. Bạn chỉ có thể quản trị được những gì bạn đo lường được. Tuy nhiên, trước khi việc đo lường được tiến hành, bạn cần phải hiểu rõ bạn muốn đo những gì và kết quả sau khi đo sẽ được dùng để làm gì. Lượt nhân viên đọc và like một bài viết về văn hóa số không đồng nghĩa với việc họ đang thực hành văn hóa số. Nhiều khi, dữ liệu bạn thu thập được có thể dẫn bạn đến con đường cụt hoặc ảo tưởng. Giống như việc cho rằng giường là thứ nguy hiểm nhất trên thế giới bởi số liệu thống kê cho thấy 99% con người ta sẽ chết trên… giường. 

5. Đâu là yếu tố quyết định thành công trong thực thi văn hóa số? 

Muốn thực thi văn hóa số thành công, đầu tiên cần sự cam kết và làm gương của lãnh đạo. Lãnh đạo phải là người dẫn dắt văn hóa số trong tổ chức, bởi người ta nói “lãnh đạo nào phong trào đó.”. Lãnh đạo xây dựng tầm nhìn số, kiến tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để văn hóa số phát triển, định hướng các đặc tính văn hóa số phù hợp với tổ chức của mình và làm gương thông qua việc thể hiện các hành vi số hàng ngày. Lãnh đạo cũng cần tạo dựng một môi trường cho phép thử và sai, cũng như mạnh dạn trao quyền, và cởi mở lắng nghe để tạo cơ hội cho những phản hồi. 

Tuy nhiên, nếu chỉ lãnh đạo thôi thì không đủ, văn hóa số cần có sự đồng bộ và hưởng ứng, ủng hộ của đội ngũ quản lý, cùng đông đảo nhân viên. Văn hóa số chỉ có thể phát huy sức mạnh khi nó phát triển đồng bộ, đồng tốc cùng công nghệ, dữ liệu. Không thể hô hào thực thi văn hóa số khi dữ liệu phân tán, và công nghệ thì ở thời 2.0. Sự đồng bộ cũng đòi hỏi văn hóa số phải tích hợp với chiến lược chuyển đổi số. 

Đâu là yếu tố quyết định thành công trong thực thi văn hóa số? 

Để thực thi văn hóa số, các nhân sự trong tổ chức cần đón nhận sự thay đổi như là một lẽ hiển nhiên. Tổ chức cần thay đổi cách vận hành để quy trình có khả năng thích ứng linh hoạt hơn. Không thể hô hào thích ứng nhanh khi một đề xuất cải tiến cần qua bảy bảy bốn chín bước. Nhân viên cũng cần thay đổi các hành vi thói quen không còn phù hợp.

Việc thay đổi chưa bao giờ dễ, thế nên cần tạo động lực cho sự thay đổi. Hãy truyền thông để nhân viên biết rõ mục đích phía trước và lý do phía sau mọi việc họ làm. Hãy thưởng nóng cho những chiến thắng nhỏ. Hãy hỗ trợ để họ có được những kiến thức và kỹ năng mới. Đừng đưa cho họ tấm bản đồ cũ mà đòi hỏi họ khám phá sự mới mẻ của một thành phố.  

Trên đây chỉ là 5 trong số rất nhiều câu hỏi mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong quá trình xây dựng văn hóa số. Liên hệ Blue C để được tư vấn nếu doanh nghiệp bạn đang có gặp những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng văn hóa số.

Blue C – Tư vấn Văn hóa số hỗ trợ Chuyển đổi số

Địa chỉ: Prima Building, 22 Mai Anh Tuấn, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
Phone: (+84)24 7303 2388
Email: info@bluec.vn

Nguồn: Sách “Văn hóa số – Gỡ bỏ rào cản cản Chuyển đổi số”

Bài Viết Liên Quan