4 điều chú ý khi livestream nội bộ
Một buổi biểu diễn văn nghệ, một chương trình đối thoại với lãnh đạo cấp cao hay đơn giản là một cuộc thi trong nội bộ… đều có thể sử dụng công cụ Facebook Live để thu hút sự chú ý của nhân viên. Livestream sẽ phù hợp khi nhân viên của bạn không thể có mặt nhưng bạn vẫn muốn họ biết đến sự kiện một cách trực tiếp và dễ dàng tương tác. Hãy cùng IC Zone nắm vững những bí kíp sau để việc livestream diễn ra suôn sẻ nhé!
Lên kịch bản cụ thể
Để quá trình phát sóng trực tiếp đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần có kế hoạch cụ thể. Những nội dung chi tiết, những công việc cần làm, những người phụ trách thực hiện, những thiết bị cần hỗ livestream… đều cần được đưa vào kịch bản và check list rõ ràng.
Để truyền thông cho buổi livestream, bạn hãy cung cấp thông tin như giờ phát sóng, nội dung chính, khách mời… cho khán giả qua email hoặc đăng tải trên trang – nhóm Facebook của doanh nghiệp. Việc truyền thông nên được lặp lại nhiều lần trước khi sự kiện diễn ra để thu hút sự chú ý của nhân viên.
Hãy chuẩn bị phương án B. Sẽ luôn có những rủi ro bạn không thể lường trước được, và tốt nhất là bạn đã có sẵn phương án dự phòng để đối phó với chúng.
Chú ý đến thời điểm phát sóng
Thời gian tiến hành livestream và thời gian gửi thông báo mời theo dõi buổi livestream đều là các yếu tố quan trọng. Thời gian thực hiện cần đảm bảo rằng các đồng nghiệp của bạn có thể dễ dàng theo dõi vào khung giờ bạn đề ra.
Bạn cũng cần gửi lời mời mọi người theo dõi buổi livestream trong thời gian không quá muộn hoặc quá sớm. Buổi chiều trước ngày tổ chức sự kiện thường là thời điểm được lựa chọn.
Các yếu tố kỹ thuật đảm bảo chất lượng
Có ba yếu tố nhỏ nhưng không thể xem nhẹ khi livestream: nguồn pin điện thoại; chân đỡ thiết bị quay và góc quay; độ ổn định của mạng wifi. Hãy đảm bảo rằng người xem có thể nhìn rõ những gì xảy ra trên sân khấu của bạn.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng máy điện thoại làm thiết bị livestream trực tiếp. Bạn nên chuẩn bị sẵn pin dự phòng để bổ sung nguồn pin kịp thời cho thiết bị, tránh tình trạng đang quay thì “sập nguồn”.
Hãy để ý đến góc quay và chất lượng hình ảnh trong quá trình livestream. Góc quay không nên có quá nhiều người qua lại, cũng không quá xa hệ thống âm thanh để đảm bảo được về chất lượng hình và tiếng. Hãy chuẩn bị chân đỡ cho thiết bị quay để đảm bảo hình ảnh không bị rung lắc, gây tức mắt người xem.
Điều cuối cùng, kiểm tra đường truyền Internet của bạn đã đủ ổn định cho buổi livestream diễn ra suôn sẻ, không bị ngắt quãng.
Lưu trữ video
Người xem không thể dành toàn thời gian để theo dõi hết vào thời điểm bạn Livestream nhưng họ lại rất muốn xem lại những khoảnh khắc đó. Lưu lại video đã livestream và chia sẻ lên trang/nhóm Facebook của công ty ngay sau khi chương trình kết thúc sẽ giúp khán giả có thể bắt kịp các phần họ đã bỏ lỡ, đồng thời những người đến dự sự kiện cũng có thể xem lại những phần họ đã được tham gia.
Về phía bạn, video có thể được sử dụng vào mục đích khác như dựng video giới thiệu cho lần phát sóng tiếp theo hoặc chia ra đăng dần trên trang Facebook của công ty. Đồng thời, bạn cũng có thể xem lại bản ghi này nhằm rút kinh nghiệm những “hạt sạn” còn tồn đọng, từ đó cải thiện chất lượng những lần phát sóng tiếp theo.
Chúc bạn sẽ có những chương trình livestream thành công tại doanh nghiệp mình trong thời gian tới!
Anh Tùng