Vì sao chuyển đổi số nên bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp?

Vì sao chuyển đổi số nên bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp?

Các nghiên cứu từ các tổ chức uy tín như Deloitte, MIT hay Capgemini đã chỉ ra rằng: Thay đổi văn hóa doanh nghiệp để thích nghi với giai đoạn chuyển đổi số là chìa khóa quyết định sự thành công trong thời đại số của nhiều doanh nghiệp. Vì sao doanh nghiệp nên chọn văn hóa là xuất phát điểm trong hành trình chuyển đổi số? Bài viết sau sẽ giải đáp cho bạn.

Sự chuyển mình của văn hóa doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số

Để chuyển đổi số thành công, văn hóa doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi. Quá trình thay đổi này phụ thuộc vào cách doanh nghiệp điều chỉnh các đặc tính của văn hóa.

So sánh văn hoá trong giai đoạn chuyển đổi số với văn hoá truyền thống, Strategy& – một đơn vị thuộc PwC đã chỉ ra và tổng hợp trong bảng dưới đây:

Bảng so sánh văn hóa truyền thống và văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số. (Nguồn: Strategy&)

Vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số

Vì sao nhiều nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Google, Amazon, Microsoft lại xem trọng yếu tố văn hóa trong quá trình chuyển đổi số? Điều gì khiến văn hóa trở thành mối quan tâm chính đối với tổ chức trong quá trình chuyển đổi số? Câu trả lời nằm ở ba lý do dưới đây:

Thứ nhất – Chuyển đổi số có khả năng thất bại nếu xem nhẹ vai trò của văn hoá

Capgemini – Công ty hàng đầu về dịch vụ tư vấn, công nghệ đã tiến hành khảo sát với 1.700 các lãnh đạo cao cấp, nhà quản lý và nhân viên tại 350 doanh nghiệp. Theo đó, có tới 62% những người được khảo sát cho rằng các vấn đề liên quan đến văn hóa là rào cản số một trong công cuộc chuyển đổi số. Một báo cáo khác từ BCG – Tập đoàn tư vấn Boston cũng cho biết, gần 80% các công ty duy trì hiệu quả hoạt động mạnh mẽ nhờ việc tập trung mạnh mẽ vào văn hóa trong quá trình chuyển đổi số.

Thứ hai – Văn hóa phù hợp với chuyển đổi số sẽ thúc đẩy mạnh mẽ khả năng  tạo ra kết quả của nhân viên:

Các doanh nghiệp chuyển đổi số phát triển nhanh hơn các doanh nghiệp truyền thống nhờ hệ thống phân cấp phẳng hơn. Điều này đồng nghĩa nhân viên được trao quyền nhiều hơn và nhờ đó, khả năng ra quyết định cũng nhanh hơn. Văn hóa trong giai đoạn này được xem như một bộ quy tắc định hướng cho nhân viên và giúp họ có thể tạo ra các kết quả nhanh chóng, năng suất.

Thứ ba – Một doanh nghiệp phát triển văn hóa phù hợp với chuyển đổi số thường dễ thu hút nhân tài:

Millennials thường bị thu hút bởi các công ty ưu tiên chuyển đổi số, với lời hứa của họ về một môi trường hợp tác, sáng tạo và trao quyền nhiều hơn. Những đặc tính của văn hoá đó sẽ đặc biệt quan trọng trong việc thu hút các nhân tài có thế mạnh và điểm chung phù hợp, nhất là khi nhu cầu đang ngày một vượt ra nguồn cung.

7 đặc tính của văn hóa doanh nghiệp giúp chuyển đổi số thành công

Theo Capgemini, để chuyển đổi số thành công, văn hóa doanh nghiệp cần được phát triển dựa trên 7 đặc tính sau. Bao gồm:

7 đặc tính của văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số. (Nguồn: Capgemini)

Lấy khách hàng làm trung tâm

Lấy khách hàng làm trung tâm là tư duy quan trọng nhất để chiến thắng trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các công ty thay đổi mô hình kinh doanh và điều chỉnh theo thị trường mới. Tuy nhiên, khách hàng sẽ là người quyết định quan trọng nhất với quá trình thay đổi này.

Các doanh nghiệp cần phải xây dựng được tư duy lấy khách hàng làm trung tâm. Đặt khách hàng lên ưu tiên số một, doanh nghiệp đó có thể đảm bảo quá trình chuyển đổi số được hậu thuẫn và triển khai hiệu quả.

Đổi mới

Sự đổi mới, sáng tạo là nhân tố văn hoá quan trọng giúp chuyển đổi số thành công. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp cần xây dựng những hành vi ủng hộ suy nghĩ đột phá, khám phá các ý tưởng mới, chấp nhận mạo hiểm.

Hành trình chuyển đổi số không bao giờ kết thúc; luôn có nhiều việc một doanh nghiệp phải làm! Sẽ luôn có sự cạnh tranh mới, công cụ mới và xu hướng mới. Và với mỗi lần thay đổi, khách hàng sẽ đòi hỏi nhiều hơn, mong muốn được phục vụ nhanh hơn và tốt hơn trước. Trước yêu cầu đó, duy trì năng lực, tư duy đổi mới sẽ là điều tất yếu.

Quyết định dựa trên dữ liệu

Tư duy sử dụng dữ liệu và phân tích để đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn là đặc tính quan trọng của văn hoá phù hợp chuyển đổi số.

Một trong những lợi ích của việc chuyển đổi số là khả năng theo dõi các chỉ số và phân tích dữ liệu. Việc này cho phép các doanh nghiệp sử dụng những dữ liệu để tối ưu hóa các chiến lược và quy trình của mình nhằm mang lại kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, việc quyết định mọi việc trên dữ liệu còn giúp doanh nghiệp hiểu hơn nhu cầu khách hàng, từ đó tạo ra những phản hồi và cải thiện kịp thời, phù hợp, linh hoạt hơn.

Hợp tác

Một doanh nghiệp có văn hóa hợp tác khi doanh nghiệp đó tạo ra các nhóm nhỏ liên kết giữa các phòng ban, bộ phận chuyên môn để tối ưu hóa các kỹ năng của doanh nghiệp.

Khi tất cả các phòng ban được liên kết, văn hóa doanh nghiệp sẽ trở nên bền chặt, vững mạnh hơn. Điều này cho phép doanh nghiệp truyền tải thông điệp, dữ liệu, ý tưởng một cách dễ dàng và tự tin hơn.

Văn hóa mở

Đặc tính này được hiểu là khả năng hợp tác với mạng lưới bên ngoài, ví dụ như các nhà cung cấp, các bên thứ ba doanh nghiệp start up, khách hàng. Đây là điểm khác biệt nổi bật so với văn hoá truyền thống. Trong một thế giới phẳng và kết nối, tư duy phối hợp với bên ngoài, chia sẻ các lợi ích để cùng win-win chính là cách giúp doanh nghiệp linh hoạt và thích nghi với mọi thay đổi.

Tư duy số trước tiên

Doanh nghiệp chỉ có thể có tư duy số trước tiên khi doanh nghiệp đó coi các giải pháp số là điều mặc nhiên, bắt buộc phải có.

Cần lưu ý rằng, chuyển đổi số không chỉ phụ thuộc vào yếu tố công nghệ mà điều quan trọng hơn cả nằm ở con người. Một doanh nghiệp sẽ chỉ triển khai việc chuyển đổi số thành công khi và chỉ khi toàn bộ đội ngũ nhân sự, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên vượt qua những “chiếc bẫy” trong tư duy – những điều có thể làm chậm lại hoặc “trật bánh” các sáng kiến chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Linh hoạt và nhạy bén

Văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số phải linh hoạt và nhạy bén. Điều này thể hiện qua tốc độ và động cơ ra quyết định cũng như khả năng đáp ứng của tổ chức đối với những đòi hỏi thay đổi và công nghệ mới.

Yếu tố này quan trọng là bởi doanh nghiệp không thể lúc nào cũng ngủ yên trên chiến thắng, đặc biệt là khi có rất nhiều doanh nghiệp đối thủ khác sẵn sàng tận dụng lợi thế công nghệ của mình để đuổi xa hơn và vươn tới vạch đích. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong dòng chảy mãnh liệt của chuyển đổi số chỉ khi thực sự linh hoạt và kịp thời thích nghi với thay đổi và những điều mới mẻ.

Kim Oanh

(Tổng hợp)

Bài Viết Liên Quan