Truyền thông về sức khỏe lãnh đạo: Bài học từ Apple và Berkshire Hathaway

Truyền thông về sức khỏe lãnh đạo: Bài học từ Apple và Berkshire Hathaway

Là CEO của hãng công nghệ hàng đầu thế giới, Steve Jobs hiểu rằng những tin tức được đưa ra có thể ảnh hưởng tới thương hiệu cũng như niềm tin của nhân viên vào tổ chức. Đó cũng là suy nghĩ của Warren Buffett – vị tỷ phú điều hành Tập đoàn Berkshire Hathaway. Vậy nhưng khi đối diện căn bệnh hiểm nghèo, những vị CEO này lại có cách xử lý truyền thông khác nhau. 

Từ cất giấu trong bóng tối 

Ngay khi biết mình mắc phải căn bệnh ung thư tụy, Steve Jobs – cựu CEO của Apple đã không đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình. Thay vào đó, ông lựa chọn việc điều trị không phẫu thuật với chế độ điều trị và ăn uống đặc biệt để tiếp tục đồng hành cùng Apple. Trong thời gian này, ban điều hành của Apple và toàn thể đội ngũ lãnh đạo đều biết về tình trạng của ông nhưng còn băn khoăn liệu có nên công bố cho nhân viên, cổ đông biết hay không. Bởi lẽ, Steve Jobs đã đồng hành cùng Apple từ những ngày đầu tiên và trở thành một lãnh đạo khó có thể thay thế, chịu trách nhiệm cho mọi công tác điều hành đến sáng tạo sản phẩm. Những tin tức liên quan đến bệnh tình của ông chắc chắn sẽ gây nên sóng gió đối với tình hình kinh doanh của công ty. 

Chính bởi vậy, ban điều hành của Apple đã quyết định không tuyên bố điều gì, sau khi tham khảo ý kiến từ hai luật sư ngoài. Một thời gian ngắn sau đó, Steve vẫn phải tiến hành phẫu thuật. Trong bức thư gửi tới nhân viên của mình, Steve có một tuyên bố lạc quan rằng ông đã vừa đối mặt với một căn bệnh nguy hiểm nhưng may mắn đã được chữa khỏi. Steve Jobs đảm bảo với mọi người rằng mình sẽ nhanh chóng quay trở lại công việc. Apple yêu cầu mọi người không đặt những câu hỏi liên quan đến sức khỏe của ông sau tuyên bố này. 

Vậy nhưng, những lời đồn xung quanh vẫn không dừng lại. Tháng 8 năm 2008, Bloomberg đã công bố một bản cáo phó dài 2500 chữ về sự qua đời của Steve Jobs. Khi phát hiện tin tức này không chính xác, Bloomberg đã nhanh chóng gỡ bỏ thông tin này. Tuy nhiên, chúng vẫn lan truyền khắp trên các blog. Đích thân Steve Jobs đã lên tiếng phủ nhận tin đồn bị phóng đại quá mức này.

Cho đến nay, những chi tiết về bệnh tình của Steve Jobs vẫn để lại nhiều thắc mắc cho công chúng.

Đối với công chúng cũng như nhân viên, không ai trong số họ thực sự biết Steve Jobs đã bị bệnh trong thời gian bao lâu và tình trạng đang như thế nào. Họ thực sự hoang mang và lo lắng cho tổ chức cũng như người đứng đầu. “Tất cả chúng tôi thực sự quan tâm đến Steve, và đó cũng là một rủi ro nghiêm trọng đối với công ty.” – một nhân viên của Apple chia sẻ.

Đến bước ra ngoài ánh sáng

Trái với Steve Jobs, Warren Buffet – Chủ tịch của Tập đoàn Berkshire Hathaway lại chọn cách đối diện với công chúng và nhân viên theo cách khác. Là một người không thích chia sẻ về đời sống cá nhân của mình nhưng vị tỷ phú nổi tiếng thế giới lại không che giấu việc mình đang mắc căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao bởi tin tức nhạy cảm như vậy có thể ít nhiều ảnh hưởng tới Tập đoàn mà ông đang điều hành.

Thay vì chọn việc che giấu, Warrren Buffett vẫn quyết định công khai bệnh tình của mình.

Là một nhà đầu tư mà nhất cử nhất động đều được phân tích bởi thị trường toàn cầu, Buffett gần như không thể bỏ ra 2 tháng để tiến hành xạ trị mà không bị ai để ý. Thêm vào đó, ở vào tuổi 81, vấn đề sức khỏe và kế hoạch tìm người thay thế của Buffett vốn dĩ đã trở thành chủ đề của quá nhiều đồn đoán. Bất kỳ dấu hiệu hay hành vi nhỏ nào của ông đều có thể khiến giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway lao dốc nếu nhà sáng lập Tập đoàn này không chịu tiết lộ về tình trạng sức khỏe thật.

Theo tờ Business Week, lý giải cho hành động này của Buffett đó là ông muốn ngăn chặn những tin đồn thất thiệt liên quan đến ông – người giàu thứ ba thế giới cũng như của Tập đoàn. Điều này có thể gây nên nhiều rắc rối hơn là việc truyền thông bất ngờ trước tình trạng sức khỏe của ông.

Bài học cho những người làm truyền thông

Công bố tình trạng sức khỏe của lãnh đạo, đặc biệt là CEO – người đứng đầu tổ chức vẫn luôn là một băn khoăn của lãnh đạo cũng như những người làm truyền thông trong doanh nghiệp. Nếu lựa chọn im lặng, lợi ích trước mắt đó là sẽ không gây ra những sóng gió trong cộng đồng cổ đông, công chúng, nhân viên. Nhưng đổi lại, khi tình trạng của lãnh đạo rơi vào tình huống xấu nhất, điều đó có thể sẽ trở thành cú sốc cho những đối tượng liên quan. Nếu doanh nghiệp không kịp có phương án dự phòng, rất có thể việc đó sẽ khiến tình hình nội bộ trở nên hỗn loạn vì không có một người lãnh đạo hay chiến lược nào được vạch ra sẵn. 

Ngược lại, khi lựa chọn lên tiếng, doanh nghiệp thời gian đầu có thể sẽ gây hoang mang trong công chúng. Tuy nhiên, nếu những thông tin đó được công bố kịp thời, chính xác, ban điều hành và đội ngũ cổ đông, nhân viên có thể chuẩn bị trước tâm lý cũng như nhanh chóng tìm những người kế nhiệm phù hợp.

Công khai bệnh tình lãnh đạo – Nên hay không?

Dù chọn lựa cách thức nào, đội ngũ làm truyền thông trong doanh nghiệp vẫn cần ưu tiên việc lên kế hoạch cho mọi trường hợp. Sự chuẩn bị cẩn thận, chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp luôn kiểm soát được tình hình và vượt qua sóng gió một cách nhẹ nhàng nhất.

Kim Oanh 

(Theo Syrusreputation)

Bài Viết Liên Quan