Tận dụng Infographic – Vũ khí “tối tân” truyền thông điệp

Tận dụng Infographic – Vũ khí “tối tân” truyền thông điệp

Ngày nay, khi con người có xu hướng “xem nhiều hơn đọc”, infographic – với khả năng đáp ứng ba tiêu chí “đẹp-gọn-đủ” – đã trở thành một cách thức hữu hiệu để làm truyền thông nội bộ.

Những lợi ích truyền tải thông điệp

Infographic là một công cụ đang được ưu tiên số một để biến các dữ liệu thông tin khô khan, phức tạp và dày đặc thành những hình ảnh trực quan dễ hiểu, hấp dẫnNgoài việc dễ thu hút độc giả, mức độ lan tỏa thông điệp qua các infographic cũng sẽ cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang có nguồn nhân lực trẻ trung, năng động, tích cực chia sẻ thông tin mang xu hướng “viral”. Dữ liệu của BuzzSumo đã chỉ ra rằng, các nội dung dạng infographic sẽ đạt được mức độ chia sẻ trên mạng xã hội nhiều gấp 2,3 lần so với các bài đăng blog thông thường. Các mạng xã hội thường xuyên mà infographic thường được chia sẻ là Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram, Pinterest và Google+. 

Với công tác truyền thông nội bộ, bạn hoàn toàn có thể khai thác infographic để truyền tải các thông tin quan trọng trong tổ chức. Infographic có đặc điểm chứa nhiều thông tin, số liệu, do vậy chúng sẽ thường được sử dụng trong các quyết định, báo cáo, tài liệu đào tạo, nội quy hay tin tuyển dụng. Coca Cola đã sử dụng infographic để giới thiệu 50 đặc điểm của doanh nghiệp này, và chúng đã thực sự là công cụ hay ho để thu hút ứng viên khi tìm kiếm nhà tuyển dụng.

Infographic bắt mắt của Coca Cola.

Làm thế nào có một infographic hấp dẫn?

Nếu bạn là một nhân viên truyền thông nội bộ không chuyên về thiết kế, đừng lo, sẽ có các công cụ đắc lực hỗ trợ bạn sáng tạo infographic.

Trước khi bắt tay vào làm một infographic hãy nhớ những quy tắc sau:

  • Chú ý đến những “nội dung vàng”: là thông tin như số liệu, câu trích dẫn, các tips, thủ thuật hoặc những hướng dẫn từng bước. Đây là các thông tin dễ thu hút và dễ nhớ dành cho người đọc, nhất là khi chúng được hình ảnh hóa vào các infographic.
  • Luôn chú ý vào mục tiêu sau cùng: luôn thường xuyên đặt câu hỏi mục tiêu sau cùng bạn làm để làm gì? Bạn đang muốn chia sẻ số liệu tài chính cập nhật nhất; muốn cung cấp phản hồi cho một khảo sát trước đó; trình bày thông tin về một cơ hội kinh doanh mới hay chỉ đơn giản là cung cấp kiến thức cho nhân viên. Nếu không nghĩ về những mục tiêu này, sản phẩm bạn làm ra sẽ chỉ đơn giản là một chuỗi thông tin không có liên kết và không đem lại giá trị cần thiết cho người đọc.
  • Giữ bố cục mạch lạc và biến chúng trở thành một câu chuyện: Bạn hãy tưởng tượng trong đầu một cốt truyện chính cho infographic của bạn với đầy đủ ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Thay vì chọn ngẫu nhiên lộn xộn, hãy giữ cho nội dung theo một mạch xuyên suốt, giúp người đọc nắm rõ hơn, in đậm tiêu đề, tạo những khối nội dung và có vạch phân cách hay tạo câu kết bằng một câu trích dẫn ngắn gọn.
  • Trình bày nội dung dễ hiểu nhất: độc giả chỉ có ít phút để xem infographic, bạn cần đơn giản hóa mọi thông tin, song “đơn giản nhưng không tối giản”, hãy luôn đảm bảo đầy đủ và chính xác nhé!
  • Chú ý ngôn ngữ sử dụng: hạn chế sử dụng những từ mang tính học thuật hoặc nặng về chuyên môn. Thay vào đó, hãy tận dụng như từ ngữ thông dụng, dễ hiểu, thậm chí hài hước một chút để đạt hiệu quả cao hơn.

Infographic nên được trình bày theo trình tự, bố cục thời gian để dễ theo dõi.

Ngoài ra, cũng đừng quên bỏ túi một số thủ thuật để khiến infographic của bạn hấp dẫn và thú vị hơn: 

  • Đặt tiêu đề gắn với các con số: tiêu đề có số lẻ còn giúp tỉ lệ nhấp chuột cao hơn 20%!)
  • Viết mô tả đầu tiên thật “kêu”: trung bình, chỉ 2/10 người sẽ tiếp tục đọc sau khi đọc dòng mô tả này.
  • Hình ảnh đầu tiên phải thật bắt mắt.
  • Phối màu hợp lý, vừa phải: hãy chọn một màu nền nhẹ nhàng và 1 – 2 gam màu chủ đạo cho cả bài.
  • Chọn font chữ và cỡ chữ dễ đọc: font chữ “thân thiện” với tất cả các giao diện, ví dụ như Arial, Open Sans, Courier hay Verdana…
  • Một số công cụ hỗ trợ: Easel.ly, Visme, Snappa, Canva Infographic Maker, Piktochart, Infogram hoặc Animaker (trang tạo infographic dưới dạng video).

Mục tiêu quan trọng nhất khi sử dụng infographic hay bất kỳ dạng nội dung trực quan nào cũng đều là để truyền tải thông điệp của tổ chức đến gần hơn với nhân viên. Do vậy, nếu bạn là một chuyên viên truyền thông nội bộ còn phân vân với những cách thức truyền thống, tại sao không thử với infographic và biến chúng thành trợ thủ đắc lực cho bạn?

Kim Oanh

(Tổng hợp)

Bài Viết Liên Quan