Chuỗi quảng cáo hài hước: Có đủ “duyên” để viral?

Chuỗi quảng cáo hài hước: Có đủ “duyên” để viral?

Chuỗi quảng cáo hài hước được coi là “đặc sản” của ngành quảng cáo Thái Lan, nay đã được một số doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng nhờ lan truyền dễ dàng.

Không phải là nhãn hàng đầu tiên làm chuỗi quảng cáo hài hước tại Việt Nam, nhưng quảng cáo Vodka Cá Sấu vẫn được đánh giá là video có độ lan truyền mạnh mẽ nhất vào cuối năm 2016. Với slogan “Cảm xúc chỉ có thể tốt hơn!” được nhắc lại nhiều lần cùng một chuỗi những tình tiết hài hước được cài cắm cho phù hợp với sản phẩm, dù không được phép phát sóng trên các kênh chính thống (rượu là sản phẩm nằm trong danh mục không được phép quảng cáo công khai tại Việt Nam), Vodka Cá Sấu vẫn tạo nên cơn sốt, thành công trong việc ghi dấu ấn của mình trong lòng đông đảo cư dân mạng.

Quảng cáo Vodka Cá Sấu theo phong cách chuỗi tình huống hài

Chuỗi quảng cáo hài hước bao gồm khoảng 4-5 đoạn quảng cáo rất ngắn được ghép thành một video liền mạch. Bên cạnh phim ngắn, chuỗi quảng cáo hài hước đang trở thành lựa chọn ưu tiên cho các doanh nghiệp muốn làm video viral để gây “thương nhớ” cho khách hàng. Ưu điểm của chuỗi quảng cáo hài hước là dễ lan truyền, dễ lôi kéo người xem, dễ tạo ấn tượng và người làm nội dung được thoải mái sáng tạo. Đây được coi là “đặc sản” của ngành quảng cáo Thái Lan bởi hình thức quảng cáo này đã xuất hiện từ rất lâu trước đó.

Ở Việt Nam, ngoài Vodka Cá Sấu, đã có một số thương hiệu, nhãn hàng áp dụng hình thức quảng cáo này và tạo được ấn tượng nhất định. Có thể kể đến “Kiểm soát mùi, tự tin trước gió” của Diana với sự xuất hiện của “thánh lầy” Trang Hý, Honda Blade, game Nhất Thống Thiên Hạ hay series tiếp theo của Vodka Cá Sấu, với mục đích “chữa cháy” trước các bình luận cho rằng nhãn hàng này khuyến khích mọi người sử dụng chất kích thích.

Không vướng phải nỗi lo “đại trà hóa” như phim ngắn, chuỗi quảng cáo hài hước xuất hiện ngày một nhiều hơn cũng đang dần phơi bày một số điểm yếu của những người làm nội dung:

Thứ nhất, chuỗi quảng cáo là hình thức rất đặc trưng. Không như phim ngắn, người làm nội dung có thể cài cắm sản phẩm khéo léo để lôi kéo người xem theo dõi từ đầu đến cuối. Chuỗi quảng cáo mang đến cho người xem một cái nhìn trực diện về nội dung, các đoạn quảng cáo ngắt quãng liên tục và không liên quan đến nhau, nên khi đã nắm được thông tin cơ bản của sản phẩm, người xem có thể sẽ tắt ngang quảng cáo giữa chừng thay vì xem đến cuối.

Thứ hai, nghĩ ra các yếu tố gây hài là một thử thách lớn. Làm không tới sẽ biến hài thành “nhảm”, “nhạt”; làm quá đà hài hước sẽ trở thành “lố”, “vô duyên”. Éo le thay, ranh giới giữa các yếu tố này vô cùng mờ nhạt, còn người xem thì lại ngày càng khó tính! Chưa kể, diễn xuất của các diễn viên đôi lúc không thể hiện được cái “đắt giá” trong kịch bản.

Thứ ba, các tình huống để cài cắm sản phẩm dù hài hước nhưng không thực tế. Điều này sẽ dẫn đến việc khách hàng cảm thấy thiếu liên kết với sản phẩm, gây ảnh hưởng đến quyết định mua.

Vậy, các doanh nghiệp và nhà sản xuất phải làm gì để thực sự biến chuỗi quảng cáo hài hước thành một “vũ khí” hữu dụng?

  1. Bên cạnh hình thức gốc của của chuỗi quảng cáo hài hước, nhà sản xuất nên có một chút “cải biên” để lôi kéo người xem đến phút cuối cùng. Ví dụ: Tạo ra một chuỗi tình huống, nhưng các tình huống liên quan đến nhau thay vì ngắt quãng.
  2. Phải hình dung cụ thể về việc đưa các yếu tố gây hài lên video, đặt mình vào vị trí người xem để tiết chế, thêm thắt sao cho phù hợp với thị hiếu. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng nên cân nhắc diễn viên phù hợp dựa trên gương mặt và khả năng diễn xuất.
  3. Tình huống đưa ra nên gần gũi, thực tế, bám sát nhu cầu khách hàng. Việc thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp “ghi điểm” nhờ thể hiện đúng lợi ích mà khách hàng mong muốn ở sản phẩm.

Bài Viết Liên Quan