Học được gì từ SpaceX và Meta để tạo ra đổi mới đột phá?

Học được gì từ SpaceX và Meta để tạo ra đổi mới đột phá?

Đổi mới đột phá không chỉ là việc tạo ra sản phẩm mới mà còn tạo ra thị trường mới, tiêu chuẩn mới, mang đến những sự thay đổi lớn trong cách con người sống và làm việc. Thách thức lớn nhất trong quá trình này thường không phải là công nghệ mà là văn hóa doanh nghiệp – cách mọi người trong tổ chức nhìn nhận và tiếp nhận sự thay đổi.

Thành công chỉ với 1% hi vọng
& Thất bại dù được cả thế giới kỳ vọng

15h22 ngày 30/5/2020 (giờ Mỹ) tức rạng sáng 31/5/2020 theo giờ Việt Nam, tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty SpaceX đã rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida, đưa tàu Crew Dragon vào quỹ đạo trái đất. Sau hành trình bay tự do dài gần 19 tiếng, tối 31/5/2020 (giờ Việt Nam), Crew Dragon đã chở theo các phi hành gia của NASA kết nối thành công với Trạm không gian quốc tế (ISS).

Đây là lần đầu tiên du hành không gian được phát triển thương mại, thuộc sở hữu và vận hành bởi một công ty Mỹ chứ không phải NASA. Sự kiện này cũng là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển của SpaceX.

Khi thành lập SpaceX năm 2002, chính vị CEO Elon Musk cũng cho rằng những gì công ty ông thực hiện là một sứ mạng không tưởng, với khả năng thành công chỉ từ 0,1-1%.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, SpaceX đã trở thành một ví dụ điển hình về cách một công ty có thể tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trong một ngành công nghiệp đã lâu đời như hàng không vũ trụ, thông qua sự đổi mới và tầm nhìn dài hạn. SpaceX không chỉ thách thức các quy chuẩn về việc khám phá không gian mà còn thiết lập một mô hình kinh doanh mới trong một lĩnh vực được coi là phạm vi hoạt động chủ yếu của các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế lớn.

Trong khi đó, với tham vọng phát triển mảng “vũ trụ ảo” Metaverse và được giới công nghệ hết mực tung hô những ngày đầu ra mắt nhưng chỉ 3 năm sau đó, Meta đã phải ngậm ngùi công nhận thất bại, rút cổ phần ra khỏi Metaverse.

Trở lại năm 2021, giữa lúc cả thế giới đang phải “chật vật” thích nghi với cuộc sống và công việc theo cách thức “không bình thường” – làm mọi thứ từ xa – thì Metaverse ra đời. Một công nghệ đột phá nhưng vẫn duy trì trật tự cơ bản của mọi thứ, đó là cách Mark Zuckerberg – ông chủ của Metaverse – giới thiệu về lý tưởng của mình. 

Thậm chí, Zuckerberg cũng đã dứt khoát đổi tên mẹ cho công ty, từ Facebook sang Meta, với mục tiêu tái định hình Facebook thành một công ty “metaverse-first”, mở rộng tầm nhìn và hoạt động kinh doanh xa hơn nhiều so với mạng xã hội truyền thống. Mục tiêu này thể hiện rõ ràng tư duy đổi mới đột phá của Meta, không chỉ nhằm cải thiện sản phẩm hiện có mà còn kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian sống hoàn toàn mới cho người dùng.

Tuy nhiên, khác với những điều đẹp đẽ nhưng có phần mơ hồ được Mark Zuckerberg giới thiệu về Metaverse, sản phẩm mẫu không phải là một thế giới ảo, cũng không phải trò chơi thực tế hỗn hợp, không ai biết rốt cuộc là gì và vì sao doanh nghiệp cần nó. Đến cả nhân viên của Meta cũng nghi ngờ lý tưởng của công ty mình.

Meta dự đoán rằng trong tương lai, con người sẽ muốn đeo kính VR hoặc AR để đi làm, dành thời gian với bạn bè và mua sắm tại các cửa hàng được số hóa. Sau điện thoại thông minh, Metaverse sẽ là nền tảng điện toán tuyệt vời thế hệ kế tiếp. Nhưng thực tế, tính đến tháng 10/2022, chỉ có chưa đến 200.000 người dùng hoạt động mỗi tháng trên nền tảng VR Horizon Worlds – quân bài chiến lược trong hệ sinh thái vũ trụ ảo của Meta, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 500.000 người dùng mà Meta đã đặt ra cho thời hạn cuối năm 2022. 

Kinh doanh thua lỗ, nhân tài của Meta liên tục rời bỏ công ty, Meta thậm chí vẫn phải cắt giảm nhân sự còn nhân viên thì đặt ra câu hỏi: liệu họ có thể tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông chủ – Mark Zuckerberg?

Vì sao SpaceX thành công còn Meta lại thất bại?

Mặc dù sự đổi mới mang tính đột phá đang diễn ra ở khắp mọi nơi, từ các công ty khởi nghiệp đến những doanh nghiệp lâu đời, nhưng việc áp dụng thành công các chiến lược đột phá vẫn là một thách thức lớn. 

Trở lại với câu chuyện thành công của SpaceX, về cốt lõi, doanh nghiệp này được thúc đẩy bởi một nền văn hóa độc đáo, định hướng xoay quanh tầm nhìn dài hạn đầy tham vọng là biến loài người trở thành sinh vật đa hành tinh.

Mọi nhân viên của SpaceX đều “thẩm thấu” lý tưởng đó và xác định được vai trò của mình trong hành trình này, mà trước hết là biến việc du hành không gian trở nên dễ tiếp cận hơn với giá cả phải chăng hơn. 

SpaceX là ví dụ điển hình của sự đổi mới đột phá, nhờ một tầm nhìn dài hạn, văn hoá đổi mới, linh hoạt, khả năng thực thi cao.

SpaceX cũng đề cao tính linh hoạt và khả năng thực thi trong văn hóa của tổ chức, bằng cách khuyến khích việc đưa ra những quan điểm trái chiều để phản biện, giảm bớt văn hóa thứ bậc. Công ty tập hợp những nhân viên có chuyên môn cao nhất lại với nhau, thúc đẩy họ áp dụng tư duy phần mềm vào phần cứng để liên tục cải tiến sản phẩm.

Trong khi đó, với trường hợp của Meta và Metaverse, người ta thấy rằng một tầm nhìn lớn có thể trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ và thu hút nhân tài. Tuy nhiên, tầm nhìn phải đủ rõ ràng để dẫn dắt công ty vượt qua khó khăn khi biến lý tưởng thành thực tế. Bên cạnh đó, sự đổi mới mang tính đột phá cần thời gian và sự kiên nhẫn để cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp chấp nhận, đồng thời doanh nghiệp phải sẵn lòng điều chỉnh chiến lược dựa trên phản hồi từ thị trường và chính tổ chức của mình. Sự đổi mới cũng đòi hỏi một văn hóa doanh nghiệp cởi mở, nơi mọi ý kiến đều được lắng nghe và đánh giá.

Các chuyên gia cho rằng việc thiếu sự rõ ràng trong tầm nhìn là một phần lý do khiến Metaverse thất bại trong kế hoạch đổi mới đột phá

Vậy làm thế nào để tạo ra sự đổi mới đột phá?

Đột phá không chỉ là về ý tưởng mà còn về cách thức thực thi. Để thành công, các tổ chức cần nhận thức rõ ràng về thách thức và áp dụng một cách tiếp cận toàn diện. Lời khuyên của các chuyên gia đến từ Harvard Business Review là doanh nghiệp cần tập trung vào 2 yếu tố chính:

Lôi kéo sự tham gia từ tất cả các bên liên quan: Nhà đầu tư – Nhân viên – Khách hàng

Những sự đổi mới mang tính đột phá vốn chưa từng tồn tại nên sẽ không có tính vững chắc, đặc biệt trong giai đoạn non trẻ của thị trường, lại khá phức tạp trong cách hiện thực hóa ý tưởng. Trong khi hầu hết các công ty thành công đều hướng tới tính hiệu quả, do đó, khi gặp phải sự phức tạp, họ cố gắng đơn giản hóa chúng và biến những quan điểm khổng lồ thành một câu chuyện gọn gàng với những giả định vừa phải và những rủi ro có quy mô nhỏ hơn. Quá trình này có thể dẫn đến sự tự tin thái quá vào những chiến lược còn thiếu sót.

Ngoài ra, sự đổi mới mang tính đột phá có thể khiến các nhà đầu tư hoài nghi về tính hiệu quả và không đủ kiên nhẫn để chờ đợi “trái ngọt”. Nhân viên của công ty có thể coi các chiến lược đó là mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi và từ đó ảnh hưởng tới công việc của họ. Còn khách hàng lâu năm có thể thắc mắc về trọng tâm của công ty.

Các tổ chức nên quản lý sự đột phá hiệu quả hơn bằng cách triển khai một chiến lược truyền thông cụ thể, rõ ràng, nhằm đảm bảo rằng các đối tượng khác nhau với những mối quan tâm khác nhau sẽ nhận được thông tin đầy đủ về chiến lược mới. Đồng thời, công ty nên loại bỏ nguy cơ về sự phân cực bên trong tổ chức, xảy ra khi có những quan điểm cực đoan khác nhau về sự thay đổi lớn đang/sẽ diễn ra, thông qua các hoạt động truyền thông nội bộ.

Tạo ra một nền văn hóa sẵn sàng cho sự đột phá

Khi các công ty muốn thúc đẩy sự thay đổi mang tính đột phá, họ thường bổ nhiệm một nhà lãnh đạo mới để dẫn đầu nỗ lực đột phá và tách hoạt động kinh doanh mới khỏi hoạt động kinh doanh cốt lõi để bảo vệ thành quả và đảm bảo hoạt động kinh doanh đó có được các nguồn lực phù hợp. Điều đó đòi hỏi văn hóa cần phải được điều chỉnh.

Thay đổi văn hóa là một thách thức. Để thành công, thay vì cố gắng thay đổi văn hóa một cách rộng rãi, doanh nghiệp nên tập trung vào việc điều chỉnh hành vi để hỗ trợ các kết quả kinh doanh cụ thể. Đồng thời, doanh nghiệp cần xác định rõ những trở ngại cơ bản có thể gây ra cho các hành vi trên và những biện pháp đối phó.

Sự đổi mới nên được bắt đầu từ việc tạo điều kiện cho mọi người sẵn lòng thay đổi. Điều này đòi hỏi một chiến lược truyền thông rõ ràng và sự hỗ trợ từ lãnh đạo. Sự đổi mới cũng được phát triển từ nền văn hóa học hỏi, nơi mọi người được khuyến khích học hỏi từ sự thất bại. Khi sự sáng tạo được khích lệ sẽ tạo điều kiện cho đổi mới đột phá. 

Các công ty có thể thực hiện các buổi workshop, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cũng như thiết lập một môi trường mở cho tất cả ý tưởng mới để  tăng cường khả năng đổi mới.

Đổi mới đột phá không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo về mặt công nghệ mà còn cần có một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ ủng hộ sự thay đổi, sự thất bại và học hỏi từ nó. Bằng cách xây dựng một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, tôn trọng sự đa dạng và thúc đẩy sự tham gia của mọi người, doanh nghiệp có thể vượt qua những thách thức văn hóa và đạt được thành công lớn trong thế giới đổi mới không ngừng.

Hằng Nguyễn

(Nguồn từ Harvard Business Review, Tuổi trẻ, Dân trí, Cafebiz, Vietnambiz)

 

Bài Viết Liên Quan