Truyền thông nội bộ học gì từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020?
Thời gian vừa qua, cuộc đua vào Nhà Trắng đang là chủ đề được nhiều người bàn tán và quan tâm. Với những người làm truyền thông nội bộ, sự kiện này cũng có thể đem lại những bài học thú vị cho công việc của mình.
Khảo sát chỉ chính xác nhất khi phần đông nhân viên tham gia
Khi dự đoán kết quả bầu cử Mỹ, các hãng thông tấn thường phải thực hiện khảo sát, thăm dò cử tri trên diện rộng. Họ cần thống kê kết quả từ phần đông cử tri Mỹ trước khi đi đến kết luận cuối cùng về người chiến thắng.
Tuy nhiên, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã làm nhiều người ngạc nhiên, lí do là vì các cơ quan thông tấn này đã không thể lấy mẫu đại diện đủ lớn, đủ tiêu biểu khi thăm dò cử tri. Kết quả khi được công bố đã trở thành chủ đề gây tranh cãi do nhiều người cho rằng thông tin từ các hãng thông tin đã không thể hiện đúng quan điểm chung của người dân Mỹ.
Truyền thông nội bộ cần nhìn đây như một bài học cho mình. Bất cứ cuộc khảo sát nào cũng cần có sự tham gia của phần đông nhân viên nếu như muốn thu về kết quả chính xác nhất. Nếu không muốn đưa ra những nhận định sai lầm về những vấn đề và khúc mắc của nhân viên hay thực hiện những ý tưởng gắn kết nhân viên không phù hợp, truyền thông nội bộ cần đảm bảo tỷ lệ thực hiện khảo sát gần chạm mốc 100%. Để làm được điều đó, truyền thông nội bộ cần gửi mẫu khảo sát tới tất cả hoặc phần lớn nhân viên các cấp thông qua nhiều kênh như: gửi email, bản tin trên website nội bộ hoặc tổ chức các buổi phỏng vấn nhóm,… Không quên triển khai các chiến dịch truyền thông cho khảo sát, thậm chí sẵn sàng đầu tư khoản chi phí “khủng” để bằng mọi cách lượng mẫu thu về đạt mức tối đa.
Đừng ngại đầu tư ngân sách vào các kênh truyền thông xứng đáng
Theo thống kê, các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 đã “tiêu tốn” 14 tỷ đô la. Thật sự là một số tiền khổng lồ, nhưng bạn có nghĩ như vậy là xứng đáng? Với nhiều ứng cử viên, họ sẵn sàng bỏ ra nhiều hơn thế, vì họ nhận thấy được, việc “đổ” tiền vào các chiến dịch vận động tranh cử đã đem lại hiệu quả nhanh chóng, như giúp họ gia tăng danh tiếng, xây dựng độ phủ sóng trên truyền thông, gia tăng sự ủng hộ và tin tưởng của các cử tri… đưa họ gần hơn tới chiến thắng.
Những người làm truyền thông nội bộ hoàn toàn có thể áp dụng cách làm trên trong công tác triển khai của mình. Đừng ngại đầu tư ngân sách vào các kênh truyền thông xứng đáng. Truyền thông nội bộ là quan trọng với tất cả các doanh nghiệp, nhưng chỉ khi được đầu tư xứng đáng, nó mới có thể phát huy hết thế mạnh, giúp gia tăng mức độ gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu, sứ mệnh – tầm nhìn… Hãy nghiên cứu thật kỹ văn hóa doanh nghiệp, sở thích, thói quen của nhân viên để tìm ra ưu, nhược điểm của các kênh truyền thông nội bộ phù hợp trong số vô vàn kênh như bảng tin đặt tại văn phòng, email, các cuộc họp nhóm hay website nội bộ. Hãy thuyết phục lãnh đạo bằng một chiến lược truyền thông nội bộ kỹ càng, cùng với đó là kế hoạch chi tiết kèm ngân sách tương ứng cho các hoạt động, sự kiện dự kiến triển khai cho giai đoạn 12 tháng tới.
Số lượng không bằng chất lượng
Qua các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2020, có thể thấy truyền thông trên nhiều kênh chưa chắc đã hiệu quả bằng việc lựa chọn một số kênh nhất định và đưa ra đúng thông điệp tới đúng người. Điều này đúng với mọi chiến dịch truyền thông, bao gồm cả truyền thông nội bộ.
Sự thành công của truyền thông nội bộ không đến từ số lượng bảng khảo sát bạn gửi đi hàng tháng, số buổi team building bạn tiến hành hàng năm mà nó là sự kết hợp của ba yếu tố: thông điệp phù hợp – đối tượng phù hợp – thời điểm phù hợp. Để thành công, bạn cần phải lắng nghe đối tượng mục tiêu, tìm ra những thông điệp gây được tiếng vang và sau đó xây dựng các chương trình phù hợp, nhắm vào đúng đối tượng, thông qua các cách thức đáng tin cậy.
Chân thực là điều cốt lõi để nhận ủng hộ từ nhân viên
Người dân Mỹ có thể không ưa hai ứng cử viên Donald Trump hay Joe Biden vì tính cách của họ? Thế nhưng, vẫn có rất nhiều người sẵn sàng tin tưởng và ủng hộ vì chính con người thật họ thể hiện thông qua các phương tiện truyền thông.
Với truyền thông nội bộ, nếu muốn lấy niềm tin của phần đông “dân chúng”, hãy đảm bảo tính chân thực. “Hãy ngừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, hãy cứ là chính bạn rồi xem ai là người ở lại cuối cùng”, và đây chính là thời điểm để đội ngũ truyền thông nội bộ lồng ghép những con người, sự việc, câu chuyện thật nhất vào thông điệp gửi tới nhân viên. Nếu doanh nghiệp không chân thật với nhân viên ngay từ ban đầu, và nhân viên có ảo tưởng hay niềm tin dựa trên những điều không chân thật ấy, thì giống như bong bóng xà phòng, mối quan hệ doanh nghiệp – nhân viên, lãnh đạo – nhân viên, nhân viên – nhân viên sẽ tan vỡ một sớm một chiều.
Sự kiện ảo – Lợi ích thật
Khi tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn đang vô cùng căng thẳng, thay vì đến từng bang và tổ chức những buổi vận động đông người, ứng cử viên Joe Biden đã khắc phục khó khăn, triển khai hàng loạt các chiến dịch trực tuyến. Và cách làm này đã thực sự đem lại hiệu quả cho ông – người đang được đánh giá giành lợi thế hơn cho với đối thủ.
Tranh cử Tổng thống có thể thu lợi từ những sự kiện ảo thì truyền thông nội bộ không có lý do nào không thể. Trong bối cảnh chuyển đổi số là điều tất yếu hậu Covid-19, việc tổ chức các sự kiện ảo giúp gắn kết nhân viên trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Các nhà làm truyền thông nội bộ hãy gạt bỏ suy nghĩ “xa mặt cách lòng” và tự tin tổ chức một số sự kiện ảo để lấy được niềm tin và sự ủng hộ của nhân viên. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động thường ngày như đào tạo nội bộ, họp nhóm, họp cả công ty, hãy tiếp tục sáng tạo nhiều ý tưởng cho các hoạt động gắn kết thú vị khác như hẹn hò xem phim qua Zoom, rủ nhau chơi Among Us hay cùng “hack não” với trò chơi siêu “hot” trong bộ phim “Tiệc trăng máu”. Điều này vừa giúp gắn kết nhân viên theo cách thức an toàn, tiết kiệm, vừa giúp thể hiện sự quan tâm từ phía doanh nghiệp, đồng thể tạo cơ hội để nhân viên thực thi văn hóa doanh nghiệp. Với những người làm truyền thông nội bộ, sự kiện ảo cũng là cơ hội để họ có “đất” thể hiện khả năng sáng tạo, phá bỏ giới hạn, thử thách bản thân nhằm đem đến sự phát triển cho bản thân và doanh nghiệp.
Hải Vân
(Theo Ragan)