TẠI SAO CHÚNG TA NHÌN “CHIẾC VÁY BẤT HÒA” THÀNH NHỮNG MÀU KHÁC NHAU?
Vàng – trắng hay xanh – đen? Chúng tôi cá là chính bạn cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy tranh cãi này. Cá đấy.
Ở giữa là ảnh gốc của chiếc váy.
Ngày 26 tháng 2, bức ảnh một chiếc váy tưởng như rất “vô hại” đã khiến người dùng Internet trên toàn thế giới chia thành hai phe hung hăng tranh cãi không ngừng. Suốt mấy ngày qua, mọi người mải miết tranh luận về màu sắc chiếc váy body (dáng hơi xấu) kia: xanh biển, ren đen hay trắng, ren vàng? Cuộc chiến này không chỉ được nhìn nhận từ khía cạnh social media (truyền thông xã hội) đơn thuần, nó còn khiến người ta phải nhờ đến các lý thuyết sinh học để giải thích về sự tiến hóa của đôi mắt và não bộ con người cùng với cách chúng ta tiếp nhận hình ảnh của vạn vật.
Ánh sáng tiếp xúc với mắt chúng ta qua thủy tinh thể và những bước sóng vật lý khác nhau cho kết quả là những sắc màu khác nhau. Ánh sáng chiếu vào võng mạc phía đáy mắt, nơi các sắc tố được “kích hoạt” thành những kết nối thần kinh tới vỏ não thị giác – phân khu não bộ xử lý những tín hiệu khi chúng ta nhìn vào một hình ảnh.
Vấn đề chính ở đây là, dù bạn có ý thức được hay không, não bộ vẫn tự động xác định màu sắc của ánh sáng chiếu vào vật bạn đang nhìn và “trừ” bớt màu của ánh sáng ra khỏi màu sắc thật của vật thể. Nhà thần kinh học Jay Neitz, chuyên gia đang làm việc tại Đại học Washington, giải thích: “Cơ quan thị giác của chúng ta có nhiệm vụ loại bỏ những thông tin về nguồn rọi sáng và chỉ lọc lại những phản chiếu trong thực tế mà thôi. Suốt 30 năm nay, tôi đã nghiên cứu về những trường hợp con người tiếp nhận cùng một vật thể với những màu sắc khác nhau, nhưng đây là lần có sự khác biệt lớn nhất mà tôi được chứng kiến.” (Neitz nhìn chiếc váy có màu trắng – vàng.)
Tin vui là thông thường, hệ thần kinh thị giác của chúng ta luôn hoạt động ổn định. Trong trường hợp của “chiếc váy bất hòa” này, vấn đề lại là tri giác – cách loài người tiến hóa trong khả năng cảm nhận về vạn vật.
Con người có thể nhìn trong ánh sáng ban ngày, nhưng ánh sáng đó luôn thay đổi màu sắc. Thời điểm bình minh, chúng ta nhìn với trục màu đỏ – hồng rồi tăng dần sắc độ lên thành màu xanh – trắng vào buổi trưa. Cuối cùng, ánh sáng lại trở về màu hoàng hôn đỏ. Đồng nghiệp của Neitz, nhà thần kinh học Benvil Conway đến từ Welleshley phân tích: “Thực tế là khi bạn nhìn vào một vật, mắt bạn sẽ cố loại trừ đi những sắc tố màu có thiên hướng của trục màu ánh sáng ngày. Với chiếc váy, có người sẽ loại trừ đi sắc xanh và nhìn được màu vàng – trắng nhưng cũng có người loại trừ sắc vàng để thấy màu xanh – đen.” (Conway đôi lúc cũng nhìn chiếc váy ra màu xanh – cam).
Nhóm nghiên cứu tiến hành một số thủ thuật với tấm hình chiếc váy trong công cụ Photoshop nhằm phát hiện ra thành phần màu RBG (đỏ – xanh lá – xanh biển) thực tế của một vài điểm ảnh. Cuối cùng, bí ẩn đã được giải đáp.
Phía trên là bức ảnh do BuzzFeed dùng công cụ Photoshop để phân tích, có những điểm mọi người thấy là màu xanh và trên thực tế đúng là như vậy. Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở phần nền (background) hơn là chỉ về phía màu sắc thực. Conway đặt câu hỏi: “Hãy nhìn vào những giá trị của hệ màu RGB: R 93, G 76, B 50. Nếu chỉ dựa trên những thông số này và cố gắng phỏng đoán màu sắc, bạn sẽ nói gì? Sắc đỏ (R) chiếm hàm lượng nhiều hơn hẳn? Vậy sự thật chiếc váy có màu… gần với da cam?”
“Thực ra, thủ thuật phân tích nói trên khá tầm thường, chỉ là cắt ra những mảng chắp vá trên khung nền trắng. Cứ thử đặt một mảng tương tự trên nền đen trung tính mà xem, tôi cá là nó sẽ cho ra màu cam ngay thôi.” Ông Conway giải thích và ngay lập tức thực hiện ngay trong công cụ Photoshop, quả thật chiếc váy đã chuyển sang màu xanh biển – da cam.
Vấn đề ở đây là não bạn đang cố xen lẫn một màu sắc vào làm « bối cảnh » cho màu sắc của vật bạn đang nhìn. Thậm chí cả Neitz, người nhìn thấy chiếc váy màu trắng – vàng, cũng phải thừa nhận chiếc váy có màu xanh – đen. Ông giải thích thêm: “Tôi đã in bức ảnh, cắt một góc nhỏ và quan sát kĩ. Cuối cùng tôi đành phải chấp nhận sự thật chiếc váy có màu xanh biển đậm. Câu trả lời rất đơn giản: Não của tôi quy định sắc tố xanh biển nằm trong màu của ánh sáng, những người khác thì lại quy nó cho màu của chiếc váy.”
Trong các “bối cảnh” màu sắc ánh sáng khác nhau, sự tiếp nhận thị giác của mọi người cũng khác. Trên nền trắng, đa số chúng ta sẽ thấy màu xanh biển là… màu xanh biển. Nhưng một vài người có thể sẽ thấy nó màu trắng nếu được đưa về trên nền đen. Điều đó rất bình thường. Những kẻ theo chủ nghĩa vàng – trắng có lẽ đã “nhìn” chiếc váy dưới ánh sáng chói và hẳn những “cú đêm” đều “nhìn” thấy ngay chiếc váy màu xanh – đen.
Chiếc váy thật có màu xanh – đen
Như vậy, lý thuyết sinh học đã giải thích tại sao mắt chúng ta nhìn một chiếc váy lại “hóa” ra các màu khác nhau. Về phương diện truyền thông, 300 “chiếc váy bất hòa” được bán hết veo trong vòng nửa giờ đồng hồ và tiếp tục “cháy hàng” nhiều ngày sau đó. Trường hợp này rõ ràng là một gợi ý không tồi để những nhà marketing bắt tay vào nghiên cứu sử dụng các yếu tố liên quan đến sinh học và giác quan con người cho mục đích quảng cáo và tuyên truyền, theo một cách rất mới.
(Theo wired.com)