Sự khác biệt giữa phù hợp văn hóa và phù hợp giá trị cốt lõi: Một góc nhìn

Một đồng nghiệp cũ của tôi ở FPT thường kết thúc hầu hết cuộc phỏng vấn tuyển dụng của mình với một câu hỏi bất ngờ: “Chú biết đá bóng không?”
Câu hỏi đó thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực ra lại ẩn chứa một thông điệp sâu sắc về việc tìm kiếm sự phù hợp. Với anh, một người thích đá bóng thường là người biết phối hợp, sẵn sàng chơi cùng đồng đội và không ngại va chạm trên sân cỏ cũng như trong công việc. Điều này rất phù hợp với môi trường văn hóa sôi nổi, năng động và đề cao tinh thần đồng đội của FPT.
Liệu đây có thực sự là điều quan trọng khi tuyển dụng một ứng viên?
Contents
Phù hợp văn hóa: Những giới hạn từ sự “giống nhau”
Trong nhiều năm, việc tuyển dụng dựa trên “phù hợp văn hóa” (culture fit) được xem như một kim chỉ nam. Ý tưởng này xuất phát từ mong muốn tìm kiếm những người có thể hòa nhập nhanh chóng với môi trường làm việc, những người “giống chúng ta”. Có những công ty từng đặt ra các tiêu chí rất cảm tính, chẳng hạn “liệu bạn có muốn ăn trưa cùng ứng viên này không?”
Nhưng chính sự cảm tính đó lại dẫn đến những vấn đề lớn. Một quản lý nhân sự từng kể với tôi rằng, sau một thời gian dài tuyển dụng theo tiêu chí “ai hợp gu đội nhóm,” họ nhận ra đội ngũ của mình ngày càng thiếu sự đa dạng. Những ý tưởng mới mẻ, những góc nhìn khác biệt – những yếu tố vốn dĩ cần thiết để đổi mới và sáng tạo – gần như biến mất.
Sáng tạo là then chốt của sự phát triển
Hóa ra, việc tuyển dụng dựa trên “phù hợp văn hóa” dễ biến thành một vòng lặp an toàn, nơi chúng ta chỉ chọn những người giống mình và vô tình loại bỏ những tài năng không “ăn rơ” với tập thể ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Phù hợp giá trị cốt lõi: Sợi dây kết nối bền vững
Trái ngược với “phù hợp văn hóa,” khái niệm “phù hợp giá trị cốt lõi” (values fit) không đặt nặng việc ứng viên có hòa nhập ngay lập tức hay không. Thay vào đó, nó nhấn mạnh vào việc ứng viên có chia sẻ những giá trị sâu sắc mà tổ chức đề cao hay không. Đây là một tiêu chí không thể thương lượng, bởi giá trị cốt lõi chính là kim chỉ nam cho mọi hành vi và quyết định trong doanh nghiệp.
Tôi nhớ có lần làm việc với một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội, nơi mà cách tiếp cận tuyển dụng khiến chúng tôi rất ấn tượng. Thay vì hỏi những câu cảm tính như “Bạn có thích đi nhậu không?”, người sáng lập đã chọn một cách tiếp cận sâu sắc hơn để kiểm tra tư duy khách hàng là trung tâm của ứng viên. Ông hỏi: “Bạn tìm hiểu nhu cầu của khách hàng như thế nào trước khi họ nói ra?”
Câu trả lời của ứng viên không chỉ giúp đánh giá khả năng thấu hiểu khách hàng mà còn phản ánh liệu họ có đồng điệu với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hay không. Những ứng viên thực sự hiểu và chia sẻ giá trị này thường đưa ra những câu chuyện cụ thể, chẳng hạn như cách họ từng tinh chỉnh một quy trình để đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn hoặc làm thế nào họ tạo ra giá trị vượt xa sản phẩm, dịch vụ chính của công ty.
Nhờ cách tuyển dụng tập trung vào giá trị cốt lõi này, doanh nghiệp đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên không chỉ gắn kết mà còn luôn đặt khách hàng làm trung tâm, đóng góp tích cực vào sự phát triển lâu dài và bền vững của công ty.
Tuyển dụng tập trung vào giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của công ty.
Từ “phù hợp” đến “đóng góp”
GitLab, một công ty công nghệ nổi tiếng với hàng nghìn người làm việc hoàn toàn từ xa, đã nêu rõ trong cẩm nang của mình: “Chúng tôi không tuyển dụng dựa trên văn hóa, mà dựa trên giá trị. Chúng tôi không tìm kiếm sự đồng nhất, mà khuyến khích sự đa dạng văn hóa.” Hay nói cách khác, thay vì “culture fit” (phù hợp văn hóa), họ tìm kiếm “culture add” – sự đóng góp văn hóa.
Sự khác biệt nhỏ nhưng tinh tế này mang lại những thay đổi lớn. Khi tập trung vào giá trị, tổ chức không chỉ xây dựng được một đội ngũ gắn kết mà còn khuyến khích sự khác biệt và sáng tạo. Một ứng viên có thể không hợp “gu” với đội nhóm, nhưng nếu họ chia sẻ những giá trị chung, họ sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ, giúp tổ chức thích nghi và phát triển trong môi trường đầy biến động.
Sống cùng Giá trị cốt lõi
Nhìn lại, tôi nghĩ câu hỏi “Chú biết đá bóng không?” hay “Bạn có thích ăn trưa với ứng viên này không?” không phải là sai, nhưng nó chỉ nên là một phần nhỏ trong bức tranh lớn hơn. Điều quan trọng nhất vẫn là ứng viên có chia sẻ và sẵn sàng sống cùng những giá trị mà tổ chức đặt ra hay không.
Trong thế giới ngày càng phức tạp, nơi sự đổi mới và đa dạng trở thành yếu tố sống còn, chúng ta cần nhiều hơn những người chỉ “hợp gu.” Chúng ta cần những người có thể đóng góp vào văn hóa, làm phong phú thêm câu chuyện chung và cùng nhau đưa tổ chức tiến xa hơn.
Và đó chính là sự khác biệt lớn giữa “phù hợp văn hóa” và “phù hợp giá trị cốt lõi.” Giá trị cốt lõi là bất biến, còn văn hóa cần sự thay đổi để phát triển.
Nguyễn Mai Phương