Podcast: Xu hướng truyền thông nội bộ qua những “đôi tai”

Podcast: Xu hướng truyền thông nội bộ qua những “đôi tai”

Tiện lợi, gần gũi, sống động…. podcast đã và đang phá vỡ sự đơn điệu của các hình thức truyền thông truyền thống, hứa hẹn mang đến “làn sóng mới” cho các hoạt động truyền thông nội bộ. 

Hiện tượng mới của truyền thông nội bộ

Podcast là một tập tin âm thanh kỹ thuật số được xuất bản trên internet và được người nghe tải xuống hoặc đăng ký nghe trực tuyến. Đây được coi là một hiện tượng trên toàn thế giới với hơn 500 triệu người nghe (theo Statista) với thời gian nghe trung bình 1 giờ 2 phút mỗi ngày. Tạp chí New York đã nói về sự phát triển của podcast rằng: “Những đoạn âm thanh này đã nổi lên như một cuộc cách mạng về văn hoá đầy thú vị của thế kỷ mới.”

Tiếp cận “trực diện” với cuộc sống bởi sự gần gũi, dễ dàng lắng nghe tiếng nói của người người trong cuộc, podcast là phương tiện truyền thông mới mẻ được nhiều doanh nghiệp sử dụng để truyền thông nội bộ. 

FPT Edu hay American Airlines đều đang sử dụng Podcast để truyền thông nội bộ

Tại Việt Nam, FPT là một trong những tập đoàn tiên phong đa dạng hóa hình thức truyền thông nội bộ bằng podcast. FPT Podcast là loạt podcast nội bộ với phương châm “Nghe người F nói chuyện nhà F” giúp các thành viên trau dồi thêm kiến thức, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thêm tin yêu gắn kết với tổ chức của mình dù có cách xa nhau về mặt địa lý. Điển hình có kênh Podcast Vạn dặm FPTU, được Đại học FPT cho ra mắt năm 2022. Podcast Vạn dặm FPTU đưa những câu chuyện chẳng đâu có của Đại học FPT đi khắp 5 châu 4 bể thông qua những nền tảng podcast lớn nhất trên thế giới hiện nay là Spotify, Apple podcast và Google podcast. Các đơn vị khác của FPT cũng đều có kênh podcast riêng, mỗi kênh mang một màu sắc rất riêng nhưng vẫn thể hiện được hình ảnh đa sắc của người FPT. 

Tương tự, sử dụng phát thanh để truyền thông nội bộ là truyền thống của tập đoàn Viettel, với chương trình “Viettel Family Radio” phát trên hệ thống loa trụ sở Tập đoàn và tòa nhà các đơn vị hàng tuần. Nắm bắt xu hướng của phát thanh hiện đại, Viettel đang phát triển kênh podcast truyền thông nội bộ với sứ mệnh gắn kết người Viettel. Ở đó, những câu chuyện văn hoá, những suy tư, vướng mắc hay đơn giản là những kiến thức nhân viên muốn lan tỏa và chia sẻ tới các đồng nghiệp, sẽ được hiện thực hoá bằng một chương trình podcast mang tên “Viettel vibes”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn như VinGroup, Sun Group, THACO,… cũng đã triển khai podcast nội bộ như một phần của chiến lược truyền thông nội bộ.

Trên thế giới, hãng hàng không Mỹ – American Airlines đã chuyển sang truyền thông nội bộ bằng podcast để tiếp cận 120.000 nhân viên của mình. Họ cho ra mắt “Tell Me Why” để phổ biến các chính sách cũng như lý giải về các quyết định được đưa ra, chia sẻ về những câu chuyện về niềm tin, các giá trị cốt lõi một cách gần gũi nhất. Người phát ngôn của American Airlines cho biết, “Tell Me Why” được phát trung bình khoảng 12.000 lần mỗi tập.

“Sức mạnh” của âm thanh

Theo Báo cáo tổng quan số hoá Việt Nam năm 2023, We are Social, tỷ lệ nghe podcast tại Việt Nam là 65,4% (tính trong tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam từ 16 – 64 tuổi). Trung bình người Việt dành ra gần 1 giờ để nghe podcast mỗi ngày

 Trong khi đó, nghiên cứu năm 2023 do Acast thực hiện đã chỉ ra rằng 75% người nghe podcast ở Hoa Kỳ được khảo sát nghe podcaster để kiểm chứng thông tin, xác thực sản phẩm. 

Lý giải cho những điều này, giáo sư Marketing Christie Nordhielm đến từ Đại học Georgetown cho biết, sức mạnh trực quan của âm thanh lớn hơn mọi phương tiện hình ảnh, vì âm thanh không có giới hạn. Ưu điểm đó đã và đang giúp podcast phá vỡ sự đơn điệu của các hình thức truyền thông nội bộ truyền thống như email, fanpage hay trang tin… giúp nhân viên gắn kết tinh thần cao hơn. Trong khi đó, cuộc khảo sát do Psychometrics Canada (công ty cung cấp dịch vụ về nhân sự ở Canada thực hiện) cho thấy, có mối liên hệ trực tiếp giữa sự gắn kết của nhân viên và năng suất làm việc. 

Cách xây dựng nội dung podcast nội bộ

Trong quá trình xây dựng nội dung podcast nội bộ, doanh nghiệp cần đảm bảo nội dung phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và đối tượng người nghe. Dưới đây là gợi ý các nội dung doanh nghiệp có thể khai thác để xây dựng podcast nội bộ:

  • Cung cấp tin tức và thông tin doanh nghiệp: Chia sẻ những tin tức mới nhất về công ty như kết quả kinh doanh, chiến lược phát triển, sản phẩm mới; phỏng vấn lãnh đạo để chia sẻ tầm nhìn và định hướng của họ; giới thiệu các phòng ban, bộ phận và văn hóa làm việc của công ty….
  • Giới thiệu những gương mặt nhân sự tiêu biểu: Giới thiệu nhân viên có thành tích đặc biệt để truyền cảm hứng hoặc phỏng vấn nhân viên về trải nghiệm làm việc tại công ty. Sự xuất hiện trực tiếp trong chương trình giúp nhân viên cảm thấy được ghi nhận hơn, nội dung truyền tải cũng trở nên gần gũi hơn.
  • Phát triển kỹ năng chuyên môn: Mời chuyên gia chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến công việc của nhân viên; chia sẻ những mẹo và bí quyết để giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
  • Giải đáp thông tin: Câu hỏi, thắc mắc, ý kiến của nhân viên sẽ được chọn lọc và giải đáp trong chương trình podcast. Điều này không chỉ giúp nhân viên cảm thấy ý kiến của mình được doanh nghiệp tôn trọng mà còn tăng thêm giá trị cho hình ảnh của doanh nghiệp.

Trong làn sóng phát triển của podcast, các doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội dựa trên nền tảng công nghệ số và tư duy đổi mới trong cách làm truyền thông nội bộ.

Hoàng Ngân 

Một số kênh podcast thành công của các doanh nghiệp lớn trên thế giới
Hoàng Ngân 

Bài Viết Liên Quan