Owned Media không như bạn từng nghĩ
Owned Media không phải chỉ là website giới thiệu doanh nghiệp, càng không phải trang fanpage thương hiệu.
Owned Media là thứ thuộc sở hữu của doanh nghiệp và doanh nghiệp có toàn quyền sử dụng đối với nó. Quan trọng nhất, khi cần đăng thông tin trên đó, doanh nghiệp không phải tốn bất cứ chi phí nào. Vì thế, Owned Media không phải là fanpage Facebook, kênh Youtube hay LinkedIn như nhiều người vẫn lầm tưởng, bởi các kênh này đòi hỏi chi phí mỗi khi người dùng cần tăng lượng tiếp cận thông qua quảng cáo.
Một hiểu lầm phổ biến khác là Owned Media là website doanh nghiệp. Xét về số lượng, chỉ như vậy chưa đủ bởi Owned Media bao gồm nhiều kênh hơn thế. Nó là cả email, thông cáo báo chí, tài liệu nghiên cứu… Xét về chất lượng, một website chỉ có thông tin về cơ cấu tổ chức và đôi khi cập nhật thông tin của doanh nghiệp cũng chưa đủ làm nên một “kênh truyền thông”. Để là một kênh, website đó phải truyền tải được thông điệp của doanh nghiệp đồng thời thu hút người dùng, tạo được một cộng đồng nhất định những người quan tâm đến thương hiệu.
Sơ đồ dưới đây cho thấy cái nhìn tổng quan về các kênh Owned Media hiện tại được chia theo từng cấp độ dựa trên hành trình mua hàng của khách hàng từ chưa biết gì về thương hiệu đến lúc chọn mua và sử dụng sản phẩm/dịch vụ:
Các kênh thuộc ba cấp độ này có thể được áp dụng tùy vào chiến lược và giai đoạn phát triển thương hiệu. Cụ thể:
- Miệng phễu tương ứng với Thu hút và nâng cao nhận thức. Với các kênh thuộc phần này, bạn đang hỗ trợ công chúng nhận biết những vấn đề của họ, thường phục vụ giai đoạn đầu khi phát triển sản phẩm/dịch vụ hoặc giai đoạn phát triển mới của sản phẩm/dịch vụ cũ. Nội dung miệng phễu mang tính giáo dục thị trường, khơi ra nhu cầu của khách hàng, không tập trung bán hàng.
- Thân phễu tương ứng với Cân nhắc sử dụng. Khi bước vào giai đoạn này, khách hàng có nhận thức cao hơn về nhu cầu và vấn đề của họ và tìm cách giải quyết. Lúc này, bạn giới thiệu giải pháp hoặc ý tưởng để giúp đỡ khách hàng. Bạn có thể tạo ra các nội dung mang tính “trao đổi” để lấy thông tin của người quan tâm, như email chẳng hạn, để chuẩn bị cho nội dung ở chóp phễu.
- Chóp phễu tương ứng với Quyết định mua. Lúc này, khách hàng đã sẵn sàng mua, nhưng chưa chắc chắn sẽ mua. Khi đến được đây, họ chỉ cần một “cú hích” cuối cùng để chi tiền. Vì thế, nội dung ở chóp phễu thường chỉ tập trung vào những lời kêu gọi hành động để kích thích họ ra quyết định.