Viral video – Cứ khóc đâu chắc khách hàng sẽ nhớ tên?
Viral video – Cứ khóc đâu chắc sẽ nhớ tên?
Làm video cảm động, để người xem rơi nước mắt rồi nhưng chưa chắc người ta đã nhớ đến tên thương hiệu.
Viral clip “lấy đi nước mắt” đầu tiên mà người viết bài này xem là đoạn phim ngắn cách đây 6 năm về một cô con gái và người bố câm điếc. Cô bé mặc cảm vì có người bố khiếm khuyết hơn so với chúng bạn nên tự tử. Trong khi mơ màng trước lưỡi đao của thần chết, cô bé mới nhận ra tình yêu lớn lao mà bố dành cho cô, khi nhớ lại những hành động nhỏ vẫn làm cho cô hàng ngày. Dù bạn chưa hay đã biếtđến clip này,có thể dành vài phút để xem trước khi đọc tiếp bài viết:
Bạn có khóc không? Nếu là xem lại, clip này có khiến bạn khóc như lần đầu? Và điều quan trọng nhất, bạn có biết đoạn phim này quảng cáo cho thương hiệu nào?
Bản thân người viết cũng không hề nhớ, cho đến cách đây vài giây khi cùng xem lại đến hết clip và thấy hiện ra chữ Thai Life Insurance. Điều này cũng xảy ra tương tự với nhiều viral clip khác mà người viết từng xem, chủ yếu là viral clip của Thái Lan. Tuy nhiên, với những “củ hành” có hình và tiếng của thương hiệu Việt, việc ghi nhớ lại dễ dàng hơn nhiều. Trong một vài giây, có thể kể ra câu chuyện đoàn viên năm nào Neptune, OMO cũng kể trên TV những ngày giáp Tết, gần đây thì có thêm Uber với chuyện chuyến xe giáp Tết của một tài xế.
Vậy tại sao chúng ta có thể nhớ sâu sắc một clip, nhớ được thông điệp mà nó truyền tải mà có trường hợp lại không thể nhớ được tên của kẻ đã gửi gắm thông điệp thương hiệu của họ qua video?
Có thể, việc ghi nhớ còn liên quan đến ký ức và độ quen thuộc của thương hiệu chứ không chỉ là ấn tượng. Chúng ta dễ dàng nhớ ra Neptune đứng sau câu chuyện gia đình sum vầy ngày Giao thừa là bởi chúng ta đã từng biết đến Neptune trước cả khi Neptune kể chuyện đó. Kể cả chúng ta chưa một lần dùng dầu Neptune để xào nấu, thì hàng xóm chúng ta đã dùng, và cũng đã nhiều lần có một ông già đeo vương miện trên đầu xuất hiện trong quảng cáo.
Yếu tố quyết định khả năng ghi nhớ còn là tính đặc trưng. Với Uber, người viết chưa một lần sử dụng Uber nhưng sẽ không thể quên được hình ảnh người tài xế già chở chuyến khách cuối cùng trước khi về nghỉ Tết với gia đình. Kể cả không thấy chữ Uber thì màu áo xanh, chiếc xe có tính đặc trưng cao của riêng thương hiệu này đã đủ nói lên tất cả.
Với thương hiệu bảo hiểm Thái Lan, đó là sản phẩm được trình bày dưới một ngôn ngữ lạ và chúng ta chưa từng biết đến nó. Chúng ta cũng không có nhu cầu sử dụng nó, không phải đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu nên dĩ nhiên không có điểm nào thân thuộc trong cái tên đó với người Việt.
Như vậy, một viral clip có câu chuyện hay, chạm được đến điểm cao nhất của cảm xúc của người xem chưa hẳn đã quyết định độ nhận diện thương hiệu tốt nếu thương hiệu còn mới mẻ với thị trường. Có nên chăng các thương hiệu đầu tư vào sự quen thuộc của nó với công chúng trước khi nghĩ đến một sản phẩm viral?