Những câu chuyện được kể trong sinh nhật 100 tuổi của Hilton
Bạn có biết Hilton là khách sạn đầu tiên lắp ti vi trong các phòng nghỉ? Hilton là khách sạn đã khiến thức uống piña colada – loại cocktail ngọt ngào và ngon miệng từ rượu Rum, nước cốt dừa và nước ép dứa trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết? Tập đoàn khách sạn có tuổi đời một thế kỷ đã chọn lựa những câu chuyện thú vị để mừng sinh nhật của mình. Đặc biệt, chúng được kể bởi chính nhân viên, khách hàng, đối tác của Hilton.
Trong suốt một thế kỷ vừa qua, cái tên Hilton đã trở thành một thương hiệu toàn cầu mang dấu ấn đậm nét trong ngành dịch vụ khách sạn. Từ một khách sạn nhỏ, ngày nay Hilton đã trở thành một tổ hợp lên tới hơn 5.700 khách sạn và 17 thương hiệu ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2019 này, Hilton bước sang tuổi 100. Thay vì chào mừng dịp đặc biệt này bằng những buổi tiệc hay tự hào giới thiệu những số liệu thống kê hay thành tích đã đạt được, doanh nghiệp này đã chọn cho mình một hình thức khác: kể những câu chuyện.
“Những câu chuyện giúp mọi người dễ thấu hiểu và đồng cảm” – Lou Dubois, giám đốc nội dung toàn cầu của Hilton cho hay. Từ đây, Lou Dubois đã điểm qua những dấu ấn trong hành trình kể chuyện mà Hilton đã thực hiện để tái hiện lại 100 năm đặc biệt của mình.
Đào sâu lịch sử để khám phá những câu chuyện chưa ai biết
Hilton đã phát động một chiến dịch để làm nổi bật lên những cột mốc lịch sử trong 100 năm qua. Nhìn lại điểm khởi đầu chính là cách để khiến tương lai trở nên rõ ràng hơn.
Để khai thác các câu chuyện lịch sử, Hilton tìm đến những nhà lưu trữ học – những người nắm trong tay kho tàng những hồ sơ quý giá của công ty trong suốt một thế kỷ. Nhờ sự hỗ trợ từ Mark E. Young – nhà lưu trữ học với 800.000 bộ tài liệu liên quan đến lĩnh vực khách sạn, Hilton đã khai thác được những câu chuyện bất ngờ.
Câu chuyện về 100 năm hình thành và phát triển được Hilton hồi tưởng lại bắt đầu từ giai đoạn những năm 1930, lần đầu tiên khái niệm dịch vụ phòng (room service) được đưa ra bởi Waldorf Astoria – một khách sạn thuộc hệ thống của Hilton. Nhờ có sáng kiến này, 5 giờ sáng bạn vẫn có thể gọi đồ ăn lên phòng mình. Đó là tiền đề để đến năm 1947, khách sạn Roosevelt Hilton ở New York đã trở thành nơi đầu tiên lắp đặt tivi trong phòng nghỉ của khách. Lần lượt sau đó, Hilton đã đánh dấu nhiều cột mốc tiên phong của mình như việc Hilton xây dựng nên những airport hotel – khách sạn được đặt gần những sân bay và phục vụ chủ yếu cho các nhân viên phi hành đoàn và hành khách chờ bay vào năm 1959, hay vào những năm 60 của thế kỷ trước, minibar đầu tiên trong khách sạn được ra đời với thức uống nổi tiếng thế giới – piña colada.
“The Hilton Effect” – Câu chuyện của sự ảnh hưởng
The Hilton Effect là công trình nghiên cứu dài 63 trang của hai nhà báo kỳ cựu và giáo sư của Trường Kinh doanh Stanford – Chip Health và Karla Starr, với nội dung tập trung vào những đóng góp và tầm ảnh hưởng của Hilton vào dịch vụ khách sạn nói riêng và trách nhiệm cộng đồng toàn cầu nói chung. Hilton đã kể câu chuyện theo một cách khách quan hơn nhờ những người dẫn chuyện bên ngoài.
The Hilton Effect được cô đọng lại thành một đoạn video tài liệu đăng tải trên trang web riêng của sự kiện kèm theo đó là hashtag #TheHiltonEffect cho tất cả các hình ảnh, video ngắn đăng tải trên Twitter. Đoạn video hơn 7 phút được chia thành ba nội dung chính:
- Với khách hàng: Hilton đã giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm nơi nghỉ chân trong những chuyến du lịch hay công tác và đã thay đổi nhận thức của họ về ngành du lịch khách sạn hiện tại, tối tân, đề cao trải nghiệm khách hàng như thế nào.
- Với nhân viên: Hilton đã tạo nên ảnh hưởng đến nhân viên qua việc nuôi dưỡng niềm đam mê và truyền cảm hứng bằng môi trường lý tưởng đem đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn – nơi mà một bồi bàn có thể trở thành giám đốc điều hành công ty.
- Với cộng đồng và nền kinh tế: Là hành trình mà Hilton góp phần xây dựng cho cơ sở hạ tầng, đóng góp vào quá trình biến những con đường hoang sơ ở Nigeria thành khu vực sầm uất, hồi sinh những bến cảng hoang vắng ở Bueno Aires và giúp Sri Lanka tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong suốt thời kỳ nội chiến.
Video “The Hilton Effect”
Để nhân viên, khách hàng là những người kể chuyện
Khalif Hill là một quản lý quầy lễ tân của khách sạn Hilton. Anh không ngại kết bạn với một vị khách đặc biệt tại khách sạn của mình. Đó là một cậu bé mắc chứng bệnh tự kỷ. Khalif Hill đã chủ động dành thời gian của mình để cùng cậu bé luyện tập những thủ thuật đánh bài trong suốt thời gian cậu bé lưu trú. Câu chuyện trên sau khi được đăng tải trên Facebook đã chạm được tới người đọc với hơn 137.000 lượt yêu thích và thậm chí còn được đưa tin trong bản tin “Good Morning America” và “Today” của Mỹ.
“Khi bạn kể một câu chuyện hay về thương hiệu, mọi người sẽ cảm thấy doanh nghiệp của bạn gần gũi hơn và tồn tại giống như một cá thể trong số họ. Nhưng để làm được điều đó, câu chuyện của bạn phải đặt con người lên trên hết... Nếu không có con người, khách sạn của chúng tôi sẽ chỉ là những tòa nhà vô hồn”, Dubois nhấn mạnh trong hành trình kể chuyện trăm năm của mình.
Với Hilton, để câu chuyện trở nên chân thật và giàu cảm xúc, họ muốn nhân vật chính trong câu chuyện sẽ phải là con người – những người nhân viên, khách hàng thân thiết của họ chứ không phải là thương hiệu. Hilton dành thời gian tổ chức các sự kiện dành cho những người nhân viên, các đối tác khu vực, các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới để lắng nghe câu chuyện của họ liên quan đến Hilton. Những gì họ tự hào, yêu thích trong trải nghiệm họ có được tại Hilton là những câu chuyện thuyết phục nhất để xây dựng một thương hiệu khách sạn uy tín và xứng đáng với vị trí đầu bảng xếp hạng Top 100 doanh nghiệp tại Mỹ tốt nhất để làm việc trong năm 2019 do tạp chí Fortune bầu chọn.
Và nếu bạn đang cần kể những câu chuyện có thật, truyền cảm hứng từ chính con người của doanh nghiệp, hãy để Blue C đồng hành cùng bạn nhé!
Kim Oanh
Bài viết liên quan
8 xu thế xây dựng chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng
Cách tốt nhất để thay đổi văn hóa doanh nghiệp
Storytelling – xu hướng làm content chưa bao giờ hết hot
ServiceNow: Mỗi nhân viên truyền thông là một người kể chuyện