Nghệ thuật lãnh đạo trong thời kỳ mới

Nghệ thuật lãnh đạo trong thời kỳ mới

Khái niệm VUCA được Quân đội Hoa Kỳ công bố vào đầu những năm 90 để mô tả về thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. VUCA được mô tả với 4 đặc tính là:

  • Biến động (Volatily),
  • Không chắc chắn (Uncertainty),
  • Phức tạp (Complexity),
  • Mơ hồ (Ambiguity).

Biến động: Môi trường kinh doanh mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay thay đổi nhanh chóng diễn ra trên mọi lĩnh vực, với cả tốc độ và phạm vi. Sự thay đổi sâu và rộng trong mọi lĩnh vực, cùng sự tương tác đa chiều, khiến chúng ta không kịp tiếp nhận thông tin và nắm bắt những biến động mới.

Không chắc chắn: Do sự biến động phức tạp như vậy, nên chúng ta không thể dự đoán chính xác được các sự kiện trong tương lai. Điều này dẫn đến sự không chắc chắn trong các quyết định của mình.

Phức tạp: Các yếu tố liên quan rất nhiều và tác động qua lại nhanh chóng, không xác định được tường minh, rõ ràng nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức.

Mơ hồ: Các điều kiện và yếu tố trong môi trường kinh doanh phức tạp, khiến mọi thứ dần trở nên mơ hồ.

Nếu bạn là một nhà lãnh đạo ở bất kỳ cấp độ nào trong một tổ chức hiện đại hoặc có nguyện vọng trở thành một nhà lãnh đạo, thì đây là một số năng lực và kỹ năng quan trọng bạn cần để phát triển mạnh trong thế giới VUCA. Các năng lực dưới đây là kinh nghiệm đúc kết từ ý tưởng của Tanmay Vora, một trong những nhà huấn luyện năng suất người Ấn.

1.    Phát triển tư duy dễ thích nghi: Để có thể lướt đi thành công qua mê cung của VUCA, các nhà lãnh đạo sẽ cần phải cảm thấy thoải mái với những tình huống không rõ ràng và dám bước vào những con đường chưa được khám phá. Điều này có nghĩa là các nhà lãnh đạo sẽ gặp phải các tình huống “lần đầu” thường xuyên hơn và họ cần phải xây dựng khả năng bền chí để vượt qua thách thức. Với phương pháp “tạo mẫu nhanh” (“rapid prototyping”), các nhà lãnh đạo sẽ cần phải liên tục thử nghiệm các sản phẩm để nhận được phản hồi sớm và thường xuyên cho phép thay đổi liên tục. Đây cũng là một kỹ thuật gọi là Agile (ứng dụng từ lĩnh vực phát triển phần mềm).

2.    Có tầm nhìn: Tầm nhìn là một lực mạnh thường trực, một neo quan trọng thúc đẩy quyết định, hành động. Việc có một tầm nhìn hấp dẫn cũng là một động lực chính để thu hút các thành viên nhóm và duy trì hiệu suất cao. Trên thực tế, một tầm nhìn hấp dẫn là điều kiện tiên quyết quan trọng cho bất kỳ cộng đồng thành công nào. Các nhà lãnh đạo phát triển mạnh trong tương lai là những người có tầm nhìn rõ ràng về nơi họ muốn tổ chức trở thành.

3.    Tư duy đa dạng: Lãnh đạo nhìn thấy những cơ hội mà một tư duy hạn chế nhìn thấy là những thách thức. Khả năng phát hiện ra các vấn đề độc đáo và các vấn đề liên ngành cũng quan trọng trong thế giới mới. Trong thế giới VUCA, các nhà lãnh đạo phải lắng nghe tương lai bằng cách liên tục xem xét đường chân trời (tầm nhìn), tư duy tương lai và có tầm nhìn chiến lược mà không đánh mất tầm nhìn của hiện tại. Khi họ làm điều này, các nhà lãnh đạo xây dựng một khả năng độc đáo để nhìn thấu những mâu thuẫn mà những người khác không thể nhìn thấy.

4.    Hệ sinh thái để tương tác giữa con người: Một trong những thách thức lãnh đạo lớn nhất là tạo ra một môi trường tập trung vào động lực nội tại của con người. Báo cáo “Xu hướng nhân lực năm 2015” của Deloitte  cho rằng các năng lực mềm như văn hóa, sự tham gia, lãnh đạo và phát triển đã trở thành ưu tiên cấp bách trên bàn làm việc của CEO.  Hệ sinh thái để tương tác giữa con người được tạo ra khi các nhà lãnh đạo hiểu các dộng lực cơ bản về sự gắn kết, dấn thân của con người – nhu cầu tin tưởng, sự hy vọng, nhu cầu cảm thấy có giá trị và có thẩm quyền. Những nhà lãnh đạo cần phải là những người có thể xây dựng lòng tin thông qua tính chính trực vẹn toàn (integrity), có thể cố vấn và huấn luyện những người khác, có thể làm rõ ý nghĩa của công việc và xây dựng một ảnh hưởng tích cực.

5.    Dự đoán và tạo thay đổi: Khi những thay đổi xung quanh chúng ta liên tục và nhanh chóng, các nhà lãnh đạo phải sử dụng trí tuệ và tầm nhìn chiến lược để “tạo ra thay đổi” trước khi một thay đổi bên ngoài buộc họ phản ứng. Khi các nhà lãnh đạo đi theo làn sóng thay đổi, họ phải khuyến khích mọi người thay đổi, ưu tiên  thực hiện những điều quan trọng và thực hiện các thay đổi từng bước nhỏ. Các nhà lãnh đạo nuôi dưỡng sự thay đổi bằng cách duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu của bối cảnh, nhu cầu của người khác và nhu cầu của họ.

6.    Tự nhận thức: Các nhà lãnh đạo không thể thành công trừ khi tầm nhìn và giá trị cá nhân của họ trùng lặp với tầm nhìn và giá trị của tổ chức. Chỉ khi các nhà lãnh đạo nhận thức được sở thích của họ, cách làm việc và những điểm mù có thể xảy ra, họ có thể mang bản chất đích thực của mình vào cuộc chơi và mang lại sự khác biệt đáng kể cho nhóm, tổ chức và ngành hoạt động của mình.

7.    Hãy là người học nhanh: Ngữ cảnh thay đổi nhanh khiến các nhà lãnh đạo phải học liên tục trong một chế độ tự định hướng. Các nhà lãnh đạo phải liên tục tò mò và mang một  “tâm thế người mới bắt đầu” mà cũng sẵn sàng từ bỏ các phương pháp tiếp cận quen thuộc (bỏ học). Các nhà lãnh đạo cần tự nhận thức và nhận thức về bức tranh lớn hơn. Khi bị ném vào những tình huống không quen thuộc, các nhà lãnh đạo cần học hỏi sâu sắc từ những kinh nghiệm đó.

8.    Xây dựng quan hệ và cộng tác: Để có được cảm giác về xu hướng, các nhà lãnh đạo trong thế giới ngày nay cần cộng tác không ngừng trong và ngoài tổ chức. Tư duy hướng xã hội cho phép các nhà lãnh đạo tạo ra, tham gia và nuôi dưỡng các mạng quan hệ xã hội và cộng tác có mục đích thông qua truyền thông xã hội và giao tiếp trực tiếp.

9.    Không ngừng tập trung vào khách hàng: Tập trung khách hàng là và sẽ vẫn là trung tâm của sự lãnh đạo hiệu quả. Giúp khách hàng vượt qua các thay đổi cũng quan trọng đối với các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo trung tâm khách hàng thực sự “lắng nghe” tiếng nói của khách hàng, tham gia sâu và xây dựng mối quan hệ lâu dài bằng cách thêm giá trị đáng kể cho khách hàng.

10. Phát triển con người: Lãnh đạo trong thế giới mới là vượt ra ngoài các vị trí và chức vụ bên ngoài. Lãnh đạo là một tinh thần. Đó là về việc phục vụ hiệu quả cho nhu cầu của các bên liên quan. Các nhà lãnh đạo, trong thế giới này, phải mô hình hóa hành vi họ tìm kiếm, giúp mọi người xây dựng bộ kĩ năng và thái độ, tạo ra các diễn đàn học tập, thiết kế công việc để khai thác tiềm năng và quan trọng nhất, dẫn dắt đội ngũ. Nhiệm vụ chính (và nghĩa vụ) của một nhà lãnh đạo là đào tạo nhiều nhà lãnh đạo hơn.

11. Thiết kế cho tương lai: Lãnh đạo là nhà thiết kế của các hệ thống cho tương lai. Họ làm như vậy bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng cảm xúc, cấu trúc tổ chức, phương pháp và quy trình. Nếu các tổ chức là những mạng lưới có mục đích của mọi người, các nhà lãnh đạo cần một mục đích hấp dẫn, một tầm nhìn mà mọi người trong tổ chức chia sẻ. Các nhà lãnh đạo sẽ phải chú ý để tận dụng sự đa dạng và thu hút nhiều quan điểm và kinh nghiệm.

12. Thường xuyên làm rõ và giao tiếp: Khi làm việc với lực lượng lao động toàn cầu, các nhà lãnh đạo sẽ cần một khả năng giao tiếp hiệu quả giữa các nền văn hóa. Giống như một con trỏ định vị trên bản đồ GPS, các nhà lãnh đạo phải liên tục làm rõ tình hình hiện tại, nắm bắt thay đổi nhu cầu bên ngoài. Quan trọng không kém cho các nhà lãnh đạo là tái xác lập và củng cố tầm nhìn, giá trị và chiến lược. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo phải giúp đỡ người khác trong việc làm rõ ý nghĩa của công việc của họ. Giao tiếp và rõ ràng là yếu cầu tiên quyết của lãnh đạo hiệu quả.

(*) Bài viết của anh Đào Thành Trung – Chief Technology Officer tại Media Venture Vietnam Group. Nguồn: LinkedIn

Bài Viết Liên Quan