Chiến thuật nào giúp CEO giao tiếp hiệu quả hơn với nhân viên?
Nếu doanh nghiệp chỉ có 30 người, sếp chỉ cần một “khẩu lệnh” tập hợp và thông tin sẽ được truyền đạt đến 100% nhân viên. Song khi doanh nghiệp bạn lên tới hàng nghìn người, với nhiều bộ phận khác nhau, ở những văn phòng khác nhau thì việc giao tiếp giữa CEO và nhân viên cần có một chiến lược bài bản.
Dưới đây là những cách các CEO giỏi thường làm để giao tiếp hiệu quả hơn nhân viên:
1. “Hội nghị bàn tròn” hoặc cùng ăn trưa
Các cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra vào khung giờ cố định nào đó trong tuần hoặc trong tháng. Các CEO sẽ gặp gỡ một vài nhân viên đặc biệt (có thể là lựa chọn ngẫu nhiên, hoặc những nhân viên xuất sắc, nhân viên có sinh nhật trong tháng…), cùng đi ăn trưa hoặc uống café trao đổi về một chủ đề nào đó.
Hình thức này sẽ tạo ra bầu không khí thân mật và gần gũi hơn, thay vì một phòng họp ngột ngạt và căng thẳng. Nhân viên sẽ cởi mở trao đổi về những vấn đề họ quan tâm. Với các CEO, đây sẽ là cơ hội giúp họ hiểu được hơn về nhân viên của mình và khám phá về các mục tiêu làm việc của nhân viên.
Các chủ đề có thể trao đổi trong các cuộc gặp gỡ “bàn tròn” này: vấn đề tài chính, các chuyển đổi của công ty, cơ hội mới để phát triển công việc, cân bằng công việc và cuộc sống…
2. “Leader Talk”
Leader Talk có thể được tổ chức trực tiếp tại văn phòng của công ty hoặc trực tuyến thông qua mạng xã hội nội bộ của doanh nghiệp. Nội dung chính của các buổi đối thoại này bao gồm: CEO trình bày về các thông báo mới, hay theo các chủ đề đã định sẵn, sau đó trả lời câu hỏi của nhân viên.
Chương trình này được lên kế hoạch và có thời gian cụ thể, có thể áp dụng vào mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi quý. Google vẫn đang duy trì sự kiện này cho tất cả nhân viên của mình. Tại các cuộc họp tất cả hàng tuần của TGIF, đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin tổ chức buổi tọa đàm phạm vi toàn bộ công ty theo cả hình thức trực tiếp và qua video bao gồm các buổi trình diễn sản phẩm, chào đón các nhân viên mới và quan trọng nhất là 30 phút câu hỏi từ bất cứ ai trong công ty, về bất kỳ chủ đề. Q & A là phần quan trọng nhất.
3. Trực tiếp điều hành
Nghĩa là việc CEO trực tiếp tham gia điều hành trong các cuộc họp giao ban với tất cả các bộ phận trong công ty, thay vì ủy quyền cho người khác. Cuộc họp giao ban này có thể diễn ra hàng ngày hoặc một ngày nào đó trong tuần.
Điều này đặc biệt hiệu quả khi các CEO đang tìm kiếm cơ hội kết nối với nhân viên và loại bỏ rào cản thứ bậc trong công việc.
Đối với các công ty quy mô lớn, việc họp giao ban của CEO có thể chỉ với đại diện các bộ phận trong khoảng thời gian nhất định. Song CEO cũng có quyền được chọn để tham gia vào một cuộc họp đông đủ nhân viên tại một đơn vị hay bộ phận bất kỳ nhằm gia tăng khả năng góp mặt và tạo hình ảnh đẹp với nhân viên.
4. Chính sách “mở cửa”
Chiến lược này được coi là “chìa khóa thành công” của các CEO giỏi. Gọi đây là chính sách “mở cửa” bởi bất cứ khi nào nhân viên muốn được nói, chỉ cần gõ cửa phòng CEO, họ hoàn toàn được phép trao đổi cùng sếp, không cần theo trình tự hay thứ bậc nào.
Một ví dụ điển là Founder kiêm CEO của Credit Karma, ông Kenneth Lin. “Tôi muốn nhân viên mới cảm thấy đây là một việc mà chúng ta cùng làm với nhau. Bất cứ khi nào tôi có mặt ở văn phòng của mình và có thời gian, tôi luôn khuyến khích bất cứ ai đến và chia sẻ suy nghĩ của họ về những gì Credit Karma đang làm.”– Ông Lin nói.
5. Thu thập ý kiến nhân viên bằng nhiều cách
Khi có quá đông nhân viên, các CEO có thể sáng tạo nhiều cách thức để thu thập ý kiến cũng như góp ý của đội ngũ nhân viên.
Các CEO có thể lập Hội đồng giám khảo là đội ngũ quản lý đại diện các phòng ban trong công ty để thu thập và chấm giải cho cuộc thi sáng kiến gắn kết nhân viên, cải thiện văn hóa. Các CEO cũng có thể nhờ đội ngũ truyền thông nội bộ thu thập ý kiến nhân viên đánh giá về các hoạt động nội bộ cũng như hiệu quả các kênh truyền thông hiện tại. Hoặc chính CEO có thể post một poll khảo sát trên mạng nội bộ để tham khảo cách sử đổi các chính sách của công ty.
Có rất nhiều cách thức lãnh đạo có thể tập hợp ý kiến từ số đông nhân viên trước khi đưa ra quyết định quan trọng nào đó.
6. Chia sẻ với nhân viên bằng Video và Blog
Ngoài các email văn bản truyền thống, bạn có thể kể chuyện trên các blogs cá nhân, hoặc sử dụng video để chia sẻ những quan điểm với nhân viên. Các video có thể được sử dụng trên các kênh truyền thông khác nhau, cũng có thể là nguồn tài liệu đào tạo và hướng dẫn cho nhân viên. Nhiều CEO cũng chọn Video để giải quyết các vấn đề nội bộ, ghi nhận thành tích của nhân viên hoặc kể các câu chuyện để truyền tải thông điệp quan trọng. Việc công khai minh bạch thông tin là rất cẩn thiết để cải thiện tình hình nội bộ.
Mai Trinh
(Nguồn tham khảo: Inc)