Bạn đã đủ làm chủ Influencer Marketing “thời thượng”?
Bước sang năm 2017, Influencer Marketing được dự đoán sẽ tiếp tục là xu hướng mà dân marketing không thể bỏ qua. Lý do là bởi sức hút và các câu chuyện thành công của nhiều nhãn hàng áp dụng hình thức này như Biti’s với chiến dịch quảng bá Biti’s Hunter qua hình ảnh Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn.
Theo nghiên cứu của McKinsey, Influencer Marketing tạo ra lượng công chúng gấp đôi so với quảng cáo trên báo, và làm tăng 35% tỷ lệ tương tác quay lại của công chúng đối với sản phẩm. Nếu như trước kia, các thương hiệu thường chọn những nhân vật là các ngôi sao, nghệ sĩ hạng A để làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm của mình thì ngày nay, người được lựa chọn không cần quá nổi tiếng nhưng phải có một tầm ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội. Có thể nói, đây là một thời điểm “vàng” cho những người có sức mạnh lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Danh sách 10 trang Facebook của sao Việt sở hữu lượng fan nhiều nhất do Socialbakers thống kê vào tháng 1/2017 (Ảnh: Internet)
Một con số thống kê của Neilsen cho thấy: Có đến 92% người tiêu dùng tin tưởng vào sự giới thiệu của người khác, kể cả những người mà trước đó họ chưa từng quen biết, hơn là việc tin vào những quảng cáo phát trên truyền hình hay được đăng trên các báo và tạp chí. Khi doanh nghiệp chọn được một influencer đáng tin cậy thì sản phẩm của doanh nghiệp đó cũng sẽ tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Vậy nên, bước đi đầu tiên và quan trọng nhất khi bạn đã chọn Influencer Marketing đó chính là lựa chọn người có sức ảnh hưởng phù hợp và một chiếc dịch tăng khả năng nhận diện thương hiệu đến với cộng đồng người hâm mộ của influencer đó.
Ví dụ điển hình cho việc một influencer ít xuất hiện trên truyền hình, không phải là diễn viên nổi tiếng nhưng trang Facebook cá nhân lẫn fanpage đạt đến hàng triệu lượt view và tương tác, đó chính là blogger Gào. Gào ít khi nhận lời tham gia đóng quảng cáo và cũng khá ít lần chia sẻ những sản phẩm cô và gia đình đang sử dụng trên các mặt báo giấy nhưng qua Facebook của Gào, một lượng khá lớn công chúng biết đến nhiều sản phẩm dành cho gia đình của các nhãn hàng như Nestle, các cuộc thi hay mini game của Pond’s, PnJ, tới những dịch vụ vận chuyển hàng hóa, đồ dùng,…
Từng câu chuyện được Gào chia sẻ rất thật về tâm sự của bà mẹ 2 con về cách nuôi dạy con đều được khéo léo lồng ghép tên của các nhãn hàng và sản phẩm của họ. Các nhãn hàng đã thật sự biết cách “chọn mặt gửi vàng” để sản phẩm của mình không bị cường điệu hóa mà trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận nhờ các Influencer “có tâm”.
Gào và gia đình trong một bài chia sẻ về sự lựa chọn các thiết bị điện gia dụng (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, mặt trái của Influencer Marketing là: Nếu các doanh nghiệp không chọn được đúng những người có sức ảnh hưởng tích cực và phù hợp với đối tượng mình đang hướng tới thì rủi ro có thể sẽ đến với doanh nghiệp đó. Chẳng hạn như người đó đã từng có nhiều scandal trong quá khứ hay trong thời gian quảng bá cho thương hiệu, họ vướng phải một vụ lùm xùm cá nhân gây cho công chúng sự mất thiện cảm dẫn đến việc tẩy chay nhãn hàng.
Theo một nghiên cứu, giới trẻ hiện nay đang tin tưởng vào các “ngôi sao mạng xã hội” hơn là các “ngôi sao truyền hình” đó là một cơ hội cũng là một thách thức không nhỏ để đề ra được mục tiêu phù hợp cũng như các chiến dịch phù hợp khi quyết định sử dụng Influencer Marketing làm công cụ đắc lực cho việc quảng bá sản phẩm của mình.