Ba cách để xây dựng thương hiệu tuyển dụng trên mạng xã hội

Ba cách để xây dựng thương hiệu tuyển dụng trên mạng xã hội

Không gian văn phòng làm việc cực “chất”, hình ảnh hoạt động nội bộ sôi nổi và thú vị cùng những giải thưởng đạt được là những nguyên liệu nội dung mà các thương hiệu lớn đã sử dụng để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng thành công trên mạng xã hội.

Theo khảo sát của LinkedIn, 50% ứng viên tiềm năng sẽ theo dõi mạng xã hội của công ty để cập nhật về thông báo tuyển dụng. Điều đó cho thấy, mạng xã hội chính là “điểm chạm” mà các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa sức lan tỏa của nó để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, thu hút các ứng viên. Ngay cả những thương hiệu lớn trên thế giới như L’Oreal, Nanobit, HubSpot cũng sử dụng mạng xã hội để kể lại câu chuyện thương hiệu, “cú hích” cho các ứng viên quyết định tham gia và trở thành nhân viên của họ.

  1. “Show-off” không gian làm việc khác biệt

Ứng viên của bạn không quan tâm rằng công ty sẽ có một phòng tập yoga “xịn sò” hay phòng chơi game cực “ngầu”, họ chỉ muốn biết nơi họ sẽ dành 8h mỗi ngày để làm việc sẽ như thế nào. Vì thế, bạn hãy chia sẻ các không gian làm việc khiến ứng viên dễ dàng… “rung động” như một mảng tường in các câu nói truyền cảm hứng, một góc nhìn ra bờ hồ hay góc làm việc được trang trí với cây xanh… Những góc nhỏ như vậy khiến ứng viên hiểu hơn về văn hóa khi họ tìm hiểu về công việc và công ty họ quan tâm.

L’Oreal là thương hiệu đã áp dụng phương pháp này trong các bài đăng tuyển dụng của họ trên kênh Instagram chính thức.

Không gian đầy nắng trong văn phòng của L’Oreal ở Đức là nơi truyền cảm hứng cho không chỉ nhân viên mà còn những ứng viên quan tâm tới công việc ở đây.

  1. Khai thác những câu chuyện có thật của nhân viên

Con người là tài sản lớn nhất của mỗi công ty, không phân biệt nhân viên của bạn làm ở trụ sở chính hay chi nhánh nhỏ, làm việc trong văn phòng hay ngoài trời. Để ứng viên cảm thấy sự tôn trọng mà công ty dành cho từng nhân viên, bạn nên công khai các hình ảnh nhân viên của mình trong công việc trên mạng xã hội. Đó cũng là câu chuyện chân thật và gần gũi nhất.

HubSpot – một công ty xây dựng nền tảng quản lý khách hàng, bán hàng và marketing cho doanh nghiệp – đã xây dựng riêng một trang Instagram mang tên hubspotlife để đăng tải các câu chuyện mà nhân vật trung tâm là nhân viên.

Instagram của Hubspot làm nổi bật những câu chuyện của nhân viên tại các trụ sở trên toàn thế giới.

Những câu chuyện được HubSpot đăng tải tạo ra ấn tượng về văn hóa đa dạng của môi trường làm việc quốc tế, từ Berlin, Singapore, Sydney đến hội thảo dành cho nhân viên nữ của công ty. Bằng cách đó, HubSpot xây dựng một thương hiệu tuyển dụng là một môi trường tôn trọng mọi tính cách, không phân biệt họ từ đâu đến và họ làm việc ở đâu.

  1. Chia sẻ kiến thức hữu ích

Những ứng viên tiềm năng không chỉ quan tâm tới văn hóa, môi trường làm việc mà yếu tố tác động tới quyết định của họ chính là công việc chuyên môn tại công ty. Các nội dung cung cấp kiến thức chuyên sâu về ngành và lĩnh vực hoạt động không chỉ tác động tới khách hàng mà còn gây ấn tượng với ứng viên của bạn. Vì thế, trong chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, bạn nên khéo léo tận dụng lợi thế của mình.

Trang thông tin của Hershey trên LinkedIn là ví dụ điển hình. Trên kênh này, Hershey cung cấp cho ứng viên các thông tin thú vị về kinh doanh, thương hiệu, sản phẩm và tất nhiên cả cơ hội nghề nghiệp ở đây một cách thường xuyên. Nếu như các thương hiệu khác sử dụng các kênh như Facebook, Instagram, Hershey tận dụng lợi thế của LinkedIn với tính chất chuyên môn cao để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng là một công ty uy tín và dẫn đầu thị trường.

Ví dụ về một nội dung được đăng tải trên LinkedIn của Hershey, chia sẻ về công nghệ đã thay đổi những gì trong ngành bán lẻ.

Sẽ không có công thức chung nào để xây dựng chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng, tuy nhiên, tùy vào mục đích kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và kênh truyền thông mà bạn có thể gây ấn tượng với ứng viên tiềm năng của mình.

Phương Thảo

Bài Viết Liên Quan