Khám phá hành trình biến Coca-Cola trở thành một tổ chức học tập
Những chuyển đổi kỹ thuật số liên tục và mạnh mẽ khiến những công ty khổng lồ cũng phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Làm thế nào để duy trì sự đổi mới, linh hoạt và học tập không ngừng? Bài viết này chia sẻ hành trình biến Coca-Cola trở thành một tổ chức học tập.
Tổ chức học tập là gì?
Có rất nhiều định nghĩa và quan điểm khác nhau liên quan đến chủ đề này. Nó bắt nguồn từ nhận thức rằng trước bối cảnh thị trường kinh doanh liên tục thay đổi như hiện nay, doanh nghiệp chỉ phát triển khi trở thành một tổ chức học tập. Đó là một tổ chức có khả năng loại bỏ những kiến thức cũ, không phù hợp và sẵn sàng học lại, trang bị lại và liên tục làm mới các kiến thức lạc hậu. Điều này đòi hỏi một tư duy phát triển, niềm tin chung rằng việc học tập không ngừng sẽ giúp cải thiện doanh nghiệp và bản thân mỗi nhân viên.
Học tập chính là quá trình biến đổi và tạo ra giá trị. Đối với các tổ chức, học tập cho phép nâng cao năng lực, thu hẹp khoảng cách giữa chiến lược và thực thi. Đối với các cá nhân, học tập giúp gắn bó và thúc đẩy tạo ra sự khác biệt. Việc học hỏi xảy ra từ mỗi cá nhân, dần được khuếch đại thành các nhóm, và sau đó được củng cố ở cấp độ tổ chức. Học tập có tác động mạnh nhất khi chúng ta kết nối các cá nhân, nhóm và tổ chức với nhau để hỗ trợ các mô hình và hành vi tinh thần mới nhằm mang lại hiệu suất cao hơn.
Bắt đầu với Hành vi tăng trưởng
Hành trình tái tạo đòi hỏi Coca-Cola phải có tư duy và hành vi tăng trưởng. Để có thể nói với hàng ngàn nhân viên trên khắp thế giới hãy có tư duy tăng trưởng, điều này đòi hỏi những nhà lãnh đạo Coca-Cola phải đặt ra những kỳ vọng rõ ràng, truyền đạt một cách dễ hiểu và phải làm gương cho nhân viên.
Quá trình xác định các hành vi tăng trưởng của Coca-Cola bắt đầu từ việc 50 nhà lãnh đạo cấp cao nhất đã ngồi lại cùng nhau, chỉ ra đâu là văn hóa mà Coca-Cola nên duy trì, đâu là những điểm không còn phù hợp cho chiến lược tăng trưởng mới của công ty. Việc này cần sự thống nhất, liên kết chặt chẽ để các hành vi được đồng bộ, giống nhau giữa các cấp.
Bốn hành vi tăng trưởng đã được các nhà lãnh đạo thống nhất đưa ra, bao gồm: tò mò, trao quyền, linh hoạt và hòa nhập. Với mục tiêu lấy con người làm trung tâm, Coca-Cola không mong muốn có một nền văn hóa chỉ huy và kiểm soát. Thay vào đó, họ nhấn mạnh sự tin tưởng, tự hào, khiêm tốn và học hỏi. Các hành vi tăng trưởng sẽ là những nền tảng đầu tiên đưa họ cái nhìn tổng quan, đơn giản về văn hóa, hướng đến đúng “đích ngắm” hơn.
Tò mò và linh hoạt là 2 hành vi đặc trưng thúc đẩy văn hóa dám thử nghiệm, thất bại và nhanh chóng học hỏi từ những thất bại đó. Coca-Cola chấp nhận đối mặt với những nguy cơ, sẵn sàng “lao đầu” vào những sản phẩm đầy rủi ro nhưng đổi lại họ sẽ tạo được sự khác biệt, dễ dàng sửa lỗi cho các lần sau.
Chấp nhận việc liên tục thất bại và học hỏi là một phần của cuộc sống
Việc thay đổi nếu chỉ xảy ra một sớm một chiều mà không gắn với những công việc thường ngày thì sẽ không mang lại kết quả bền vững. Quan trọng nhất là phải thay đổi cách thức làm việc cho phù hợp, tôn vinh, công nhận những thành tựu, cá nhân xuất sắc, đồng thời luôn kêu gọi lực lượng lao động tích cực tham gia. Để làm được điều đó, Coca-Cola đưa ra một số hoạt động như:
Xây dựng trung tâm Linh hoạt và các cách thức làm việc linh hoạt: Một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất vào năng lực là tạo ra Trung tâm Linh hoạt (COE – Agile Center of Excellence). COE đã giúp xây dựng nhận thức và hiểu biết về phương pháp linh hoạt, nâng cao hiệu quả hoạt động nhóm và đưa mọi người hướng đến mục tiêu chung thay vì chỉ bó buộc trong từng phòng ban, bộ phận. Một số đơn vị kinh doanh của Coca-Cola đã linh hoạt, tự tổ chức các dự án và đưa ra các sáng kiến quan trọng. Hiệu quả thể hiện rõ ràng qua kết quả kinh doanh của các đơn vị đó.
Trao giải thưởng Sáng tạo: Coca-Cola đã mở ra Giải thưởng Đổi mới Toàn cầu kể từ năm 2016 nhằm thúc đẩy văn hóa đổi mới. Giải thưởng này đề cao tính kỷ luật, dám chấp nhận thách thức, rủi ro và sẵn sàng học hỏi trước mỗi thất bại. Giải thưởng tôn vinh những đổi mới ở ba hạng mục: Thành công trong đổi mới, Thử nghiệm đổi mới và Tôn vinh thất bại. Hạng mục “Tôn vinh thất bại” đã giúp Coca-Cola có một bước tiến lớn trong việc biến “nguy” thành “cơ” và trở thành văn hóa làm việc của họ.
Đề xuất các giải pháp Crowdsource: Một trong những ưu tiên chiến lược chính của thương hiệu này là số hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực phân tích dữ liệu lại chính là lỗ hổng lớn của họ. Để làm cho việc học tập trở nên thú vị, tận dụng nguồn thông tin mạng và tìm ra các giải pháp cải tiến, Coca-Cola đã phát động Thử thách phân tích dữ liệu toàn cầu. Thông qua cuộc thi, họ muốn đưa ra thông điệp về tầm quan trọng của dữ liệu, thông tin và công nghệ. Đối tượng tham gia không bắt buộc phải là nhà khoa học dữ liệu hoặc chuyên gia về phân tích, đồng thời cũng không có giới hạn về loại dự án. Vào năm 2019, hơn 100 dự án từ khắp các chi nhánh đã được đệ trình với một loạt các chủ đề, bao gồm tự động hóa dự báo dòng tiền, phân tích rủi ro và cơ hội, tự động hóa quy trình robot quản lý đơn hàng và báo cáo. Những dự án, phương pháp nổi trội sẽ được lưu trữ trong Trung tâm phân tích dữ liệu nhằm kết nối những người cùng chí hướng lại với nhau.
COVID-19 và một chiến lược học tập mới
COVID-19 đã trở thành “cỗ máy tăng tốc” cho văn hóa học tập của Coca-Cola, thúc đẩy họ thiết lập chiến lược học tập rõ ràng cho doanh nghiệp:
Thay đổi tính chất công việc: Một phần ba kỹ năng công việc cốt lõi sẽ thay đổi trong 5 năm tới, đòi hỏi sự linh hoạt hơn trong nhận thức, có khả năng thích ứng, nhanh nhẹn trong học tập như những năng lực cốt lõi. Trong thế giới công nghệ phát triển như ngày nay, khả năng kết nối, cộng tác của nhân viên càng được coi trọng.
Thay đổi kỳ vọng của nhân viên: Tăng cường cá nhân hóa trải nghiệm, người học có những kỳ vọng mới về mức độ phù hợp, kịp thời và khả năng áp dụng của những gì họ học được. Coca-Cola tin tưởng và coi trọng cộng đồng của mình hơn là tin tưởng vào yếu tố bên ngoài nào khác.
Tác động của công nghệ: Việc học tập được số hóa. Các công nghệ phổ biến đã mọi người vừa là người tiêu dùng vừa người sáng tạo ra nội dung học tập. Mạng xã hội đóng khung trải nghiệm cuộc sống của con người ngày nay. Hơn 80 phần trăm mọi người sử dụng mạng xã hội ít nhất một lần mỗi ngày. Sự tức thì, nhanh chóng của phương tiện truyền thông xã hội đã thúc đẩy mức độ phản hồi trong việc học tập.
Việc học tập được tích hợp chặt chẽ sẽ tạo nên tác động mạnh mẽ, trở thành lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp. Coca-Cola tập trung đầu tư vào năng lực lãnh đạo, các kỹ năng mềm cũng như các kỹ năng công việc của nhân viên, xây dựng khuôn khổ nhất định để hướng đến sự hiểu biết thông suốt, mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Coca-Cola đã đưa ra 4 nguyên tắc chính để định hướng cho sự chuyển đổi ấy:
Trao quyền và phân quyền cho nhân viên nhiều hơn: Xây dựng môi trường học tập mở, giúp nhân viên tự chọn tài liệu học tập phù hợp. Yêu cầu những người quản lý, lãnh đạo phản hồi thường xuyên hơn, đưa ra các khóa học chất lượng, phù hợp với từng vùng địa phương.
Định hướng tích hợp và tập trung: Đề cao tính khác biệt, đẩy mạnh hiệu suất, ưu tiên hội nhập, trao đổi để cùng phát triển.
Cung cấp các giải pháp gần gũi: Tập trung vào giải quyết các công việc thường ngày, đưa ra các khóa học thực tế, gần gũi có thể do nhân viên tự đề xuất. Ngoài ra, Coca-Cola cũng chú trọng kết nối các cộng đồng, tận dụng các nguồn lực, dễ dàng chia sẻ thông tin.
Chấp nhận học lại, làm mới kiến thức: Tương lai là thứ khó có thể lường trước, vì vậy người của Coca-Cola luôn được khuyến khích trau dồi, cập nhật, làm mới kiến thức, thông tin thường xuyên.
Bộ nguyên tắc cũng nói lên việc Coca-Cola không gò bó nhân viên tham gia các lớp học chính thức, không thúc đẩy sự phát triển theo hướng không muốn, không chấp nhận kỷ luật thực thi kém và không đầu tư vào các hoạt động phát triển trừ khi thấy cam kết rõ ràng và có đánh giá đo lường tác động bền vững.
Hành trình xây dựng văn hóa học tập tuy là một chặng đường dài nhưng Coca-Cola nhận định những nỗ lực này là hoàn toàn xứng đáng và đầy tham vọng.
Vân Anh
(Theo SHRM)