Vì sao cần tuyển người phù hợp với văn hóa công ty?
Khi bạn tìm kiếm được nhân viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, phù hợp với đội ngũ nhân sự hiện tại, họ sẽ giúp doanh nghiệp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tiền bạc.
Tại sao nên tuyển người phù hợp với văn hóa?
Zappos (doanh nghiệp bán giày dép online nổi danh được Amazon mua lại với mức giá “khủng” 1 tỷ USD) chỉ tìm kiếm và làm việc với những cá nhân phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp. CEO Tony Hsieh của Zappos đã từng tiết lộ một “chiêu” công ty thường dùng để sàng lọc những cá nhân phù hợp:“Rất nhiều trong số các ứng viên của chúng tôi từ nơi xa đến, chúng tôi sẽ điều xe bus của Zappos đến đón họ, đưa họ đi một vòng thăm quan, và dành thời gian còn lại để phỏng vấn. Cuối buổi phỏng vấn, người tuyển dụng sẽ tìm gặp lái xe bus và hỏi họ về thái độ của ứng viên. Không cần biết anh/cô ta trả lời phỏng vấn tốt đến đâu, nếu người lái xe không được đối xử tử tế, chúng tôi cũng loại anh/cô ta”. Như vậy, ưu tiên hàng đầu của họ khi tuyển dụng không nằm ở bảng thành tích hay kinh nghiệm xuất sắc mà là khả năng hòa nhập và phát triển văn hóa cùng công ty.
Các nghiên cứu ngày nay đang ngày càng chứng tỏ việc tuyển người phù hợp với văn hóa công ty là một phần thiết yếu trong chiến lược tuyển dụng. Một nghiên cứu của Delloite năm 2018 cho thấy, 84% nhà tuyển dụng được khảo sát đồng ý rằng sự phù hợp về văn hóa (không phải vấn đề thời gian hay mức lương) là một trong những yếu tố tuyển dụng quan trọng nhất.
Nói một cách đơn giản, phù hợp văn hóa là khả năng một người mới có thể tuân thủ và thích nghi với giá trị cốt lõi, những biểu hiện hành vi hay với những thói quen, nghi lễ của một tổ chức.
Đã có trường hợp của một doanh nghiệp F, có hai ứng viên sáng giá cho vị trí nhân viên Truyền thông nội bộ. Trong đó, một người có chuyên môn rất tốt nhưng họ có nhiều suy nghĩ thiếu tích cực trong công việc. Người còn lại hơi “non” về kinh nghiệm, cần được đào tạo thêm về kỹ năng nhưng lại mang đến nguồn năng lượng dồi dào hơn. Nếu ở vị trí nhà tuyển dụng, khi doanh nghiệp bạn đề cao văn hóa “Tích cực”, chắc chắn bạn sẽ lựa chọn ứng viên thứ hai bởi họ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hơn.
Jack Ma – ông chủ của Alibaba từng đưa ra quan điểm: “Sau khi vào Alibaba, bắt buộc bạn phải hòa nhập vào văn hóa cũng như chấp nhận lý tưởng của công ty. Nếu nhân viên không thể hòa nhập, bên trong doanh nghiệp sẽ hình thành mâu thuẫn không thể hòa giải. Tuy mỗi người có ưu thế của riêng mình, nhưng nếu không cùng chí hướng sẽ làm yếu đi sức mạnh của doanh nghiệp.”
Các “tân binh” phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là những người:
- Dễ dàng làm quen và trở thành một phần trong đội nhóm
- Nhanh chóng bắt nhịp với guồng công việc
- Luôn vui vẻ và hạnh phúc với vai trò mới
- Có xu hướng gắn bó lâu hơn với doanh nghiệp của bạn
- Trở thành đại sứ thương hiệu, có khả năng trở thành KOL nội bộ
- …
Ngược lại, khi bạn đưa ra quyết định tuyển dụng chỉ dựa vào chuyên môn, không tính đến sự phù hợp về văn hóa thì hậu quả sẽ là:
- Ứng cử viên không đáp ứng được yêu cầu công việc theo guồng của đội nhóm
- Họ sẽ nhanh chóng không hài lòng với chính mình khi làm việc ở một môi trường khác biệt quá nhiều
- Họ sẽ không tuân thủ các giá trị và hành vi mong đợi của doanh nghiệp
- Cuối cùng, quá trình từ chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động của họ sẽ diễn ra nhanh hơn.
Mối quan hệ win-win giữa doanh nghiệp và ứng viên sẽ rõ ràng khi tuyển đúng người. Ứng viên phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ngược lại doanh nghiệp tuyển người phù hợp cũng góp phần giúp ứng viên làm việc tốt hơn, thành công hơn.
Làm thế nào để tìm người phù hợp văn hóa?
Hiểu được tầm quan trọng của việc tuyển người phù hợp văn hóa, song, làm thế nào để tìm được người phù hợp lại là một bước đi cần có quy trình rõ ràng. Hãy bắt đầu bằng những bước dưới đây:
- Xác định văn hóa của doanh nghiệp bạn và lan tỏa chính xác văn hóa đó
Thật khó để tuyển người phù hợp với văn hóa khi bạn không xác định được văn hóa của doanh nghiệp bạn là gì hay bạn muốn văn hóa doanh nghiệp bạn là gì. Văn hóa doanh nghiệp bao gồm các nền tảng ngầm định (giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn), các biểu hiện hành vi (Hệ thống quy tắc, chiến lược, các biểu hiện hành vi của người trong doanh nghiệp), các thể hiện ở bên ngoài (nghi thức, thói quen…). Đó là tất cả những điều làm nên sự khác biệt của doanh nghiệp bạn với các doanh nghiệp khác. Hãy xác định thật rõ ràng và cụ thể để dựa vào đó, bạn sẽ có những định hướng ban đầu xác định ứng viên có phù hợp hay không thay vì dựa vào cảm tính.
Khi doanh nghiệp bạn đã xác định được văn hóa doanh nghiệp, hãy lan tỏa thật nhiều, lan tỏa mọi lúc mọi nơi. Hãy tận dụng kênh truyền thông mạng xã hội, các kênh tuyển dụng của doanh nghiệp hoặc kênh tuyển dụng của bên thứ ba để công khai nét văn hóa đó cho người tìm việc. Các ứng viên tiềm năng sẽ có được những cái nhìn ban đầu về tổ chức của bạn từ chính những gì bạn lan tỏa và truyền thông.
- Đặt câu hỏi liên quan trực tiếp đến các giá trị văn hóa của doanh nghiệp
Phỏng vấn là bước quan trọng nhất để chọn người phù hợp. Bản CV thường liệt kê rất nhiều kỹ năng và thành tích trong quá khứ của ứng viên nhưng thông qua phỏng vấn, bạn sẽ đánh giá được tính cách và các giá trị mà ứng viên có thể mang đến cho tổ chức.
Hãy đặt nhiều câu hỏi mở để xem suy nghĩ và phản ứng của ứng viên có phù hợp với yêu cầu hay những giá trị mà tổ chức của bạn coi trọng nhất. “Bạn coi trọng điều gì nhất trong công việc?”; “Bạn thích điều gì nhất khi làm việc nhóm?”; “Bạn có thể kể về kỷ niệm giúp đỡ đồng nghiệp hoặc tạo ra trải nghiệm tích cực cho khách hàng?”… là những câu hỏi bạn có thể áp dụng.
Hãy nhớ rằng cuộc phỏng vấn là hai chiều tương tác, các ứng viên sẽ cho bạn biết giá trị của họ song phía doanh nghiệp cũng cần cung cấp cho ứng viên về văn hóa, về cách công ty kỳ vọng vào nhân viên khi làm việc. Bằng cách đó, giữa doanh nghiệp và ứng viên mới tìm ra được những điểm chung phù hợp.
- Đừng quá chú trọng đến sở thích cá nhân
Việc phù hợp với văn hóa doanh nghiệp không có nghĩa là triệt tiêu sự đa dạng trong tính cách của mỗi cá nhân. Một bà mẹ bỉm sữa tất bật với con không có nghĩa là họ không hòa hợp được với doanh nghiệp toàn người trẻ tuổi; một chàng trai thích nhạc Rock không có nghĩa họ không thích những bản nhạc tình ca được phát vào giờ giải lao; một kỹ sư điện không có nghĩa là họ chỉ biết kiến thức chuyên ngành, biết đâu, họ có thể cung cấp cho các đồng nghiệp những kiến thức lịch sử Việt Nam…
Hãy tôn trọng những nét khác biệt trong sở thích và lối sống cá nhân của mỗi người. Chỉ cần họ phù hợp với những văn hóa chung của tổ chức, sẵn sàng cống hiến cho mục tiêu chung của tổ chức là được. Sự đa dạng của mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo thêm nhiều cách làm mới, suy nghĩ mới vượt ra ngoài khuôn khổ, tránh tình trạng đi theo một lối mòn, kéo văn hóa doanh nghiệp đi xuống.
- Đảm bảo việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp sau tuyển dụng
Việc đào tạo cho các “tân binh” hiểu rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp là rất cần thiết sau tuyển dụng. Giới thiệu rõ hơn về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mô tả về những hành vi nên và không nên làm nơi công sở, những quy định chính sách chung của công ty, lịch sử hình thành, nghi lễ, thói quen của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, dành thời gian cho các tân binh có cơ hội thảo luận về mối quan tâm của họ với doanh nghiệp hoặc được hỏi – đáp về các vấn đề họ còn khúc mắc. Việc đào tạo này rất cần thiết cho quá trình thích nghi của nhân viên mới được suôn sẻ hơn, về phía nhân viên cũng cảm thấy được trân trọng và thoải mái hơn.
Như vậy, thay vì tuyển dụng dựa trên sơ yếu lý lịch, hãy chọn ứng viên phù hợp với văn hóa trước. Để thực hiện điều này thành công, hãy thiết lập tính cách nhân viên phù hợp trước khi bắt đầu tìm kiếm những giá trị hấp dẫn ứng viên (EVP) và lên chiến lược về Thương hiệu tuyển dụng (EB).
Mai Trinh