Sử dụng emoji trong content marketing: Không phải chuyện đùa!
Domino’s Pizza, McDonald’s chỉ là hai trong số rất nhiều thương hiệu thành công khi sử dụng emoji trong các chiến dịch quảng cáo của mình.
Những người sử dụng smartphone hẳn không còn xa lạ gì với emoji – các biểu tượng cảm xúc. Trước đó, biểu tượng cảm xúc đã từng “làm mưa làm gió” trên Yahoo Messenger. Các mặt cười ngộ nghĩnh của Yahoo Messenger đã từng kết nối mọi người lại với nhau bất kể họ đang cách xa nhau đến nửa vòng Trái đất. Theo Swyft Media về thói quen sử dụng emoji, người dùng những ứng dụng nhắn tin qua Internet gửi đi trung bình 96 emoji hay sticker mỗi ngày.
Emoji được phát minh bởi Shigetaka Kurita, một lập trình viên người Nhật làm việc tại NTT Docomo vào những năm 90. Đây là chiêu bài để Docomo thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ nhắn tin của mình trước sự cạnh tranh của các đối thủ. Có lẽ ban đầu khi phát minh ra emoji, Kurita và Docomo cũng không thể ngờ được đến một ngày, emoji sẽ lên ngôi và trở thành biểu tượng của năm.
Một khảo sát tại Anh cho biết, 72% cư dân mạng trong độ tuổi 18 đến 25 cảm thấy thoải mái hơn khi thể hiện cảm xúc bằng emoji thay vì chữ nghĩa thông thường. Tuy nhiên, giới trẻ không phải những người duy nhất thích dùng emoji thay lời muốn nói. Andy Murray, hạt giống quần vợt nổi tiếng thế giới, thậm chí còn viết hẳn một dòng Tweet mô tả lại ngày cưới của mình bằng emoji.
Cực nhanh nhạy với xu hướng mới này, năm 2015, Domino’s Pizza tung ra chiến dịch đặt món “AnyWare”, cho phép khách hàng gọi pizza bằng cách siêu đơn giản: Tweet một dòng, nhắc đến Domino’s và kèm theo emoji hình chiếc pizza. Chiến dịch “nghe như đùa” này đã lan rộng, tạo nên hiệu ứng truyền thông cực kỳ lớn và đem lại cho Domino’s một chiếc cúp Titanium Grand Prix tại Festival Sáng tạo Cannes Lions International – giải thưởng cực kỳ danh giá trong ngành Quảng cáo. Chiến dịch này đã góp phần tạo nên thành công của emoji khi từ điển Oxford bình chọn “Emoji” là “Từ khóa của năm”!
Domino’s Pizza và chiến dịch order bằng emoji
Không đứng ngoài xu hướng, Jordan Peele (diễn viên hài – đạo diễn nổi tiếng người Mỹ đã gây được tiếng vang lớn với siêu phẩm kinh dị “Get Out”) cũng từng Tweet lại nguyên bộ phim “The Shining” bằng emoji. BBC cũng có một màn troll người đọc khi dùng emoji để… mô tả tiêu đề tin tức thay vì viết bằng chữ. Trong lần cải tiến gần đây, Facebook cũng đã chính thức đưa emoji vào làm biểu tượng cảm xúc bên cạnh stickers.
McDonald’s đưa emoji lên hẳn một tầm cao mới: Tung ra một loạt print ads theo chủ đề emoji.
Sự “xâm chiếm” ồ ạt của emoji đã thực sự đem lại một phương thức giao tiếp mới giữa các doanh nghiệp với khách hàng của họ. Emoji là một dạng hình ảnh hàm chứa nhiều thông tin cảm xúc và rất “eye-catching”. Nó trở thành một dạng “ngôn ngữ” hoàn toàn mới. Sử dụng emoji trong content quảng cáo đã giúp lượng tương tác tăng cao hơn, khách hàng cảm thấy gần gũi hơn với thương hiệu bởi ít nhất, các doanh nghiệp đã bắt đầu nói những cái mà họ muốn nghe.
Mặc dù có hiệu quả tương tác cao với người dùng, các công ty, doanh nghiệp không nên lạm dụng chúng. Ghi nhớ 5 điều này để sử dụng emoji thành công trong chiến dịch quảng cáo, truyền thông của bạn.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, emoji là một bước “thụt lùi” của nhân loại, bởi việc sử dụng emoji để giao tiếp chẳng khác nào ông cha ta ngày xưa nói chuyện với nhau bằng chữ tượng hình. Chẳng lẽ, sau cả ngàn năm tiến hóa, giờ con người lại đi ngược với văn minh? Nhưng không thể phủ nhận, hình ảnh luôn phá vỡ mọi giới hạn của ngôn từ, mà với content, không gì là không thể! Nếu như emoji giúp gắn kết thương hiệu với khách hàng một cách hiệu quả, giúp mọi người thấu hiểu nhau hơn, thì việc tạo ra hẳn một “nền văn hóa emoji” cũng chẳng phải điều cần băn khoăn!