9 gợi ý “chạm tim” ứng viên bằng câu chuyện nội bộ

9 gợi ý “chạm tim” ứng viên bằng câu chuyện nội bộ

Cách nhân viên làm việc, tương tác với nhau và cảm nhận về môi trường văn hoá hiện tại là những điều mà nhiều ứng viên đang tìm kiếm và mong muốn được nhìn thấy trong quá trình tìm hiểu về công ty. Có những cách thức nào để các nội dung về câu chuyện trải nghiệm khi làm việc trở nên thu hút, sáng tạo, có sức thuyết phục?

Chọn lọc câu hỏi cốt lõi

Yotpo – một nền tảng tiếp thị Thương mại điện tử hàng đầu chỉ đưa ra một câu hỏi duy nhất, ngắn gọn là “Sự nghiệp của bạn đã phát triển như nào kể từ khi gia nhập công ty?” Chỉ với câu hỏi đó, người trả lời có thể giúp ứng viên mới hình dung ra những cơ hội tại công ty, sự phát triển, thăng tiến của những người ở vị trí họ quan tâm.

Thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn

Gravity Payments đã tiến hành các cuộc phỏng vấn ngắn với nhân viên và đưa lên trang tuyển dụng. Những đoạn hội thoại ngắn như vậy sẽ giúp dễ dàng tổng hợp nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau của nhân viên trên một trang, từ đó giao diện website được tối ưu.

Tiến hành phỏng vấn chuyên sâu

Các cuộc phỏng vấn chuyên sâu là cách tuyệt vời để tạo cơ hội cho ứng viên hiểu sâu hơn về vị trí của một nhân viên chính thức và tìm hiểu một cách chi tiết về những trải nghiệm độc đáo tại công ty. Đây được ví như cơ hội để ứng viên đặt bước chân đầu tiên vào vị trí công việc tương lai của mình. Nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến ezCater đã đặt một loạt câu hỏi khác nhau từ khi họ mới gia nhập như “Làm thế nào bạn có được công việc tại ezCater?” đến những câu hỏi về thời điểm hiện tại như “Nhóm của bạn cộng tác với nhóm khác trong công ty như thế nào?”.

Chia sẻ lộ trình phát triển của nhân viên

Khi ứng viên tìm kiếm một vị trí trong công ty, họ sẽ quan tâm đến định hướng, kế hoạch về con đường sẽ đi qua để đạt được vị trí mong muốn trong sự nghiệp. UI Path đã áp dụng hình thức đó, cung cấp những chia sẻ của nhân viên hiện tại về kinh nghiệm làm việc trước khi gia nhập công ty và lý do họ chọn công ty. Những mẹo hữu ích để ứng viên chuẩn bị cho các vòng tuyển dụng cũng được “người đi trước” chia sẻ lại.

Chia sẻ về một ngày làm việc

Hudson River Trading đã dành ra một mục lớn trên trang tuyển dụng để tập hợp những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của nhân viên ở các vai trò khác nhau. Đa số nhân vật được lựa chọn đều là lập trình viên bởi đây chính là vị trí khó tuyển dụng nhất trong Hudson River Trading. Đẩy mạnh nội dung về các vị trí công việc khó tuyển mới hoặc cần tuyển gấp như vậy sẽ giúp dễ dàng thu hút thêm nhiều ứng viên.

Quan điểm của lãnh đạo cấp cao

Mặc dù khá khó để hẹn phỏng vấn lãnh đạo nhưng sự tham gia của những người đi đầu sẽ đem lại hiệu quả lớn. Lãnh đạo cấp cao có thể cung cấp một số những thông tin trọng tâm và sâu sắc về công ty cho ứng viên. Chẳng hạn, Solstice đã phỏng vấn ba nữ lãnh đạo để lắng nghe những chia sẻ khi họ “dấn thân” vào con đường công nghệ, những thách thức với phụ nữ trong lĩnh vực này và cảm nhận khi làm việc tại Solstice với tư cách nữ nhân viên. Những chia sẻ đó sẽ tạo động lực để các ứng viên nữ tự tin hơn khi ứng tuyển vào công ty.

Cảm nhận của tân binh

Phỏng vấn một nhân viên mới hoàn toàn khác với phỏng vấn một lãnh đạo. Mặc dù nhân viên mới có thể không có kinh nghiệm hoặc cái nhìn toàn diện về văn hóa công ty nhưng bù lại họ sẽ đưa ra những quan điểm độc đáo, mới lạ và gần hơn với ứng viên. Phần mềm phục vụ logistics Project44 đã phỏng vấn một số nhân viên mới để tìm hiểu ấn tượng và trải nghiệm đầu tiên của họ với công ty. Chẳng hạn như “Trở ngại lớn nhất khi bạn gia nhập công ty là gì? Bạn đã vượt qua thử thách đó như thế nào?” hay “Bạn được trao quyền để định hình, tham gia vào văn hóa tổ chức bằng cách nào?”. Những câu hỏi này giúp các ứng viên biết được công ty mong đợi gì ở họ và họ cần chuẩn bị điều gì cho công việc mới.

Tập trung một nhóm cụ thể

Mặc dù công ty đều có văn hóa chung nhưng ở mỗi nhóm vẫn sẽ có tiểu văn hóa. Để giới thiệu nét đặc trưng của từng đội nhóm, Tune – một công ty công nghệ tiếp thị đã tạo một loạt video điểm nhấn về nhân viên từ các nhóm khác nhau, giới thiệu cụ thể hơn cho ứng viên về những người mà họ sẽ làm việc cùng.

Để tất cả nhân viên cùng “lên sóng”

Tương tự như việc Tune tạo video cho từng nhóm, hãy tạo video toàn công ty để cung cấp cho ứng viên cái nhìn tổng thể về con người và văn hóa tổ chức. Việc này cho phép nhiều nhân viên cùng được “lên sóng”, đồng thời không gian văn phòng hay cách đội nhóm tương tác, hoạt động được thể hiện rõ nét thông qua hình ảnh, âm thanh sống động. Cisco Meraki đã thực hiện một video tương tự, không chỉ đem đến trải nghiệm khác biệt cho các ứng viên mà đây còn trở thành tài liệu về công ty có thể chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng khác nhau. Tuy thực hiện có thể sẽ mất nhiều công sức những lợi ích mang đến cho công ty sẽ rất xứng đáng.

Thu Hoài

(Theo BuiltIn)

Bài đọc thêm:

Nhân viên “lên sóng”: Tại sao không?

Khám phá sức mạnh từ những “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức

Bài Viết Liên Quan