4 lợi ích khi có chiến lược truyền thông nội bộ hoàn chỉnh trong “thời chiến”

4 lợi ích khi có chiến lược truyền thông nội bộ hoàn chỉnh trong “thời chiến”

Khi hiểu được lợi ích của chiến lược truyền thông hoàn chỉnh, đặt chúng lên làm ưu tiên, doanh nghiệp sẽ tạo nên điều khác biệt. Lãnh đạo sẽ tạo dựng được lòng tin, nhân viên có động lực làm việc hơn và từ đó hiệu suất doanh nghiệp sẽ tăng cao.

Nhân viên hiểu được bức tranh toàn cảnh và vai trò của họ

Một môi trường làm việc lý tưởng là nơi mọi cá nhân trong tổ chức nắm được họ đang hướng đến điều gì. Trong nhiều doanh nghiệp, nhân viên chỉ làm việc như những con “robot” mà không hiểu rõ mục đích, mục tiêu họ cần đạt được. Hay có những thông tin khi truyền xuống cấp dưới bị hiểu sai lệch do quá trình truyền tải rắc rối, qua nhiều bộ phận. 

Hiểu được bức tranh toàn cảnh sẽ giúp tăng cường sự tham gia của nhân viên.

Một khảo sát của Imperative trên 26.000 nhân viên của LinkedIn đã chỉ ra rằng 73% trong số họ mong muốn một công việc mà họ cảm thấy rằng công việc đó tạo ra giá trị. Khi đã hiểu rõ về doanh nghiệp cũng như công việc của mình, nhân viên sẽ tích cực đóng góp các ý kiến, ý tưởng để cùng hướng đến “đích” chung. Chiến lược truyền thông hiệu quả sẽ gỡ rối mọi hiểu lầm của nhân viên, gắn kết mọi người chặt chẽ hơn.

Cải thiện năng suất làm việc của nhân viên

Khi nhân viên đã nắm được bức tranh toàn cảnh và vai trò của họ trong doanh nghiệp, họ sẽ có động lực để làm việc với hiệu suất cao nhất. Mọi tương tác, thông điệp trong truyền thông nội bộ đều trở nên thông suốt và gặp ít rào cản nhờ có chiến lược bài bản được vạch ra trước. Các công việc, nhiệm vụ từ đó cũng suôn sẻ hơn, toàn bộ nhân viên tập trung hướng đến mục tiêu chung. 

Theo Staffbase, nhân viên làm việc với tâm trạng hứng khởi sẽ tăng 40% mức độ hài lòng của khách hàng, tăng 30% lợi nhuận và tăng 36% hiệu suất chung của doanh nghiệp.

Năng suất tăng cao là yếu tố then chốt nhằm phát huy sức mạnh của doanh nghiệp.

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo biết lắng nghe

Để thu hút nhân tài, duy trì đội ngũ nhân viên gắn kết, bộ máy lãnh đạo cần xây dựng được lòng tin, sự tín nhiệm của nhân viên. Việc này đòi hỏi nỗ lực lớn và liên tục từ doanh nghiệp, đặc biệt từ phía truyền thông nội bộ.

Chiến lược truyền thông nội bộ vạch sẵn cho lãnh đạo, quản lý những lộ trình để truyền tải đến nhân viên những mục tiêu lớn doanh nghiệp mong muốn. Nhờ có chiến lược truyền thông nội bộ, người lãnh đạo sẽ chú trọng lắng nghe và thấu hiểu được nhân viên của mình, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực của họ và có thể hỗ trợ họ phát triển, cải thiện kỹ năng còn thiếu. Đồng thời, chiến lược truyền thông nội bộ cũng đảm bảo tính minh bạch khi truyền thông, từ đó giảm các xung đột, hiểu lầm không đáng có – điều vốn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường làm việc và năng suất làm việc về lâu dài.

Lắng nghe phản hồi từ nhân viên là yếu tố không thể thiếu ở mỗi người lãnh đạo.

Xây dựng văn hóa giao tiếp

Hành trình gắn kết nhân viên không thể “dễ đi” nếu truyền thông nội bộ bị ngắt quãng, thiếu nhất quán và không theo kế hoạch bài bản. Vậy nhưng, việc này có thể giảm thiểu nếu truyền thông nội bộ được triển khai theo chiến lược cụ thể. 

Với việc có trong tay chiến lược truyền thông nội bộ, đội ngũ triển khai sẽ biết cách biến công việc của mình trở thành công việc của tất cả mọi người. Cách tiếp cận đó dần dần sẽ trở thành một văn hóa được thực thi bởi toàn thể đội ngũ nhân sự. 

Chiến lược truyền thông bài bản tạo nên văn hóa giao tiếp cho doanh nghiệp.

Một khi doanh nghiệp tập trung xây dựng văn hóa giao tiếp, các cá nhân sẽ cảm thấy gắn kết, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kiến thức cho nhau. Nó không chỉ làm tăng sự minh bạch, tin cậy giữa nhân viên với lãnh đạo, nâng cao tinh thần làm việc của họ mà còn giúp giảm xung đột, tiêu cực, căng thẳng nơi làm việc.

Vân Anh

(Theo The Grossman Group)

Bài Viết Liên Quan