3 xu hướng nội dung các copywriter sẽ “mất nghề” nếu bỏ qua trong 2017
Nội dung tức thời, không chỉ giới hạn nội dung với ngôn từ và thực hành “storydoing” chính là 3 xu hướng nội dung mà những marketer hay copywriter không thể không biết!
1. Nội dung tức thời
Nội dung tức thời là nội dung được sản xuất ngay trong quá trình diễn ra sự kiện và tiếp tục được truyền tải thông qua các công cụ hỗ trợ. Nội dung tức thời gần đây còn được áp dụng rộng rãi với sự hỗ trợ từ các tính năng Live Streaming trên nền tảng Facebook, Instagram, Twitter, Youtube…
Hình thức Live Streaming hiện tại gần giống như truyền hình trực tiếp. Với sự hỗ trợ của công nghệ, Live Streaming trở nên gần gũi hơn khi chỉ cần thiết bị di động có mạng wifi và tài khoản mạng xã hội, bất cứ hoạt động và sản phẩm nào cũng có thể “lên sóng”.
Nội dung thể hiện trên Live Streaming đòi hỏi copywriter không chỉ xây dựng kịch bản trước mà còn cần linh hoạt với những nội dung phát sinh trong thời điểm diễn ra. Sự xuất hiện của Live Streaming giúp công chúng tiếp cận nội dung truyền tải một cách trực tiếp, khách quan đồng thời khuyến khích họ đóng góp thêm nội dung của chính mình.
Một ví dụ rõ ràng về sức mạnh nội dung khiến công chúng ghi nhớ và nhắc tới thương hiệu nhờ Live Streaming là sự kiện ra mắt sản phẩm 4G của Vinaphone năm 2016. Sự kiện đã được người dùng đánh giá tốt bởi nhiều điểm mới lạ trong nội dung chương trình: tương tác với KOLs (Chi Pu và Gil Lê), khám phá vườn thú Safari Phú Quốc. Trước chương trình, sự kiện có 7.661 lượt thảo luật và trong ngày live-streaming là 3.566 lượt thảo luận. 57,8% trong số tổng lượt thảo luận về chương trình nói về thương hiệu 4G của Vinaphone.
2. Nội dung KHÔNG chỉ là ngôn từ
Infographic, hình ảnh hay video luôn là những định dạng được yêu thích bởi sự sinh động và dễ tiếp cận đến công chúng. Mọi người thường bị tác động bởi hình ảnh mạnh hơn chữ viết. Tuy nhiên, điểm hạn chế của hình ảnh là đôi khi chúng quá trừu tượng hay dễ gây xao nhãng. Vì thế, việc kết hợp cả hình ảnh và chữ viết sẽ mang đến hiệu quả gấp đôi cho nội dung.
Hãng hàng không giá rẻ của Mỹ JetBlue là thương hiệu nổi tiếng bởi sự hài hước và độc đáo. Loạt video vui vẻ mang tên Flight Etiquette (Nghi thức bay) nói về những vấn đề ai cũng gặp phải khi đi du lịch: quá háo hức lên máy bay, gặp người ngồi cạnh nói quá nhiều…
Nhẹ nhàng, dí dỏm, JetBlue đưa ra thông điệp về văn hoá “bay văn minh” qua một hướng dẫn trên máy bay dạng… ngược: How NOT to… (cách để Không…) thay vì những chỉ dẫn “How to…” thông thường của mọi hãng bay.
3. Thời của Storydoing
Storytelling là “kim chỉ nam” của những chiến dịch chạm đến trái tim công chúng. Nhưng bên cạnh đó, Storydoing – sử dụng nội dung để biến thành hành động, khuyến khích người dùng tương tác cũng như tăng cơ hội trải nghiệm cho họ – đang trở thành xu hướng được ưa thích trong thời gian gần đây.
Có thể dễ dàng nhận thấy các clip chia sẻ trải nghiệm, hướng dẫn thực hành, “thuật” lại hành động luôn thu hút được lượt theo dõi và tương tác cao hơn những quảng cáo đơn thuần. Chiến dịch tuyển dụng mang tên “The Candidates” của Heineken đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng. 25 ứng viên được tuyển chọn ra từ 1734 hồ sơ cho một vị trí thực tập sinh trong nhóm sự kiện và tài trợ của phòng Marketing. Heneiken đã thay đổi cấu trúc một buổi phỏng vấn thông thường để biến các ứng viên tham gia vào các tình huống được dựng sẵn.
Chiến dịch tuyển dụng đặc biệt của Henieken cho thấy nội dung thể hiện bằng hành động có sức tác động lớn thế nào tới công chúng. Sau khi chia sẻ video này, lượng người ghé thăm trang tuyển dụng của họ tăng 279% và lượng hồ sơ gửi về tăng 317%. Không những vậy, buổi phỏng vấn ứng viên đặc biệt này cũng ảnh hưởng tích cực đến nhân viên khi 91% người cảm thấy yêu thích công việc hơn.