12 tạo tác độc đáo làm nên bản sắc văn hóa của doanh nghiệp Việt

12 tạo tác độc đáo làm nên bản sắc văn hóa của doanh nghiệp Việt

Nền tảng VHDN đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của tổ chức, nhưng lại không dễ dàng để nhìn thấy. Vậy, làm thế nào để những yếu tố gần như vô hình đó trở nên sinh động, gần gũi, dễ thấy, dễ hiểu đối với mọi nhân viên trong tổ chức? Câu trả lời nằm ở các tạo tác văn hóa. Dưới đây là 12 tạo tác văn hóa góp phần tạo nên bản sắc độc đáo riêng có và phản ánh rõ nét văn hóa của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

(Bài viết thể hiện quan điểm dưới góc nhìn của Blue C.)

Các tạo tác văn hóa (Artifact) là các biểu hiện hữu hình có thể nhìn thấy, sờ thấy và nghe thấy được. Tạo tác văn hóa có thể xuất hiện trong Không gian làm việc (bao gồm kiến trúc, không gian văn phòng, cách bài trí sảnh…); Các tài liệu lưu hành trong công ty; Các giá trị thuộc truyền thống, lịch sử, con người trong tổ chức (các lễ nghi và lễ hội hàng năm, những câu chuyện, huyền thoại về tổ chức); Các bộ nhận diện thương hiệu (biểu tượng, logo, khẩu hiệu, tài liệu quảng cáo của doanh nghiệp, trang phục, xe cộ, hành vi ứng xử thường thấy của các nhân viên, hình thức, mẫu mã của sản phẩm). Các tạo tác văn hóa giúp hình ảnh hóa các yếu tố vô hình, các yếu tố nền tảng nằm ở chiều sâu không dễ dàng nhìn thấy của VHDN. Đồng thời giúp truyền tải các yếu tố nền tảng của VHDN đến với các thành viên trong tổ chức một cách sinh động, dễ dàng hơn. 

Contents

1. Tượng Cuder – Biểu tượng lập trình viên FPT Software

Bức tượng Cuder bằng đá muối trắng cao 2.4m được hoàn thành và đặt tại khuôn viên của FPT Software vào năm 2013. Với tạo hình đầu to, mắt cận, Cuder là sự mô phỏng một cách hài hước cho các lập trình viên FPT Software – những anh chàng ngày đêm “cày cuốc” trên cánh đồng công nghệ. Thời điểm đó, FPT Software còn tổ chức lễ rước “Cuder về làng” trên một kiệu gỗ có 4 người khiêng. 

Không chỉ dừng lại ở các nghi thức, tượng Cuder còn được gắn với truyền thuyết nếu sờ vào tay, vào cây cuốc của Cuder sẽ gặp nhiều thuận lợi, may mắn trong công việc. Ngoài ra, hình ảnh Cuder cũng thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm, nội san, phim tổng kết, hoạt động, sự kiện nội bộ của FPT Software. 

Tượng Cuder (Nguồn: Chungta)

Theo thời gian, với độ phủ sóng thường xuyên trong đời sống văn hóa của công ty, hình ảnh Cuder trở nên thân thuộc, gắn bó và đã đi sâu vào tiềm thức của các FSOFTer, trở thành một biểu tượng văn hóa của FPT Software. Hiện nay, tượng Cuder đã có mặt ở hầu hết các làng phần mềm của FPT Software và trở thành địa điểm checkin yêu thích của cả nhân viên lẫn khách tham quan, đối tác khi đến đây.

2. Sổ tay Văn hóa “Điểm bắt đầu” của MSB 

Không cứng nhắc với các tuyên ngôn và định nghĩa, Sổ tay Văn hóa “Điểm bắt đầu” của MSB là câu chuyện về chuyến phiêu lưu của nhân vật “M Tròn” ngộ nghĩnh, dễ thương. 

Tạo hình của “M Tròn” xuất phát từ cái tên “Điểm bắt đầu”. Mỗi một hành trình đều có một điểm bắt đầu và bất cứ thời điểm nào cũng có thể là điểm bắt đầu. Đó là cách để mỗi người tư duy về sự vận động, liên tục phát triển, không ngừng khao khát để vươn tầm cao hơn. 

Một số hình ảnh của “M Tròn” trong Sổ tay văn hóa MSB

Tạo hình của “M Tròn” cũng gợi nhớ đến hình ảnh dấu chấm tròn trong logo của MSB. Đây được xem là điểm bắt đầu của một hành trình mới, một giai đoạn mới, đại diện cho sự đổi mới, làm mới trong việc xây dựng văn hóa tại MSB. 

Những con người mà “M Tròn” gặp gỡ, những thử thách mà “M Tròn” chinh phục, cùng sự chuyển đổi từ bên trong, từ phút ban đầu lạ lẫm, háo hức đến thời khắc cảm nhận rõ nét về nơi mà mình thực sự thuộc về…, đó là hành trình mà mỗi người MSB đã, đang và sẽ đi qua. Và trong hành trình đó những giá trị văn hóa được lồng ghép khéo léo trong từng tình huống, câu chuyện của “M Tròn”, chính là kim chỉ nam định hướng tư duy, hành động của mỗi người MSB.

3. “Chuyến bay cho em” của Vietnam Airlines

Tiếp nối chiến dịch “Flights of Love – Hành trình yêu thương” từ những năm trước, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã tổ chức “Chuyến bay cho em” dành riêng cho các “tiếp viên hàng không nhí”, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Trên chuyến bay, các em nhỏ đã được hướng dẫn và thực hành các kỹ năng như những tiếp viên hàng không thực thụ. 

Những phi công và tiếp viên nhí của Vietnam Airlines (Nguồn: Vietnam Airlines)

Với những trải nghiệm mới mẻ và niềm vui mà các em có được trên chuyến bay đặc biệt này, Vietnam Airlines đã truyền tải thông điệp về tình yêu nghề của những người làm dịch vụ hàng không đối với hành khách, đặc biệt là các hành khách nhí – thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Đồng thời truyền tải văn hóa dịch vụ nâng tầm, cùng mong muốn “đem lại niềm vui và sự hài lòng trên từng chuyến bay” mà Vietnam Airlines luôn hướng đến.

4. “Về nguồn” theo cách của người Bưu điện

Nghĩa trang liệt sĩ ngành Giao bưu – Thông tin R được xây dựng năm 1985 trên diện tích 1,2ha, làm nơi yên nghỉ cho gần 250 liệt sĩ ngành Giao bưu – Thông tin R. Đây là địa chỉ đỏ, điểm đến giáo dục truyền thống ý nghĩa cho các chuyến về nguồn, tham quan, học tập của các thế hệ ngành Bưu điện. 

Hàng năm, TCT Bưu điện Việt Nam đều tổ chức dâng hương tưởng niệm tại đây. Hoạt động này không chỉ là sự tri ân đối với những anh hùng, liệt sĩ, mà còn là sự tưởng nhớ đối với những người đồng đội, đồng nghiệp đã ngã xuống vì đất nước. Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống nghĩa tình, một trong những giá trị cao đẹp trong 10 chữ vàng truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” của người Bưu điện Việt Nam.

Nghĩa trang liệt sĩ ngành Giao bưu Thông tin R, thuộc nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 Tân Biên, Tây Ninh

5. Cuốn sách vàng “The Honors Techcomers” của Techcombank

Trong quá trình vận hành một doanh nghiệp, việc vinh danh, khen thưởng các cá nhân có nhiều thành tích và đóng góp cho tổ chức sẽ góp phần tạo động lực cũng như gia tăng gắn kết của nhân viên. Đồng thời, cách doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của nhân viên một cách trang trọng và độc đáo cũng giúp làm giàu văn hóa của tổ chức. Cuốn sách vàng “The Honors Techcomers” của Techcombank là một tạo tác văn hóa như thế.

“The Honors Techcomers” với các họa tiết tinh xảo (Nguồn: rgb)

Cuốn sách đặc biệt với thiết kế tinh xảo, tỉ mỉ từ các chất liệu quý như vàng, bạc và đá ruby này được Techcombank sản xuất nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc của “Techcomer”. Ý tưởng tôn vinh các nhân viên xuất sắc đã được Chủ tịch Techcombank nung nấu từ năm 2013, và đến 2015, The Honors Techcomers đã chính thức ra đời. Trong cuốn sách này, các cá nhân xuất sắc sẽ được vinh danh trên từng trang sách riêng, và họ đồng thời cũng nhận được 1 huy chương mạ vàng mang hình cuốn sách thu nhỏ. 

6. Biệt đội mascot của TNG Holdings Vietnam

Biệt đội mascot biểu trưng cho văn hóa của TNG
(Nguồn: TNG Holdings Vietnam)

Repo, Hury, Effi, Unta, Inte là tên của 5 linh vật trong biệt đội mascot của TNG ra mắt vào năm 2020, biểu trưng cho các giá trị làm nên văn hóa của TNG gồm: Trách nhiệm, Tốc độ, Hiệu quả, Thấu hiểu, Chính trực. 

Mỗi linh vật trong bộ mascot đều mang những nét đặc trưng, tính cách riêng, trong đó: Repo mang hình dáng của một cục nam châm thể hiện sự kết nối và thu hút (thu hút cơ hội, đầu tư, thu hút lợi nhuận, gắn kết con người, đoàn kết). Hury mang hình dáng của một viên đạn biểu trưng cho tốc độ và tính chính xác cao. Viên pin năng lượng Effi giúp duy trì năng lượng để đạt hiệu suất cao. Unta với hình ảnh giọt nước tinh khiết, linh hoạt, mang đến sự tươi mới ở những nơi nước đi qua biểu trưng cho sự thấu hiểu. Inte với hình ảnh cái khiên thể hiện sự mạnh mẽ, cứng cáp, can đảm, bảo vệ sự thật, ngay thẳng, chính trực.

Các linh vật này thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động văn hóa nội bộ của TNG như “Nhảy cùng Mascot”, “Sạch đẹp cùng Mascot”, “Mascot Idol”… Qua đó truyền tải văn hóa TNG đến với toàn thể nhân viên. Không chỉ giúp CBNV dễ dàng ghi nhớ, thấu hiểu các giá trị mà TNG theo đuổi, các hoạt động với sự đồng hành của mascot còn trở thành “chất keo” gắn kết người TNG với nhau.

7. “Giải Jackpot” của các cặp đôi Vietlott

Ở Vietlott – công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam – nổi tiếng về một truyền thuyết đặc biệt: Giải Jackpot dành cho cặp đôi Vietlott. Mỗi khi có các sự kiện hay vào các dịp đặc biệt khi có đông đủ các cấp quản lý từ phó phòng trở lên, mọi người sẽ cùng quyên góp tiền vào một chiếc thùng.

Cho đến khi một cặp đôi Vietlott quyết định về cùng một nhà, toàn bộ số tiền trong chiếc thùng sẽ được sử dụng làm quà mừng cưới cho cặp vợ chồng đó như một lời chúc phúc từ các đồng nghiệp. 

“Phong tục” này đã trở thành một nét truyền thống rất độc đáo và rất riêng của Vietlott. Mỗi khi một chiếc thùng Jackpot được “nổ” thì sẽ xuất hiện một chiếc thùng mới. Hoạt động thú vị này không chỉ đơn thuần đem lại niềm vui cho các cặp đôi may mắn của Vietlott, mà còn là một nét văn hoá gắn với thương hiệu Vietlott và thể hiện sự gắn kết, quan tâm của Vietlott đối với đời sống cán bộ nhân viên.   

8. Câu chuyện chiếc xe Lada đỏ & Tinh thần khởi nghiệp của Vingroup

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện về chiếc Lada đỏ lại thường xuyên được nhắc đến trong các cột mốc quan trọng của Tập đoàn Vingroup. 

Chuyện kể về những ngày đầu khởi nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, vào năm 1993, chiếc xe Lada màu đỏ chở ông cùng 3 người bạn khác từ Matxcova chạy về Kharkov (Nga), nơi đặt nền móng cho sự ra đời của Technocom – tiền thân của Vingroup ngày nay. Để rồi 30 năm sau, Vingroup đã thành công sản xuất và đưa thương hiệu ô tô VinFast ra thị trường quốc tế.

Như một tạo tác văn hóa khắc họa rõ nét tinh thần Vingroup, câu chuyện về chuyến xe Lada năm ấy như lời nhắc nhở về triết lý “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” tới toàn thể CBNV để luôn giữ mãi ngọn lửa, ý chí và tinh thần tiến về phía trước của người Vingroup.

Chiếc xe Lada đỏ huyền thoại của VinGroup

9. “Đồng đội” – Cuốn sách về tinh thần FPT

“Đồng đội” là cuốn sách lưu hành nội bộ với 70 mẩu chuyện xúc động về tình đồng đội của người FPT, được kể lại, viết lại từ những câu chuyện có thật của những con người thật tại FPT. Sách ra mắt lần đầu tiên vào năm 2006, và được xem là ấn phẩm chính thống, được FPT dùng song song và bổ trợ cho “Sổ tay nhân viên” trong đào tạo nhân viên mới. 

Sách được cấu trúc thành những mẩu chuyện ngắn, đi kèm với lời bình. Nội dung các câu chuyện đều dễ đọc, dễ hiểu, đủ ngắn gọn để đọc trong vòng dăm ba phút, nhưng vẫn đọng lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Từng câu chuyện soi vào mọi khía cạnh đời sống, văn hoá, phong cách sống và làm việc của người FPT, chia sẻ và khắc họa rõ nét những giá trị văn hóa mà FPT theo đuổi.

Sau khi được phát hành, “Đồng đội” đã được đón nhận từ phía cán bộ nhân viên FPT và được sử dụng, áp dụng rộng rãi trong đời sống văn hóa hàng ngày của công ty. “Đồng đội” cũng là ấn phẩm hiếm hoi được tái bản nhiều lần trong hành chục ấn phẩm nội bộ của FPT. 

Sách “Đồng đội” của FPT (Nguồn: FTEL.FUN)

10. “Lễ tốt nghiệp” ở Blue C

Ở Blue C, mỗi thành viên khi bắt đầu gia nhập công ty sẽ được “trao tặng” một buddy (người bạn đồng hành). Và khi ngừng gắn bó, mỗi người đều có một lễ tốt nghiệp. Bởi Blue C quan niệm, ở đây mọi người chỉ “check out” chứ không “leave”, thế nên không có liên hoan chia tay mà chỉ có “Lễ Tốt nghiệp”. Và bất kỳ ai vào bất cứ lúc nào nếu muốn đều có thể về thăm lại “trường xưa” nơi mình đã từng gắn bó và học hỏi để trưởng thành hơn mỗi ngày.

“Lễ tốt nghiệp” của các thành viên sẽ được tổ chức theo chủ đề, concept khác nhau, cá nhân hóa riêng cho thành viên đó, từ tên chương trình, poster, các trò chơi trong chương trình và quà “tốt nghiệp” dành cho thành viên đó. Quà tốt nghiệp có thể là một triển lãm cá nhân online ghi lại những câu chuyện, hình ảnh, những mốc thời gian đáng nhớ, những đóng góp, những lời chúc dành riêng cho nhân vật chính. Quà cũng có thể là một mini album ảnh nhỏ xinh, một bài hát nhạc chế, một video ngắn về hành trình của nhân vật chính ở Blue C. Quà còn là những nụ cười rạng rỡ, những cái ôm thắm thiết từ các đồng nghiệp ở lại. Và “Lễ tốt nghiệp” cũng đã trở thành là một tạo tác làm nên văn hóa rất riêng của Blue C.

11. Bảo tàng Viettel 

Bảo tàng Viettel được khánh thành vào 2019, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn. Các trang thiết bị công nghệ tại bảo tàng phải kể đến như: video wall, bàn cảm ứng tương tác đa điểm, công nghệ chiếu cong Panorama, công nghệ 3D Hologram… Tại đây, những câu chuyện văn hóa, các giá trị cốt lõi, hành trình đổi mới và phát triển, bảng vàng thành tích… của Viettel được thể hiện sinh động trên các nền tảng số cùng không gian hiện đại của bảo tàng.

Bảo tàng Viettel (Nguồn: tkpro)

12. Bộ sưu tập thời trang Thu – Đông của One Mount 

Dù là một công ty thuần công nghệ, OneMount không khỏi khiến người ta bất ngờ khi cho ra mắt bộ sưu tập Thu – Đông “One Mount LifeWear” với đa dạng mẫu mã và kiểu dáng từ áo thun, áo khoác, túi tote…do nhân viên công ty tự thiết kế và làm mẫu. Bộ sưu tập thời trang của One Mount đã ghi dấu ấn đặc trưng, mới mẻ, năng động và sáng tạo trong môi trường làm việc của công ty.

One Mount LifeWear 2021 (Nguồn: VTC News)

Nghi Phượng (Tổng hợp)

Bài Viết Liên Quan