Tìm kiếm và phát triển đề tài khi viết cho nội bộ

Tìm kiếm và phát triển đề tài khi viết cho nội bộ

Tư duy đề tài là cách khai thác nội dung từ một chủ đề có sẵn. Khai thác như thế nào và làm sao để nội dung luôn đảm bảo tính liên quan, cập nhật mà vẫn mới lạ?

Tìm kiếm đề tài từ đâu?

Trong hoạt động truyền thông nội bộ, viết là kỹ năng quan trọng hàng đầu. Bài viết tốt là nền tảng để công tác truyền thông nội bộ triển khai hiệu quả hơn cũng như phản ánh đúng thực trạng của doanh nghiệp. 

Việc đầu tiên khi viết không phải là đặt bút triển khai từng đoạn, mà trước hết, hãy trả lời ba câu hỏi cho đề tài đó, gồm: 

  • Why – Tại sao phải viết: Cần làm rõ mục đích khi viết là để thông báo về một thông tin, viết để diễn giải một thông điệp, viết để giải thích một chính sách, viết để chia sẻ một quan điểm cá nhân, viết để truyền động lực, viết để gia tăng gắn kết hay viết để tạo ra những góp ý cải tiến.
  • How – Viết như thế nào: Cần phải viết đúng – viết đủ – viết hay.
  • What – Viết gì: Có nhiều thể loại viết, cần lựa chọn xem nội dung bạn viết là viết tin, viết bài, viết diễn văn hay viết post.

Sau đó, hãy lên ý tưởng xem bài viết cần viết theo đề tài gì. Đối với các phóng viên kỳ cựu, họ tìm kiếm đề tài qua nhiều cách. 

Họ có thể làm sẵn một danh mục những vấn đề lớn trong ngành họ theo dõi, họ có danh mục sự kiện xảy ra theo thời gian, chú thích những điểm họ tìm ra – khi có cái gì mới, họ chỉ cần so sánh với cái mình đã biết là tìm ra chủ đề.

Họ cũng thường tìm hiểu nguyên nhân và hướng đi của một sự kiện bằng cách luôn đặt câu hỏi “tại sao” và “thế thì sao”.

Họ không ngừng trao đổi với các chuyên gia của các ngành và quy chiếu với những ngành họ đang theo dõi.

Họ luôn nhìn một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và cố gắng đào sâu một vấn đề tới cao nhất có thể. 

Từ cách làm của phóng viên chuyên nghiệp, đội ngũ truyền thông nội bộ có thể áp dụng trong việc tìm kiếm đề tài để viết. Ngoài ra, bài viết sẽ khó trở nên phong phú nếu thiếu đi những chất liệu có thể dễ dàng tìm thấy qua các nguồn “tài nguyên” sẵn có. Nguồn “tài nguyên” đó có thể từ:

  • Báo chí: Bạn hãy theo dõi các tin bài trên báo chí hàng ngày, đặc biệt là các tin bài liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
  • Các tài liệu, văn bản vừa ban hành (quy định, thông báo, quyết định, biên bản họp…): Những tài liệu này sẽ giúp bạn có được thông tin sớm, chính xác, đầy đủ nhất của doanh nghiệp.
  • Các biên bản hoặc video tường thuật các hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp.
  • Các vấn đề liên quan, tương đồng trên thế giới, ở ngành khác: Doanh nghiệp bạn có một vấn đề cần giải quyết, hãy xem các doanh nghiệp khác trên thế giới đã xử lý vấn đề đó như thế nào.
  • Các kết quả thăm dò ý kiến của công chúng có liên quan đến doanh nghiệp.
  • Các kết quả điều tra, khảo sát nội bộ: Kết quả từ khảo sát như khảo sát độ gắn kết nhân viên có thể giúp bạn có thêm tư liệu viết bài.
  • Các phát ngôn, quan điểm, hành động của người có ảnh hưởng: Chú ý những bài phát biểu của lãnh đạo bạn hoặc bất kỳ ai liên quan về lĩnh vực, ngành nghề, nhân sự tại doanh nghiệp bạn.
  • Mạng xã hội, diễn đàn: Nếu doanh nghiệp bạn có diễn đàn nội bộ hoặc các nhóm trên mạng xã hội, hãy thường xuyên cập nhật những bài chia sẻ từ chính nhân viên, biết đâu bạn lại tìm được ý tưởng hay ho từ những status vu vơ của họ?
  • Các vấn đề thời sự đang diễn ra: Đừng nghĩ rằng những tin tức chính sự không liên quan đến doanh nghiệp. Mọi thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội… hoàn toàn có thể liên hệ với thực trạng của doanh nghiệp bạn.
  • Thông tin giải trí: Phim, sách, ảnh, triển lãm, sự kiện, hoạt động, chương trình đang “hot” và dành nhiều sự quan tâm của công chúng cũng là nơi bạn có thể tìm đến mỗi khi bí ý tưởng viết bài.
  • Các nguồn tin riêng: Hãy “cài cắm” những “chân rết” từ các phòng ban để “nghe ngóng” những tin tức nóng hổi và sẵn sàng cầm giấy bút đi thu thập tư liệu viết bài nhé. Tuy nhiên, dù tin có “hot” đến mấy thì cũng đảm bảo giữ tính bảo mật nếu thông tin đó không dễ dàng được công khai với mọi người nhé. 

Một lưu ý cho bạn, để nguồn ý tưởng của bạn trở nên phong phú, bạn nên sắp xếp lịch trình của mình hàng ngày để đảm bảo không bỏ lỡ các nguồn tin đáng chú ý. 

Khai thác đề tài theo Mindmap

Sau khi có ý tưởng/đề tài, bạn cần phát triển chúng thành các nội dung liên quan. Một phương pháp hiệu quả thường được sử dụng đối với các phóng viên chuyên nghiệp là phát triển Mindmap – Sơ đồ tư duy.

Để phát triển Mindmap, bạn cần: 

  • Xác định từ khoá. Vẽ chủ đề ở trung tâm
  • Vẽ các tiêu đề phụ ở nhánh cấp 1
  • Vẽ các nhánh cấp 2, 3

3 bước đơn giản phát triển Mindmap.

Chẳng hạn như doanh nghiệp bạn dự định sản xuất một ấn phẩm lịch 12 mùa hoa cho mùa Tết tới, đồng thời thể hiện cho 12 giá trị cốt lõi và bạn cần viết bài truyền thông cho ấn phẩm này. Cùng xem bạn có thể phát triển đề tài trên theo mindmap như thế nào qua sơ đồ dưới đây nhé.

Lưu ý khi phát triển Mindmap, hãy nhớ:

  • Viết liên tục: Đừng suy nghĩ quá lâu ở một nhánh
  • Viết tất cả những gì mình nghĩ ra 
  • Mỗi nhánh chỉ gắn với 1 từ khoá

Viết sẽ không khó nếu như bạn viết đúng cách và biết cách mở rộng các ý tưởng đã có. Hướng dẫn từ Blue C trong bài viết này là một phần nội dung trong khóa đào tạo kĩ năng truyền thông nội bộ, cụ thể là kĩ năng Viết. Nếu bạn muốn biết thêm nhiều bí kíp để trở thành một cây bút tài năng trong tổ chức, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn khóa học phù hợp nhé. 

(Theo Bài giảng Truyền thông nội bộ – Blue C)

Bài Viết Liên Quan