Điều gì làm nên một tập thể kiên cường?

Điều gì làm nên một tập thể kiên cường?

Làm thế nào để biết đội ngũ trong doanh nghiệp có “mạnh mẽ” đối chọi với khó khăn? Cùng tìm hiểu điều gì làm nên những con người kiên cường và cách để xây dựng một tập thể kiên cường qua bài phân tích sau.

4 yếu tố làm nên một tập thể “không dễ khuất phục” trước thử thách

Thông qua nghiên cứu và kinh nghiệm huấn luyện nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu, các chuyên gia từ Lee Hecht Harrison – tổ chức hàng đầu thế giới về các giải pháp nguồn nhân lực và Ferrazzi Greenlight – công ty tư vấn và đào tạo đã xác định được bốn đặc điểm quan trọng làm nên một tập thể kiên cường bao gồm: thẳng thắn, hợp tác, thấu hiểu và khiêm tốn.

Bốn đặc điểm quan trọng làm nên một tập thể kiên cường bao gồm: thẳng thắn, hợp tác, thấu hiểu và khiêm tốn.

Thẳng thắn: Nhân viên có thể đối thoại cởi mở, trung thực và phản hồi với nhau không? Một tập thể kiên cường sẽ cùng chia sẻ sự thật để xác định và giải quyết những thách thức mà họ phải đối mặt.

Hợp tác: Khi đối mặt với thách thức, nhân viên có thể cùng nhau xây dựng các giải pháp sáng tạo và hiệu quả không? Một tập thể kiên cường là khi họ có những cá nhân nhanh chóng phục hồi sau thất bại và luôn sẵn sàng chào đón những thử thách mới. Họ dành năng lượng của mình cho các giải pháp và vẫn tập trung vào kết quả bất kể điều kiện bên ngoài.

Thấu hiểu và đồng cảm: Nhân viên có thực sự quan tâm đến nhau và chia sẻ cả thành công và thất bại không? Một tập thể “không phục” trước thách thức là những cá nhân quan tâm thực sự đến nhau. Tập thể đó có dễ dàng phục hồi trước thất bại hay không phụ thuộc vào những cá nhân trong đó có cam kết hợp tác nhóm hay chỉ chăm chăm tìm kiếm sự công nhận hoặc thành công cho riêng mình.

Khiêm tốn: Nhân viên có thể yêu cầu và chấp nhận sự giúp đỡ từ các thành viên khác hay không? Một tập thể chỉ được coi là “kiên cường” khi họ sẵn sàng thừa nhận một vấn đề trở nên khó giải quyết và yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác trong nhóm hoặc trong tổ chức. Họ không giấu giếm thách thức của mình mà sẽ tìm kiếm đến đội, nhóm để cùng đối mặt với thách thức và tìm ra giải pháp.

Điều gì giúp đội ngũ nhân viên kiên cường hơn khi đối diện với khó khăn

Những nhân viên trong tổ chức không thể tự mình nhận thức và gây dựng được khả năng phục hồi nhanh chóng trước thách thức nếu không có sự hỗ trợ từ lãnh đạo, quản lý hay đội ngũ phụ trách công tác nội bộ – bộ phận truyền thông nội bộ, văn hóa doanh nghiệp. Họ sẽ là những người đánh giá trạng thái nhân sự, xác định và sau đó đưa ra các chiến lược giúp các thành viên phá bỏ các rào cản và xây dựng nền tảng của sự tin tưởng, minh bạch và tự nhận thức.

Lãnh đạo, quản lý cũng như bộ phận truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp có thể thực hiện một số phương pháp để thúc đẩy khả năng phục hồi của một tập thể dựa vào những gợi ý từ các chuyên gia như sau:

Tạo cảm giác an toàn để nhân viên thẳng thắn lên tiếng: Sự an toàn về tâm lý – niềm tin rằng bất kỳ thành viên nào có thể nói ra mà không gây hậu quả – là yếu tố quan trọng để tạo ra một đội ngũ kiên cường. Đừng để nhân viên thấy rằng có một vật cản vô hình khiến họ ngập ngừng không dám chia sẻ quan điểm trong phòng họp, lãnh đạo, quản lý hãy tạo ra những khoảnh khắc nghỉ giữa chừng để khuyến khích các thành viên chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ.

Sự an toàn về tâm lý là yếu tố quan trọng để tạo ra một đội ngũ kiên cường.

Chia sẻ câu chuyện: Để thúc đẩy sự tham gia, sự tin tưởng và gắn kết, các nhà lãnh đạo có thể khuyến khích các thành viên vạch ra hành trình của cuộc đời họ, bao gồm cả những điều thăng và trầm, và chia sẻ những điểm nổi bật với những người còn lại. Những câu chuyện dễ nhận được sự đồng cảm, hãy khuyến khích mỗi cá nhân chia sẻ để tạo ra một môi trường nơi lòng nhân ái và sự khiêm tốn được hoan nghênh.

Thành thật lẫn nhau: Để xây dựng lòng tin và sự trung thực, các nhà lãnh đạo phải tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này và khuyến khích mọi người thừa nhận nỗi sợ hãi hoặc thách thức trong mối quan hệ và thông qua các thành viên khác để tìm ra giải pháp.

Thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo: Các nhà lãnh đạo phải thường xuyên chứng minh rằng họ thực sự quan tâm đến tiến độ mà đội ngũ đang đạt được, đặt các câu hỏi thăm dò để hiểu các vấn đề cơ bản.

Không quên lắng nghe: Các nhà lãnh đạo cũng phải lắng nghe cẩn thận câu trả lời mà họ nhận được từ các thành viên trong nhóm. Đây sẽ là lúc họ nhận ra nhân viên của mình đang cần cải thiện khả năng phục hồi như thế nào.

“Đo” độ “nhiệt” của nhân viên: Vào đầu mỗi cuộc họp, hãy yêu cầu mọi người nêu mức năng lượng của họ trên thang điểm từ một (thấp) đến năm (cao). Bài tập đơn giản và nhanh chóng này sẽ nhanh chóng xác định xem có ai đó cần được sự quan tâm đặc biệt, hay đang mệt mỏi, thất vọng về điều gì hay không.

Việc đo “nhiệt” cho nhân viên trước mỗi buổi họp giúp các nhà lãnh đạo dễ dàng nắm bắt tâm lý, trạng thái của nhân viên hơn.

Cuối cùng, khả năng phục hồi của các cá nhân trong một tập thể cũng tương tự như pin. Nó cần được khôi phục và sạc lại thường xuyên. Những lãnh đạo, quản lý cần đưa ra các biện pháp để chuẩn bị sẵn sàng trước bất kỳ khó khăn nào trong suốt đại dịch và những thử thách tiếp theo.

Ngân Sơn

(Lược dịch theo HBR)

Bài Viết Liên Quan