Thực tế ảo: Công nghệ mới mở rộng chân trời sáng tạo của các markerter
Sử dụng hình ảnh, video, infographic, slideshow… – những định dạng thông tin đánh vào thị giác là cách truyền tải thông tin hiệu quả mà bất kỳ ai làm marketing trong thời đại này đều phải sử dụng. Nhưng dù sớm hay muộn, khách hàng cũng sẽ nhàm chán với cách tiếp cận này. Vào đúng thời điểm chúng ta đang cần một luồng gió mới, thực tế ảo nổi lên và mở ra tiềm năng không giới hạn cho visualized marketing.
Xu hướng công nghệ thực tế ảo
Thực tế ảo, hay VR (virtual reality) là công nghệ được nhắc đến rất nhiều trong 2-3 năm gần đây. Về lý thuyết, VR tạo ra một môi trường ảo, không liên quan đến thế giới thực để người dùng “đắm chìm” trong đó, giúp họ trải nghiệm không gian giả tưởng thông qua một thiết bị đeo. Ví dụ: Thực tế ảo sẽ “thả” bạn vào một cánh rừng nguyên sinh cách đây hàng triệu năm, khi khủng long vẫn đang thống trị địa cầu. Bạn sẽ thấy mình chỉ bé bằng ngón chân của những sinh vật vĩ đại ấy, sẽ quan sát được cách chúng di chuyển và săn mồi, hay thậm chí là chơi đùa với chúng. Khung cảnh thời cổ đại chỉ là ảnh ảo được dựng lên từ máy tính, nhưng sự thật đó chẳng ngăn chúng ta ngưng phấn khích về những gì VR có thể làm.
Sử dụng VR, chúng ta có thể “đến” những nơi xa xôi để quyết định có nên tới đó du lịch. Trong ảnh, các khách hàng đang khám phá vùng British Columbia của Canada qua kính VR. (Ảnh minh hoạ)
“Tạo ra trải nghiệm” trong Marketing với VR
Người ta đã nói nhiều về ứng dụng của VR trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nếu cần dùng VR như một công cụ để tiếp thị sản phẩm thì ta phải làm như thế nào? Câu trả lời chỉ xoay quanh 4 chữ: Tạo ra trải nghiệm.
Hãy tưởng tượng bạn đang đi rao bán bất động sản. Theo thường lệ, bạn sẽ đưa catalogue cho khách hàng tham khảo. Sau rất nhiều công chào mời, cuối cùng bạn cũng có thể thuyết phục họ đến tham quan một căn hộ mẫu. Quá trình này vừa mất thời gian vừa đầy rủi ro. “Căn hộ không giống như những gì tôi nghĩ, so với nhu cầu của gia đình thì vẫn chưa thích hợp lắm” – khách hàng nhận xét sau khi bạn và họ đã phải bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để gặp gỡ, di chuyển, bàn bạc… Lỗi không thuộc về ai cả, chỉ đơn giản là những hình chụp trên catalogue không tái hiện được đầy đủ không gian căn hộ.
Nhưng nếu có sự xuất hiện của VR, mọi việc sẽ thay đổi. Không cần phải mất công tới xem nhà mẫu, khách hàng vẫn có thể được chiêm ngưỡng khuôn viên, kiến trúc, nội thất… ngay tại văn phòng công ty môi giới. Họ có thể “đi lại” trong căn phòng ảo hoặc “dịch chuyển”, “thay thế” các món đồ trong phòng theo ý thích cá nhân, để có được hình dung tốt nhất về căn hộ. Không chỉ hữu ích, công nghệ này còn tạo ra trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới, thực sự biến khách hàng thành trung tâm.
Công ty Mayaxis của Ấn Độ giúp khách hàng khám phá căn hộ họ muốn mua thông qua VR (Ảnh minh hoạ)
Những ứng dụng tương tự có thể áp dụng vào việc bán bất kỳ sản phẩm nào khác, tùy thuộc vào trí tưởng tượng của bạn. Ví dụ như chúng ta cũng rất hay dùng storytelling marketing. Nhưng thay vì làm một clip thông thường hay một bộ ảnh để kể chuyện, với VR, bạn có thể mời khách hàng của mình “bước vào” câu chuyện, để họ tự khám phá các nhân vật, du hành qua các địa điểm, trải nghiệm những sự kiện một cách chân thực… Nhiều tờ báo nổi tiếng như New York Times hay Washington Post đã tạo ra các bài báo thực tế ảo để tăng độ tương tác và thấu hiểu của người đọc với tác phẩm.
Thách thức khi ứng dụng VR
Nhiều người có thể nghĩ sử dụng VR là một thách thức lớn, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng sở hữu nền tảng công nghệ cao và không phải khách hàng nào cũng có sẵn kính đeo VR để “đọc” thông tin. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần. Hình ảnh trong VR không phải lúc nào cũng được dựng thuần túy từ máy tính, mà nó nhiều lúc đơn giản chỉ là các cảnh quay 360 độ, cung cấp cho người xem một cái nhìn toàn cảnh. Nếu có kính VR thì đương nhiên trải nghiệm sẽ tốt hơn, nhưng về cơ bản, người dùng chỉ cần smartphone để xem các video dạng này. Với sự xuất hiện của rất nhiều máy quay và phần mềm hỗ trợ dựng clip 360 độ hiện nay, VR là một công nghệ có thể dễ dàng sử dụng. Nếu sẵn sàng thử thách bản thân với những điều mới mẻ, bạn sẽ khám phá ra được vô vàn tiềm năng khác của VR trong lĩnh vực của mình.