Bài học “đắt giá” cho thương hiệu Việt sau thất bại của Bphone
Từ câu chuyện của Bphone, các thương hiệu Việt cần nhớ: Niềm tự hào dân tộc không chỉ thể hiện qua một cụm từ “Made in Vietnam” là đủ!
Thời gian gần đây nổi lên nhiều quan điểm và tranh luận gay gắt cho rằng, người tiêu dùng Việt đang quay lưng lại với thương hiệu Việt bởi suy nghĩ “người Việt không làm nổi một con ốc”. Tư tưởng “sính ngoại” khiến người Việt từ chối những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, khiến cho rất nhiều cái tên đã xuất hiện chớp nhoáng rồi lại đi vào dĩ vãng như Mobiistar, Q-Mobile, HKBike,… mà nổi bật nhất là “cái chết” của Bphone. Tuy nhiên, đây là một quan điểm không hề đúng mà ngược lại, chính thương hiệu Việt đã sai khi chưa biết cách “lấy lòng” những khách hàng khó tính của mình.
Còn nhớ tháng 5/2015, giới công nghệ và lập trình viên Việt Nam đã sôi sục đón chờ ngày ra mắt chính thức Bphone, chiếc điện thoại được coi là “siêu phẩm” của người Việt. Các cụm từ ưu ái dành cho sản phẩm này như “nhất thế giới” hay “không thể tin nổi” lan tỏa mạnh mẽ trên cộng đồng mạng, thậm chí trở thành một trào lưu lúc đó. Khi ra mắt, BKAV định giá Bphone tới 10 triệu đồng, xếp vào phân khúc smartphone cao cấp, ngang ngửa các dòng điện thoại của Apple hay Samsung. Thế nhưng, sau nửa năm, Bphone gần như “chìm nghỉm” trong làng truyền thông thay vì đưa cộng đồng đạt tới những kì vọng trước đó.
Vậy, Bphone đã làm sai từ đâu?
Thứ nhất, Bphone đã phạm phải một sai lầm rất lớn trong việc định giá sản phẩm. Một sản phẩm Việt với mức giá “trên trời” đã khiến người Việt e ngại khi chọn mua Bphone, dẫn tới doanh số ế ẩm và Bphone dần mất hút trên thị trường di động Việt Nam.
Khi Bphone mới ra mắt, ông Trần Chiến Bình, CEO Teamwork PR chia sẻ: “Tôi chấm ở mức 7 điểm. Hiện giờ chỉ có những người chấm ở mức 10 điểm mới muốn mua chiếc Bphone này còn tôi thì chưa, bởi vì giá của nó còn quá cao”.
Thứ hai, truyền thông và quảng cáo “quá đà” là một nguyên nhân khác dẫn đến thất bại của Bphone. Khi giới thiệu về sản phẩm, BKAV tự so sánh Bphone với các dòng điện thoại cao cấp trên thế giới. Chính điều này đã đẩy kì vọng của người tiêu dùng lên cao để khi thực sự trải nghiệm thì hoàn toàn thất vọng. Một sự so sánh khập khiễng, không “biết mình biết ta”, kết hợp với giá thành cao chính là cách BKAV tự đưa mình vào con đường thất bại. Bằng chứng là, chỉ sau một năm, khi được bán ở các cửa hàng bán lẻ, mẫu điện thoại BPhone đã “rơi” từ phân khúc giá bán cao cấp thành một sản phẩm bình dân, thậm chí là rớt giá “thê thảm”.
Bphone, chiếc điện thoại được quảng cáo là “siêu phẩm” của người Việt, ngang ngửa với các dòng điện thoại cao cấp của Apple và Samsung. Thế nhưng, khi Bphone có mặt tại các hệ thống bán lẻ, người dùng có thể trực tiếp sử dụng, trải nghiệm rồi mới quyết định mua hay không, điều này đã phần nào khiến cho doanh số Bphone giảm xuống, cộng với những phản hồi của người tiêu dùng về nền tảng BOS của máy chưa được hoàn thiện. (Ảnh minh họa)
Thứ ba, mặc dù đưa niềm tự hào dân tộc trong chiến lược kinh doanh của mình, BKAV vẫn không thể vớt vát được bởi vì ngay từ bước đi đầu tiên, việc định giá sản phẩm không tương xứng với chất lượng. Đồng thời, so sánh với các dòng điện thoại cao cấp khác cùng mức giá khiến Bphone thực sự trở nên yếu thế. Niềm tin của khách hàng phải được khẳng định qua chất lượng sản phẩm chứ không phải chỉ bằng một câu nói PR: “Bphone sẽ là chiếc điện thoại đẹp nhất nhì thế giới”.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Lê khẳng định: “Tôi là người ủng hộ giá trị Việt, nhưng sản phẩm phải tốt, chất lượng tương đương với sản phẩm ngoại, chứ không hy sinh chất lượng chỉ vì ý nghĩa ủng hộ hàng nội. Đừng viện cớ “yêu nước” hay “ủng hộ hàng nội địa” mà thoả hiệp với chất lượng. Đó không phải con đường phát triển”.
Câu chuyện của Bphone chỉ là một minh chứng tiêu biểu nhất trong hàng loạt các thương hiệu Việt không được người tiêu dùng ủng hộ. Đây cũng là bài học đáng nhớ về việc phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp Việt và sự trung thực khi làm marketing và truyền thông.
Tuy nhiên, dù thất bại, các doanh nghiệp Việt cũng không nên mất lòng tin và đổ lỗi cho khách hàng. “Cú lội ngược dòng” của Biti’s là ví dụ rõ ràng nhất của một doanh nghiệp Việt biết lắng nghe người tiêu dùng. Sau nhiều năm vắng bóng, Biti’s đã quay trở lại với dòng sản phẩm Biti’s Hunter với mẫu mã đơn giản, phù hợp với giới trẻ, lựa chọn KOLs chính xác, lại không quá đắt khi đem so sánh giá với những thương hiệu giày nổi tiếng như Nike hay Adidas. Khác với Bphone, Biti’s là thương hiệu Việt “biết mình là ai” nên đã thành công với chiến dịch quay trở lại gần đây.