Thiết chế văn hóa: Từ làng đến doanh nghiệp

Thiết chế văn hóa: Từ làng đến doanh nghiệp

Có nhiều nguyên nhân khiến văn hóa doanh nghiệp tồn tại, từ sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo, đến sự hứng thú, hưởng ứng của CBCNV. Nhưng như vậy liệu đã đủ để duy trì văn hóa doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định?

Xét về góc độ văn hóa, mỗi nét văn hóa riêng chỉ có thể tồn tại được nếu có môi trường gìn giữ và phát triển nó. Tiêu biểu nhất chính là văn hóa dân tộc Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng bản tính của dân tộc Việt được gìn giữ qua hàng nghìn năm qua nhờ những lũy tre làng, mà ở trong đó, văn hóa làng được nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác, rất ít bị văn hóa ngoại lai làm ảnh hưởng. Nhưng đó mới là điều kiện cần. Văn hóa làng cũng như văn hóa bất cứ một tổ chức nào khác phải có hệ thống vật chất và các điều kiện khác mới có thể tồn tại được.

Nếu coi doanh nghiệp như một làng Việt xưa, ngoài các yếu tố về văn hóa được xác định như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, các mối quan hệ bên trong và bên ngoài, doanh nghiệp cần có một Thiết chế văn hóa. Đó là những yếu tố đủ để duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp, bao gồm: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, hệ thống biện pháp hoạt động và kinh phí hoạt động cho tổ chức đó.

1. Cơ sở vật chất

Ở làng Việt, các cơ sở vật chất hình thành văn hóa là đình làng, chùa, gốc đa, giếng làng, bến sông… Đối với doanh nghiệp, các yếu tố về cơ sở vật chất sẽ là phòng họp, phòng sinh hoạt chung, hội trường, phòng ăn, phòng gym… Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng những cơ sở vật chất để lưu giữ, trưng bày lịch sử và văn hóa, như bảo tàng, nhà truyền thống, phòng trưng bày, hoặc đơn giản là không gian treo tranh ảnh, tủ bày các huân huy chương hoặc các loại cup, giải thưởng…

Góc căng tin “làng” VP Bank (Ảnh: fanpage VP Bank)

 

Năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho khai trương Nhà truyền thống Điện lực Việt Nam. Đây là nơi bảo tồn và quảng bá các giá trị truyền thống xuyên suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển ngành điện… (Ảnh: EVN)

Ở văn hóa làng Việt còn có các cơ sở văn hóa phi vật thể như thơ, ca, hò vè, nghi lễ, ca dao tục ngữ được truyền miệng từ đời này qua đời khác… còn doanh nghiệp hiện nay đã có hệ thống các phương tiện truyền thông nội bộ để truyền tải văn hóa như: nội san, newsletter, trang tin nội bộ, hệ thống bảng tin, potser tuyên truyền… hoặc các thư viện online lưu trữ văn bản, kỷ yếu, ảnh, video…

Việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất càng đầy đủ bao nhiêu thì việc tiếp cận văn hóa doanh nghiệp đối với CBCNV càng dễ dàng và nhanh bấy nhiêu.

Trang tin nội bộ được coi là Cơ sở vật chất để truyền tải văn hóa doanh nghiệp (Ảnh: Tinh Vân)

2. Bộ máy tổ chức

Bộ máy tổ chức đặc biệt là bộ máy chuyên trách sẽ giúp doanh nghiệp phát huy được văn hóa của mình, Nếu trong làng cần một vị “Tiên chỉ” đảm nhận công tác phát triển văn hóa thì ở doanh nghiệp cần một “leader” có am hiểu về truyền thông nội bộ, về văn hóa doanh nghiệp để xây dựng một bộ quy trình chuẩn cho các hoạt động nội bộ, góp phần truyền thông văn hóa của doanh nghiệp.

Tùy quy mô doanh nghiệp mà quy mô của bộ máy tổ chức văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Ngoài hệ thống nhân sự chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, đội ngũ cán bộ “chân rết” ở các đơn vị, bộ phận sẽ tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Nếu như trong bộ máy tổ chức của làng Việt sẽ có hương ước, lệ làng, luật tục thì trong doanh nghiệp cũng cần phải có những quy trình và quy chuẩn rõ ràng giúp hoạt động nội bộ của doanh nghiệp được hiệu quả.

Ví dụ ở một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có bộ phận phụ trách văn hóa doanh nghiệp như Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Ban Văn hóa Đoàn thể, Bộ phần Phát triển Văn hóa doanh nghiệp hay Phòng Truyền thông nội bộ. Mỗi đơn vị cần xây dựng sổ tay hoặc những biên bản quy định dành riêng cho doanh nghiệp để bất cứ CBCNV nào dù mới hay cũ cũng nắm được và thực hiện theo đúng quy định. Hệ thống quy chuẩn bao gồm các quy định về thời gian, trang phục khi đi làm, về quan hệ với khách hàng, với các cơ quan, tổ chức bên ngoài, quy định giao tiếp trong nội bộ…

3. Hệ thống biện pháp hoạt động

Mỗi doanh nghiệp thường sẽ có hướng dẫn cụ thể về các hoạt động văn hóa của doanh nghiệp. Các hoạt động chia ra là hoạt động thường niên cố định như ngày thành lập công ty, lễ tổng kết năm, dịp nghỉ mát, du lịch, hoạt động trong ngày dành cho gia đình, phụ nữ, trẻ em là con CBNV, và những hoạt động bất thường như khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích, thăm hỏi CBNV và gia đình, các hoạt động xã hội khác…

Hoạt động nhân các ngày lễ định kỳ trong năm là một trong những biện pháp hoạt động giúp duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp (Ảnh: TTG Holding)

Cách xây dựng biện pháp hoạt động trong doanh nghiệp cũng giống như cách thức hoạt động ở làng bao gồm những hoạt động định kỳ như Hội làng, lễ tế Thành hoàng,lễ chùa… và những hoạt động bất thường nhự lễ hiếu, hỷ, họp làng đột xuất…

4. Kinh phí

Làm gì cũng phải có tiền. Doanh nghiệp muốn gìn giữ và phát huy văn hóa cần phải đầu tư. Trước mắt là đầu tư ban đầu cho cơ sở vật chất, cho các kênh văn hóa và truyền thông nội bộ, sau đó là cho hệ thống, nhân sự và phần lớn là cho các hoạt động định kỳ.

Trong làng Việt xưa, kinh phí hoạt động trong làng sẽ do nhân dân đóng góp theo hộ hoặc theo suất đinh, các gia đình có chức sắc khoa bảng đóng góp… còn đối với các doanh nghiệp, kinh phí này sẽ được phân bổ theo kế hoạch và quy chế của từng doanh nghiệp.

Tóm lại, nếu đảm bảo đủ hệ thống thiết chế nói trên, các doanh nghiệp đã thể hiện văn hóa doanh nghiệp khá nổi bật và đặc sắc. Còn nếu các thiết chế văn hóa đã đủ mà lãnh đạo, nhân viên, thậm chí khách hàng, công chúng vẫn nhận xét “doanh nghiệp chưa thể hiện chút bản sắc văn hóa nào” thì lúc đó cần xem lại cách làm, từ tổ chức, nhân sự, các biện pháp hoạt động, vai trò của lãnh đạo, tính chất công việc… thậm chí, doanh nghiệp có thể cần định hình lại văn hóa của mình cũng như xây dựng chiến lược phát triển văn hóa khác cho phù hợp.

Lê Tiên Long

Bài Viết Liên Quan