Từ Ma Sói đến… truyền thông nội bộ: Săn lùng “sói ẩn mình” trong mỗi doanh nghiệp
Không chỉ là một trò chơi mang tính tập thể đơn thuần, Ma Sói còn mang theo những bài học mà chủ doanh nghiệp hay người làm truyền thông nội bộ (TTNB) nên ghi nhớ, đặc biệt nhằm phát hiện chân dung những “Sói ẩn mình” đang ngày đêm phá hoại nội bộ…
Là tên gọi của một trò chơi theo nhóm ra đời lần đầu tiên vào những năm 1990, Ma Sói nhanh chóng trở nên phổ biến trong cộng đồng trên toàn thế giới không chỉ bởi tính giải trí, mà còn nằm ở những câu chuyện đi kèm. Với luật chơi đơn giản, xuyên suốt theo diễn biến thời gian ngày – đêm, người chơi sẽ lần lượt bốc thăm ngẫu nhiên và chia thành 2 phe gồm sói và dân làng có chức năng khác nhau nhưng hướng đến mục tiêu chung: Tiêu diệt phe còn lại.
SÓI ẨN MÌNH – NHỮNG KẺ “HAI MẶT” TRONG TẬP THỂ
Thách thức và cũng là điểm hấp dẫn nhất trong Ma Sói nằm ở việc phe sói ngoài việc được biết “đồng đội” của mình là ai, chúng còn có thể đóng giả dân làng để vừa che giấu thân phận, vừa tung thông tin đánh lạc hướng và chia rẽ nội bộ loài người. Tùy theo khả năng suy đoán và phối hợp của các thành viên hai phe, trò chơi sẽ đưa chúng ta đến những kịch bản không lần nào giống lần nào.
Săn lùng “Ma Sói” cũng khó khăn như công cuộc truy tìm những “kẻ hai mặt” đang âm thầm phá hoại nội bộ ở bất kì doanh nghiệp nào
Khi mang trò chơi này so sánh với bất cứ mô hình tập thể nào ngoài đời thực, chúng ta có thể sẽ giật mình nhận ra Ma Sói không còn là hoạt động giải trí [link] đơn thuần. Trên thực tế tại các doanh nghiệp, việc tồn tại những thành viên sắm vai “ma sói” không phải là điều quá hiếm gặp. Họ có thể là bất cứ ai, từ một nhân viên bình thường cho đến những người ở vị trí quản lý, hay thậm chí là cả cấp lãnh đạo. Vì mục đích cá nhân, vì sự bất mãn nào đó hoặc bắt nguồn từ quan điểm trái chiều với doanh nghiệp, họ biến mình trở thành những nhân tố tiêu cực, “ẩn mình” để lặng lẽ phá hoại nội bộ và chia rẽ tập thể bằng nhiều cách khác nhau.
BÀI HỌC SỐ 1: KHÔNG CÓ SÓI ẨN MÌNH NÀO VÔ HẠI
Bất cứ kẻ ẩn mình nào cũng đều nuôi dưỡng những mục đích riêng, tương tự như bầy sói. Không chỉ muốn “hại” người khác hay làm ảnh hưởng đến tập thể [link] vì lợi ích của mình mà họ còn luôn tìm cách gây hỗn loạn bằng nhiều “chiêu trò”. Đơn giản thì nói xấu, đồn đoán, đưa thông tin sai sự thật hay “tâng công đổ lỗi”… nghiêm trọng hơn, “sói ẩn mình” còn phá hoại tài sản chung, tư lợi trang thiết bị hay gây kích động tiêu cực. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn từ sớm, những nhân tố “độc hại” này sẽ khiến rạn nứt niềm tin [link] ngày càng lan rộng trong tập thể. Không một tổ chức nào phát triển được trong môi trường nhân sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Và cuối cùng, hoạt động rời rạc thậm chí tan rã sẽ là cái kết chờ sẵn những doanh nghiệp này.
BÀI HỌC SỐ 2: ĐỪNG ĐỂ “SÓI ĐẾN… ĐẦU GIƯỜNG MỚI CHẠY”
Bài học này không chỉ đúng trong các hoạt động cạnh tranh với đối thủ trên thị trường mà hoàn toàn có thể áp dụng chính xác ngay cả với chiến lược TTNB của mọi doanh nghiệp. Thay vì đợi đến khi tập thể rơi vào khủng hoảng mà ai cũng có thể nhìn thấy, chủ doanh nghiệp và những người làm TTNB cần có tầm nhìn dài hạn và chủ động từ sớm để liên tục quan sát, phát hiện bất kì vấn đề nào dù nhỏ nhất xảy ra trong nội bộ. Loại bỏ triệt để các nhân tố tiêu cực là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả TTNB, tránh việc “đổ nước vào một chiếc thùng rò”.
Trên thực tế, việc phát hiện từ sớm các nhân tố “độc hại” như vậy lại không hề đơn giản, nhất là đối với những doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TTNB hay quy mô nhân sự lớn và phức tạp. Lúc này, việc tiến hành kiểm toán chất lượng TTNB cũng như khảo sát mức độ trung thành của nhân viên là vô cùng cần thiết. Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp khó khăn và chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy cân nhắc sử dụng C Wake và C Mirror, 2 sản phẩm đầu tiên trong bộ sản phẩm TTNB mang tên IC Discovery do Blue C nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi tin rằng, đây là phương pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất để bạn có được tầm nhìn rõ ràng về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp cũng như hiểu rõ hơn các vấn đề tiềm ẩn trong nội bộ của mình để đưa ra được những giải pháp kịp thời hay chiến lược TTNB hiệu quả.