Mở rộng hợp tác: Tư duy cần thiết khi chuyển đổi số
Mở rộng hợp tác không chỉ là việc khuyến khích sự hỗ trợ giữa những phòng ban trong nội bộ để chia sẻ dữ liệu, ý tưởng, nguồn lực mà còn là cách thức mở rộng, liên kết với các đối tác bên ngoài doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh không giới hạn. Tư duy mở rộng hợp tác có thể mang lại những kết quả rõ nét như thế nào, hãy cùng Blue C tìm hiểu các case study điển hình đã được nhắc đến trong Báo cáo về Văn hóa số năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
LANXESS: Chia sẻ tri thức nội bộ từ cộng đồng nhân viên quan tâm đến công nghệ
LANXESS là công ty hoá chất toàn cầu có trụ sở tại Đức, chuyên sản xuất các sản phẩm hoá chất cao cấp. LANXESS khởi động quá trình chuyển đổi số từ năm 2018 với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
Điểm nổi bật trong hành trình chuyển đổi số của LANXESS là việc thành lập nhóm nội bộ có tên gọi “Digital Driver Community”. Đây là nhóm tập hợp các nhân viên có niềm đam mê và quan tâm đến công nghệ hoặc muốn học hỏi và khám phá các ứng dụng kỹ thuật mới. Khi tham gia nhóm, các thành viên sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông qua các khoá đào tạo, hội thảo và sự kiện. “Digital Driver Community” không chỉ là nơi để các nhân viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng về công nghệ mà còn là nơi nhân viên được chia sẻ các kinh nghiệm, ý tưởng và các thách thức về công nghệ thông qua các kênh truyền thông nội bộ của công ty. Bằng cách này, LANXESS đã tạo ra một môi trường làm việc tích cực, thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi số.
LANXESS cũng khuyến khích các nhân viên có tư duy sáng tạo, dám thử nghiệm những ý tưởng mới và không sợ thất bại trong việc áp dụng công nghệ vào công việc. Bên cạnh đó, LANXESS còn tạo ra một môi trường làm việc đa văn hoá, đa ngành để các nhân viên có thể học hỏi từ nhau và cùng nhau phát triển. Không những vậy, bằng cách kể những câu chuyện về những nhân viên đã thành công trong việc sử dụng công nghệ trên các kênh nội bộ, LANXESS đã tăng cường tính tinh thần cạnh tranh lành mạnh và động viên các nhân viên chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Có thể nói rằng “Digital Driven Community” đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của LANXESS. Thông qua “Digital Driven Community”, LANXESS đã chứng minh rằng chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng các công nghệ mới mà còn là việc thay đổi văn hoá, tư duy và hành vi của đội ngũ nhân viên. Hơn thế nữa, việc thành lập nhóm này còn góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ nhân viên trong việc chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp để giúp LANXESS tiến xa hơn trong công cuộc phát triển bền vững.
Tech Mahindra: Hợp tác để đạt được những thành tựu đột phá
Hoạt động toàn cầu tại hơn 90 quốc gia, Tech Mahindra không chỉ mang lại giá trị cho khách hàng trong các lĩnh vực viễn thông, sản xuất, y tế và giáo dục mà còn đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội. Makers Lab đã ra đời năm 2017 từ tầm nhìn đó, mở ra những sáng tạo từ sự kết hợp giữa Tech Mahindra, khách hàng, các trường đại học và cơ quan chính phủ. Makers Lab nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), robot và công nghệ lượng tử, hướng đến việc trở thành không gian cho phép các nhà sáng tạo tự do thử nghiệm các ý tưởng mới, tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính đột phá.
Tech Mahindra đã xây dựng một tầm nhìn rõ ràng và chiến lược chuyển đổi số cho toàn bộ tổ chức, truyền đạt nó đến các nhân viên một cách hiệu quả và thuyết phục. Tech Mahindra đã xác định bốn trụ cột chính cho chiến lược chuyển đổi số của mình, đó là: Vận hành hiệu quả (Run Better), Thay đổi nhanh chóng (Change Faster), Phát triển mạnh mẽ (Grow Greater), và Biến đổi Tương lai (Transform Future).
Trong suốt 6 năm hoạt động, Makers Lab giúp Tech Mahindra dự báo được xu hướng và nhu cầu của khách hàng trong tương lai. Đồng thời, Makers Lab cũng là cầu nối giữa Tech Mahindra và các đối tác chiến lược, như Google Cloud, Microsoft, hay Amazon Web Services. Thông qua Makers Lab, Tech Mahindra đã gặt hái được một số dự án thành công như:
- Makers Lab đã hợp tác với cố vấn khoa học chính của chính phủ Ấn Độ để xây dựng các giải pháp tiên tiến cho nông nghiệp. Một trong những giải pháp đáng chú ý đó là “Kisan Mitra”, một ứng dụng AI giúp nông dân theo dõi và quản lý mùa vụ, dự báo thời tiết, và kết nối với các chuyên gia nông nghiệp.
- Makers Lab đã phát triển BHAML (Bharat Markup Language), một nền tảng mã nguồn mở cho phép viết mã HTML bằng 12 ngôn ngữ Ấn Độ. Mục tiêu của BHAML là làm cho công nghệ trở nên dễ tiếp cận hơn bằng cách cho phép một lượng lớn trẻ em ở vùng nông thôn và thành thị Ấn Độ có thể viết mã và học tập.
- Với sự ra đời của robot giao hàng tự động “Robo-D”, Makers Lab đã tạo ra một phương thức giao hàng an toàn và hiệu quả, cho phép robot vận chuyển hàng hóa trên mọi loại địa hình. Được trang bị cảm biến và camera, Robo-D có khả năng phát hiện và tránh chướng ngại vật, đồng thời nhận diện khuôn mặt và giọng nói của khách hàng.
Accenture và Salesforce: Sự hợp tác tạo ra giải pháp chuyển đổi số bền vững
Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà còn là những sáng kiến hướng đến sự bền vững. Đó là bài học quý giá mà Accenture và Salesforce, hai đối tác hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số đã chia sẻ. Thách thức lớn nhất mà Accenture và Salesforce nhận thấy đó chính là: “Làm thế nào để doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm và thích ứng với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong thế kỷ 21?”.
Hai công ty đã nhận ra rằng, để giải quyết được thách thức này, họ cần có một giải pháp tích hợp bền vững vào toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp, từ Front Office đến Back Office. Kết hợp mạnh mẽ giữa “Dịch vụ bền vững (Sustainability Services)” từ Accenture, “Điện toán đám mây bền vững (Sustainability Cloud)” từ Salesforce, họ đã tạo ra “Điện toán đám mây bền vững và Dịch vụ bền vững (Sustainability Cloud and Sustainability Services)” . Giải pháp này cung cấp cho lãnh đạo một cái nhìn toàn diện và chính xác về dữ liệu ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của công ty. Điều này cho phép các doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh của mình.
Accenture và Salesforce là hình mẫu điển hình về cách hai doanh nghiệp có thể hợp tác để tạo ra giải pháp chuyển đổi số bền vững. Thông qua việc kết hợp dịch vụ và công nghệ, họ không chỉ thay đổi cách doanh nghiệp giải quyết tác động môi trường mà còn thúc đẩy tư duy bền vững và đổi mới trong toàn ngành công nghiệp.
Sao Mai