7 kiểu video CEO mà nhân viên muốn xem
Video CEO đang có xu hướng được sử dụng nhiều trong doanh nghiệp như một công cụ để giao tiếp hiệu quả hơn nhân viên. Vậy bạn đã biết cách để nâng cấp video CEO để chúng trở nên “xịn” và được nhiều “like” từ nhân viên hơn chưa?
1. Một phút cập nhật thông tin
Một video dài 5 – 10 phút sẽ dễ khiến nhân viên thấy “ngán” khi xem. Vậy tại sao không thử rút ngắn lại nội dung trong video một phút?
Trong một phút, bạn hoàn toàn có thể co lại những nội dung “lõi” muốn truyền đạt tới nhân viên bằng cách chọn lọc những ý chính nhất và sử dụng nhiều hình ảnh, infographic để minh họa. Hình thức này sẽ phù hợp để bạn trình chiếu trong một sự kiện nội bộ. Hãy để lãnh đạo nêu lên những quan điểm của mình về một vấn đề đang diễn ra hoặc cảm nghĩ về sự kiện.
2. Livestream với nhân viên
Khi Walmart tổ chức một buổi họp toàn công ty, Doug McMillon – CEO của hãng bán lẻ này đã tìm đến một khuôn viên đủ sức chứa toàn bộ nhân viên thuộc khu vực Fayetteville, Arkansas. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số hơn 2.3 triệu nhân viên đang làm việc cho Walmart toàn cầu.
Vì vậy, Millon đã chọn cách livestream trên Facebook để kết nối với nhiều nhân viên của mình hơn. Cách làm tương tự cũng được một số CEO áp dụng, có thể kể đến như John Legere – CEO của T-Mobile, Mark Zuckerberg của Facebook. Đây là kiểu video giúp hình ảnh CEO trở nên gần gũi hơn và nhân viên có thêm cơ hội tương tác, đặt câu hỏi cho lãnh đạo.
3. Để lãnh đạo trở thành phóng viên
Beth Comstock – cựu chủ tịch của GE – đã đích thân phỏng vấn Lorraine Bolsinger – Phó chủ tịch của hãng này về một chủ đề liên quan đến nữ quyền và đào tạo trong nội bộ. Thay vì để nhân viên làm người phỏng vấn, đội ngũ truyền thông tại GE cho rằng việc để lãnh đạo đóng vai phóng viên sẽ giúp những cuộc phỏng vấn đa chiều hơn, các quan điểm đưa ra sẽ cởi mở hơn do thu hẹp khoảng cách giữa cấp trên – cấp dưới.
4. CEO thử làm công việc mới
Nếu để nhân viên chứng kiến sếp của họ làm thử một công việc bạn thường ngày vẫn làm, bạn sẽ thấy thế nào? Tại doanh nghiệp gồm chuỗi 7 bệnh viện Hamilton, vị CEO Rob Maclsaac đã trở thành nhân vật chính trong series video đăng trên Vimeo “Dạy Rob công việc của bạn”. Theo đó, mỗi video trong series này Rob sẽ thử học một kỹ năng hoặc một kiến thức y tế từ chính cấp dưới của mình, từ vật lý trị liệu đến những kiến thức liên quan đến huyết học.
Với hình thức video như vậy, chắn chắn CEO của doanh nghiệp bạn sẽ “ăn điểm” với nhân viên nhờ sự gần gũi, quan tâm tới đời sống, công việc của cấp dưới.
5. Để CEO làm người dẫn chuyện
Một cách khác để video CEO truyền cảm hứng hơn đó là để chính CEO làm người dẫn chuyện. Bạn có thể tạo video mà trong đó vừa lồng ghép những hình ảnh, tin tức về tổ chức, vừa để chính CEO giới thiệu. Chắc chắn họ sẽ là người hiểu nhất về những thông tin này và có những cảm xúc riêng dưới vai trò là người dẫn dắt tổ chức.
Hãy thử xem cách mà CARE – một tổ chức nhân đạo làm video tổng kết cuối năm thú vị ra sao qua giọng dẫn của CEO Michelle Nunn trong video sau:
6. Video chế vui nhộn
Những video chế từ MV ca nhạc, bộ phim nổi tiếng thường dễ thu hút được sự thích thú từ nhân viên. Họ thích vui và muốn thấy được những khía cạnh giải trí từ lãnh đạo cấp cao. Bạn có thể học hỏi cách mà FPT dàn dựng một video có sự góp mặt của hầu hết lãnh đạo của Tập đoàn để truyền thông cho chiến dịch lớn trong năm 2019. Những câu nói hài hước của họ được đội ngũ quay dựng khéo léo lồng ghép những đoạn video chế hoặc bài hát liên quan để thêm phần vui nhộn.
Còn bạn, bạn cũng thích sếp trở thành những diễn viên, ca sĩ, hoạt náo viên thú vị như vậy chứ?
7. Video quay trên phông nền xanh
Bạn đã biết về video quay trên phông nền xanh chưa? Đó là kĩ thuật Green Screen Keying mà tại đó, người được quay sẽ chỉ cần đứng trên một phông nền, sau đó đội ngũ chỉnh sửa sẽ hậu kỳ để lồng những hiệu ứng đặc biệt vào. Kỹ thuật này áp dụng rất nhiều trong các bộ phim kỹ xảo, nhưng đã bao giờ bạn nghĩ mình cũng nên thử cho video của CEO chưa?
Thay vì để CEO ngồi trên một chiếc ghế và nói không ngừng với phông nền nhàm chán, bạn hoàn toàn có thể sử dụng phông nền xanh để tạo nên hiệu ứng minh họa. Việc này sẽ đem lại cảm giác mới mẻ hơn cho nhân viên khi xem, và có thể sẽ để lại ấn tượng lâu hơn nếu như hiệu ứng được đầu tư bài bản nữa.
Kim Oanh
(Theo Kollective)