2 “điểm đen” trong content khiến khách hàng quay lưng với bạn
Nói những điều đối tượng không muốn nghe và quá chú trọng tới bán hàng là hai điểm yếu “chết người” khiến khách hàng “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Theo một nghiên cứu của CMI 2017 B2B, chỉ có 1/3 chiến lược content marketing của các content marketer thực sự đạt hiệu quả. Lý do vì sao ư? Hãy tham khảo về hai “điểm đen” trong content bạn cần lưu ý sau đây để xem bạn có vô tình mắc phải lỗi nào không và tìm cách khắc phục nhé!
1. Nói những cái bạn muốn nói, không phải thứ khách hàng muốn nghe
Nếu mục đích của bạn khi tạo ra một content là cung cấp các giá trị của sản phẩm để xây dựng mối quan hệ với khách hàng, thì bạn cần đặt trọng tâm content vào khách hàng để đạt hiệu quả cao nhất. Thật khó để kháng cự sự “cám dỗ” nói thật nhiều về thương hiệu của mình, “khoe” những điểm mạnh mà mình có, nhưng những thứ đó có thật sự quan trọng với khách hàng không? Thực tế, khách hàng quan tâm hơn về lợi ích cốt lõi mà sản phẩm của bạn mang lại cho họ.
Minh họa cho việc càng “ba hoa” nhiều về thương hiệu, sản phẩm của bạn, bạn càng đi xa khỏi nhu cầu của khách hàng
Thậm chí, cho dù bạn có sử dụng đủ loại hình thức đánh vào visual để khiến content hấp dẫn hơn như infographics, ảnh thiết kế hay video content,… nhưng nếu nội dung không nằm trong sự quan tâm của khách hàng thì đó chỉ là những nội dung vô nghĩa. Lượng khách hàng phản hồi với content của bạn ngày càng ít đi, đặc biệt, trong một số trường hợp, chúng còn khiến quan hệ giữa bạn và khách hàng rạn nứt.
Một ví dụ về website đang làm khá tốt việc cân bằng giữa thương hiệu và nhu cầu khách hàng là Viettel. Viettel chia phần thương hiệu và sản phẩm thành hai website khác nhau là: http://viettel.com.vn/ và https://www.vietteltelecom.vn/. Với các khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về thương hiệu, trên website thương hiệu của Viettel cung cấp hoàn toàn đầy đủ thông tin cũng như các tin tức cập nhật hàng ngày. Trong khi đó, với website sản phẩm, Viettel hoàn toàn chỉ chú trọng giới thiệu các gói cước, dịch vụ của mình và các ưu đãi theo thời gian cụ thể. Ngoài ra, website sản phẩm của Viettel có các tính năng khá chuyên biệt, hỗ trợ tương tác rất tốt với người dùng như tư vấn trực tuyến, tìm kiếm, liên kết các microsite, tra cứu thông tin thuê bao, cửa hàng hay thanh toán cước trực tuyến.
Với website sản phẩm, Viettel hoàn toàn chỉ chú trọng giới thiệu các gói cước, dịch vụ Internet, Truyền hình hay Combo và các ưu đãi theo thời gian cụ thể
Vậy làm thế nào để khắc phục khi bạn đang mắc phải lỗi trên? Để khách hàng và bạn không phải ca bài “Chúng ta không thuộc về nhau”, hãy review lại một lượt các content của bạn và tìm hiểu xem khách hàng muốn gì. Hãy chắc chắn rằng content của bạn còn dành cho khách hàng chứ không chỉ có tác dụng đánh bóng thương hiệu.
2. Quá chú trọng đến bán hàng
Hãy thành thật nhé: Có phải lý do mà bạn dành thời gian, trau chuốt từng quá trình nhằm tạo ra một content “vi diệu” là để nâng tầm thương hiệu, thu hút khách hàng tiềm năng và tăng trưởng doanh thu? Nhưng mọi chuyện bắt đầu trở thành vấn đề khi bạn quá quan tâm đến việc bán sản phẩm thay vì tạo dựng niềm tin nơi khách hàng.
Content không phải là công cụ để tạo ra những cuộc mua bán nhanh gọn và không đàng hoàng. Thương hiệu của bạn cần thời gian để hình thành và củng cố trong tâm trí của khách hàng. Sau đó, bạn mới có thể bắt đầu bán hàng một cách hiệu quả nhất. Content marketing cần một chiến lược tổng thể, bạn cần tập trung vào sự thành công về lâu dài bằng cách xây dựng quan hệ, thu hút khách hàng tiềm năng và lặp lại quá trình trên.
Không quá khó để tìm thấy những content “xôi thịt” kiểu này trên Facebook. Chắc chắn sẽ không ai đủ kiên nhẫn để đọc và click vào từng link trong một bài viết “đầy chữ” như thế này.
Thay vì “ném” vào mặt khách hàng một rổ những content khẳng định thương hiệu, hô hào và chạy quảng cáo kiểu “xôi thịt” ép người khác mua hàng, hãy từ tốn “chạm nhẹ” vào khách hàng rồi lôi kéo sự chú ý của họ bằng những nội dung thực sự hữu ích.