Phim ngắn quảng cáo: “Dài” chưa hẳn đã “thích”!
Chỉ sau 4 tiếng đăng tải, clip “Vì em xứng đáng” quảng cáo cho dự án nhà ở V3 Prime của Hải Phát Land đã khiến server website của công ty này đã bị… sập vì lượng traffic đổ về quá lớn.
Cuối 2016, phim ngắn “Vì em xứng đáng” Hải Phát Land đã khiến dân mạng “dậy sóng” nhờ phản ánh đúng tâm tư của các cặp vợ chồng trẻ: Muốn sớm “an cư” nhưng không có nhiều tiền. Kết quả của phim ngắn này đã vượt ngoài tưởng tượng dành cho một video quảng cáo bất động sản.
Không tạo được hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội bằng “Vì em xứng đáng”, nhưng “Khi tôi là tôi”, phim ngắn của của Pond’s với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng như Ninh Dương Lan Ngọc, Hạ Vy, Rocker Nguyễn… cũng đạt được kết quả ấn tượng: 2 triệu lượt xem trên Youtube chỉ sau 3 ngày. Trước sự thành công này, nhiều thương hiệu đã bắt đầu cân nhắc thay thế TVC bằng phim ngắn.
“Khi tôi là tôi”, với sự tham gia của Ninh Dương Lan Ngọc, Hạ Vy, Rocker Nguyễn
Tại sao phim ngắn quảng cáo lại có thể làm tốt hơn TVC trong việc truyền tải hình ảnh sản phẩm, dịch vụ? Hãy tham khảo infographic sau:
Ba lý do trên càng ngày càng khiến phim ngắn quảng cáo được “ưu ái”, cũng chính vì vậy, nhiều phim ngắn đầy “sạn” to đùng bắt đầu xuất hiện tràn lan khiến phim ngắn dần đi vào lối mòn. Phim ngắn chỉ có thể mang lại thành công cho sản phẩm nếu nội dung đủ hấp dẫn, gần gũi, chân thực và đi từ chính nhu cầu của người dùng.
Phim ngắn “Khi mẹ tôi sống ảo” của Eropi kể về một cô gái bán hàng online và thường xuyên “sống ảo”. Mẹ của cô gái muốn gần con hơn nên bắt đầu học “sống ảo” theo, làm cô con gái có phần khó chịu và cảm thấy “quê” với bạn bè. Cuối cùng, khi phát hiện ra mẹ chỉ có ý tốt, cô gái đã “chuộc lỗi” bằng cách mua cho mẹ một chuỗi vòng ngọc trai Eropi nhân dịp sinh nhật.
Một trong những comment bình luận trên mạng xã hội đã chia sẻ quan điểm về bộ phim: “Đây là một cốt truyện hay, nhưng các tình tiết thể hiện trong phim lại thiếu chiều sâu. Phim kể về một cô gái hiện đại, gia đình có điều kiện, nhưng lại xây dựng hình tượng người mẹ hơi “quê” từ vẻ ngoài, hành động đến tính cách. Sự xuất hiện đột ngột của thương hiệu Eropi vào cuối phim khiến người xem bị hụt hẫng, mạch phim thiếu liên kết và phần nào thu hẹp hình dung về sản phẩm: “vòng ngọc trai là để tặng mẹ nhân dịp sinh nhật”.
Vậy, để có một phim ngắn quảng cáo thành công, có một số điều sau bạn cần lưu ý:
1. Hãy đặt mình vào vị trí của người dùng. Bạn muốn xem một bộ phim như thế nào? Bạn muốn các tình tiết được thể hiện ra sao? Nhân vật như thế nào mới phù hợp với sản phẩm? Hãy cân bằng giữa “cảm động” và “sến”, “hài hước” và “lố” bằng cách nghiên cứu kỹ tạo hình nhân vật và lược bỏ những chi tiết thừa thãi.
2. Hãy chắc chắn các hình dung về thương hiệu/sản phẩm đã được lồng ghép ngay từ đầu phim để tạo điểm nhấn xuyên suốt, làm tiền đề cho sự xuất hiện của thương hiệu/sản phẩm về sau mà không gây phản cảm, hụt hẫng cho người xem.
Phim ngắn quảng cáo là sự kết hợp của “phim ngắn” và “quảng cáo”, chỉ cần một thiếu sót nhỏ trong khâu sản xuất nội dung cũng khiến cán cân bị nghiêng lệch và bộ phim thất bại hoàn toàn về mặt truyền thông.