Đâu là cách các doanh nghiệp sống cùng giá trị cốt lõi trong khủng hoảng?

Đâu là cách các doanh nghiệp sống cùng giá trị cốt lõi trong khủng hoảng?

Từ thông điệp gửi nhân viên đến chiến dịch quảng cáo, những hành động trong thời điểm “giông tố” từ các công ty lớn trên thế giới với các bên liên quan cho thấy họ đang “sống” cùng các giá trị về văn hóa doanh nghiệp mình đang theo đuổi. Cùng nhìn xem những giá trị đó là gì và cách từng doanh nghiệp thực thi ra sao qua 5 câu chuyện dưới đây.

1. KFC đem lại “điều tuyệt vời trong chiếc ba lô”

Tin tưởng vào năng lực của mỗi nhân viên; luôn làm tốt nhất có thể để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; luôn nỗ lực hết mình để tạo ra sự đột phá; đào sâu việc học hỏi và sẵn sàng chia sẻ; làm việc với tinh thần hỗ trợ như người một nhà; tôn vinh những nỗ lực của mỗi nhân viên là 6 giá trị “vàng” của KFC. Trong điều kiện khó khăn, những giá trị này vẫn không thay đổi và còn được đội ngũ lãnh đạo thực thi nghiêm chỉnh.

David Gibbs – CEO của Yum! Brand, “ông lớn” vận hành các chuỗi thương hiệu ăn uống bao gồm KFC – đã dành toàn bộ phần lương còn lại trong năm của mình để góp vào quỹ thưởng cho nhân viên và một phần vào quỹ cứu trợ Covid-19. Ở cấp độ địa phương, KFC đã quyên góp 400.000 USD vào “Blessing in a Backpack” – một chương trình cung cấp các bữa ăn miễn phí cho trẻ em khi không đến trường, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ khi nhu cầu gia tăng do nhiều trường học vẫn tiếp tục đóng cửa. Bên cạnh đó, KFC còn cung cấp 1 triệu miếng gà đến các cửa hàng nhượng quyền để phát miễn phí cho cộng đồng những nhân viên y tế cũng như những cá nhân khác có nhu cầu.

KFC đã quyên góp 400.000 USD vào “Blessing in a Backpack” – một chương trình cung cấp các bữa ăn miễn phí cho trẻ em khi không đến trường.

2. Perdue Chicken cảm ơn những người “giúp nuôi sống nước Mỹ”

Perdue Chicken là nhà phân phối gà lớn thứ 4 của Mỹ. Trong thời điểm Covid-19 bùng phát tại quốc gia này, các nhân viên làm việc trên các nhà máy ở Milford, Delaware, Perry, Georgia đã bị phơi nhiễm với virus. Để thể hiện sự cảm kích với những người đang tiếp tục ở lại nhà máy để duy trì công việc, Chủ tịch công ty – Jim Perdue đã chia sẻ 2 video ngắn lên mạng xã hội. Không biên tập cầu kỳ, đoạn video chỉ đơn giản được quay bởi chính chiếc điện thoại của Perdue nhưng thông điệp từ trái tim lại là điểm nhấn hơn cả.

Tại Perdue, chúng tôi đánh giá cao những người giúp nuôi sống nước Mỹ. Vì vậy, chúng tôi muốn cảm ơn những người làm việc chăm chỉ hiếm khi lộ diện, nhưng luôn ở đó khi chúng tôi cần họ nhất. Cảm ơn những người nông dân, tài xế xe tải, nhân viên nhà hàng và những người lưu trữ kho đã giúp mang thức ăn đến cho tất cả các gia đình của chúng tôi. Cảm ơn bạn.” là một thông điệp chân thành được Perdue gửi gắm trong hai đoạn video “We Thank You” (“Chúng tôi cảm ơn bạn”) và “A Time Like This” (“Thời khắc như lúc này”). Điều này thể hiện rõ ràng những giá trị cốt lõi, khát vọng mà Perdue luôn tin tưởng, đó là “tôn trọng và bảo vệ sự an toàn của mọi người”.

3. “Chơi trong nhà, chơi cho thế giới” cùng Nike

Nếu bạn đã từng mơ ước được chơi cho hàng triệu người trên khắp thế giới, bây giờ là cơ hội của bạn. Chơi trong nhà, chơi cho thế giới”. Đây không phải là một lời nói bông đùa mà chính là thông điệp Nike gửi gắm trong chiến dịch truyền thông thời điểm Covid-19. Một thương hiệu vốn luôn cung cấp những món đồ thể thao ngoài trời nay đã thay đổi chiến lược để khuyến khích khách hàng hoạt động thể thao trong nhà, không chỉ cho chính họ mà còn cho những người xung quanh. Trong một động thái khác, Nike còn cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các ứng dụng luyện tập mất phí của mình như một cách để hỗ trợ cộng đồng.

“Nếu bạn đã từng mơ ước được chơi cho hàng triệu người trên khắp thế giới, bây giờ là cơ hội của bạn. Chơi trong nhà, chơi cho thế giới”

Chiến dịch trên của Nike phản ánh chính xác sứ mệnh của doanh nghiệp này, đó là “tạo ra những đổi mới đột phá của thể thao, làm cho sản phẩm bền vững hơn, xây dựng một đội ngũ sáng tạo, đa dạng toàn cầu và tạo ra tác động tích cực trong các cộng đồng nơi chúng ta sống và làm việc”.

4. “Phòng chơi Mattel” miễn phí cho trẻ

Mới đây, Mattel – doanh nghiệp sản xuất ra búp bê Barbie huyền thoại đã tạo ra một phòng chơi độc đáo cho các bé nhân thời điểm Covid-19 có tác động đến nhiều mặt của cuộc sống, không loại trừ các hoạt động vui chơi, giải trí. “Phòng chơi Mattel” được doanh nghiệp xây dựng là một tài nguyên trực tuyến với đầy đủ các hoạt động giải trí miễn phí cho trẻ em. Nhờ phòng chơi này, các bé và bố mẹ có thêm nhiều điều thú vị và bớt căng thẳng hơn trong cuộc sống. Hoạt động nhanh chóng, “hào phóng” của Mattel cũng chính là cách doanh nghiệp muốn thể hiện sứ mệnh mà họ coi là quan trọng nhất, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần tuân thủ, đó là “truyền cảm hứng, tạo niềm vui, phát triển trẻ thông qua việc trao cơ hội để trẻ được vui chơi”.

Với “Phòng chơi Mattel” các bé sẽ không lo việc vui chơi sẽ bị trì hoãn.

5. Scholastic giúp trẻ đọc sách qua … video

Scholastic – công ty nắm giữ bản quyền xuất bản cho bộ truyện Harry Potter và The Hunger Games tại Mỹ tuân thủ giá trị cốt lõi mà họ gọi là Credo. Theo Credo, những tài nguyên từ Scholastic sẽ giúp độc giả làm giàu vốn sống của mình thông qua sự vui thích và sức mạnh của việc đọc. Với niềm tin vào giá trị đó, việc Covid-19 xuất hiện không khiến doanh nghiệp này nao núng trong việc đồng hành cùng người đọc trên hành trình khai phá tri thức.

Scholastic đã tạo cơ hội để các gia đình cùng quay ngược thời gian, trở lại thời điểm cùng lắng nghe những câu chuyện nhưng qua hình thức hiện đại hơn, đó là thông qua các trang mạng xã hội. Chiến dịch #OperationStoryTime cùng sự hỗ trợ từ các tác giả và người nổi tiếng chia sẻ những video họ đọc sách được xây dựng với hy vọng trẻ em sẽ thích thú lắng nghe. Việc tận dụng tài nguyên của Scholastic theo cách sáng tạo đã tạo nên những điểm kết nối cho các cá nhân trong gia đình, nơi đang có nhiều sự xáo trộn trong cuộc sống vội vã tại thời điểm này.

Các tác giả và người nổi tiếng trở thành người kể chuyện cho chiến dịch #OperationStoryTime của Scholastic.

Dù là hoạt động hướng đến nhân viên hay khách hàng, đối tác, những doanh nghiệp trên vẫn đang cho thấy nỗ lực phát triển văn hóa doanh nghiệp của mình ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất. Việc nhận thức được vai trò của văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có được niềm tin yêu từ nhân viên, từ khách hàng, từ cộng đồng, từ đó có thêm sức mạnh để kiên cường vượt qua những thách thức trong tương lai. Nếu bạn cũng đang dần thấy rằng đây là thời điểm thích hợp để củng cố văn hóa doanh nghiệp của mình, hãy nhấc máy lên và liên hệ Blue C để chúng tôi có cơ hội hỗ trợ bạn nhé!

Kim Oanh

(Theo Forbes)

Bài Viết Liên Quan