Ai nên đảm nhận việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng?
Nếu so sánh CEO, bộ phận nhân sự và bộ phận marketing – truyền thông với những thực thể cần có trên “con thuyền” thương hiệu nhà tuyển dụng, theo bạn điều gì quan trọng nhất?
CEO: Người thuyền trưởng dẫn đường?
CEO là người đứng đầu của tổ chức và trong nhiều trường hợp còn là bộ mặt của công ty. Là người nắm rõ các giá trị cốt lõi, sứ mệnh của tổ chức và luôn mong muốn doanh nghiệp mình được biết đến nhiều hơn, CEO có xu hướng dành nhiều sự quan tâm tới các vấn đề liên quan đến xây dựng hình ảnh thương hiệu. Việc doanh nghiệp có lãnh đạo sát sao trong hoạt động thương hiệu nhà tuyển dụng sẽ tạo động lực cho không chỉ đội ngũ chuyên trách mà toàn bộ nhân viên đồng lòng, chung sức làm theo.
Một kết quả nghiên cứu từ tờ HRO Today cho thấy 44.5% các công ty có thương hiệu mạnh thường nhận được tài trợ và ủng hộ rất lớn từ CEO. Những nhà tiên phong trong việc chú trọng thương hiệu tuyển dụng phải kể đến Richard Branson và Larry Page – CEO của hai ông lớn: Tập đoàn Virgin và Google. Chính nhờ tâm huyết của các CEO này mà hai doanh nghiệp này luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp tốt nhất để làm việc.
Nhân sự: Ống nhòm săn lùng ứng viên?
Đội ngũ nhân sự cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự thành công của thương hiệu nhà tuyển dụng. Universum – một tổ chức nghiên cứu về kỳ vọng nghề nghiệp của ứng viên – đã chỉ ra trong báo cáo “Triển vọng 2020 – Tương lai của thương hiệu tuyển dụng” rằng 32% CEO coi bộ phận nhân sự là người chịu trách nhiệm cao nhất cho việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng. 63% chuyên viên tìm kiếm nhân tài và 57% chuyên viên tuyển dụng cũng đồng tình với điều này.
Việc phần lớn người trong tổ chức đánh giá vai trò của nhân sự như trên là bởi mục tiêu chính của thương hiệu nhà tuyển dụng là để tuyển và giữ nhân những ứng viên tiềm năng, phù hợp với những giá trị doanh nghiệp theo đuổi. Làm thế nào để gắn kết nhân viên, giúp nhân viên hài lòng và làm việc năng suất hơn là những nhiệm vụ chính của nhân sự cũng như đội ngũ triển khai thương hiệu nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, khi triển khai thương hiệu nhà tuyển dụng, doanh nghiệp cũng cần đưa các EVP vào các trải nghiệm của nhân viên. Khi đó, nhân sự sẽ là cầu nối để những tương tác giữa doanh nghiệp với nhân viên như tuyển dụng, đào tạo – hội nhập, phát triển kĩ năng, khen thưởng, công nhận… diễn ra suôn sẻ, hiệu quả nhất.
Marketing – Truyền thông: Thân thuyền hút khách?
Việc thu hút và tiếp cận đối tượng (bao gồm cả ứng viên và nhân viên) để họ biết đến doanh nghiệp là công việc thường ngày của đội ngũ Marketing – Truyền thông. Đây đồng thời cũng là việc quan trọng khi triển khai thương hiệu nhà tuyển dụng.
Sẽ khó có bộ phận nào trong doanh nghiệp “rành” trong việc tìm hiểu nhu cầu, sở thích của ứng viên, lên kế hoạch truyền thông bài bản, tận dụng các kênh truyền thông cả online, offline, cả nội bộ và bên ngoài… tốt hơn đội ngũ Marketing – Truyền thông. Với thế giới của thương hiệu nhà tuyển dụng, việc có những chiến lược nhắm trúng mục tiêu như vậy sẽ tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi cạnh tranh với đối thủ trong việc “hút” nhân tài.
Điều gì cần nhất?
Để vận hành một con thuyền, chúng ta không thể bỏ đi bất kì điều gì trong ba điều trên. Không có thuyền trưởng, đó chỉ là con thuyền không người cầm lái. Không có ống nhòm, thuyền không thể tìm thấy điểm đến. Không có thân thuyền đủ đẹp, khó có hành khách nào chịu bước lên giữa bến cảng với muôn vàn những chiếc thuyền tương tự xung quanh.
Việc triển khai thương hiệu nhà tuyển dụng cũng vậy. Cả CEO, Nhân sự, Marketing – Truyền thông đều đóng góp những lợi thế của mình vì một mục tiêu chung: thu hút, giữ chân người phù hợp.
Không chỉ vậy, nếu thương hiệu nhà tuyển dụng chỉ là nhiệm vụ của một trong ba bộ phận trên, doanh nghiệp sẽ khó có thể triển khai thành công. Marketing – Truyền thông có thể biết cách thu hút đối tượng mục tiêu qua các chiến dịch quảng bá hấp dẫn nhưng những công tác chuyên môn nhân sự như tuyển dụng, đào tạo… lại không phải thế mạnh của họ. Nhân sự biết làm thế nào để có một đội ngũ nhân tài chất lượng, phù hợp với tổ chức nhưng không chuyên trong việc xây dựng chiến lược truyền thông nội bộ và bên ngoài. CEO là người có thể làm được những việc như truyền thông hoặc tuyển dụng nhưng họ khó có thể sắp xếp công việc để đảm đương toàn bộ những công tác này khi phải đối mặt với nhiều thách thức khác như khách hàng, tình hình kinh doanh…
Mỗi thực thể đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Muốn xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng và triển khai hiệu quả nhất, lời giải cho doanh nghiệp đó là cả CEO, bộ phận nhân sự và marketing – truyền thông phải bắt tay cùng nhau thực hiện để phát huy điểm mạnh, bổ trợ điểm yếu. Khi đó, CEO sẽ cần tiên phong và làm gương cho quản lý cũng như nhân viên noi theo. Nhân sự và Marketing – Truyền thông cần là hai cánh tay hỗ trợ đắc lực để chèo lái con thuyền thương hiệu nhà tuyển dụng cập bến đỗ với những ứng viên chất lượng, phù hợp.
Kim Oanh
(Theo Recruiting Blogs)