15 phát hiện lý thú từ nghiên cứu mới nhất về thang chuẩn KPI ngành TMĐT
Các chỉ số trên website của bạn có đang đạt thang chuẩn của ngành? Nghiên cứu thang chuẩn KPI E-commerce 2017 của Wolfgang Digital đã được công bố, với mẫu thử lớn hơn nhiều những báo cáo trước đó. Nghiên cứu này cung cấp cho các marketer dữ liệu chuyên sâu để giúp chuẩn hóa hiệu quả các kênh online và nắm rõ chỉ số nào sẽ mang lại thành công cho website thương mại điện tử (TMĐT).
Nghiên cứu thang chuẩn KPI ngành TMĐT được moz.com công bố mới đây cực kì hữu ích cho tất cả những người làm về TMĐT, Digital Marketing, kể cả những người làm truyền thông quan tâm tới xu hướng thay đổi hiện nay. Với nghiên cứu này, bạn sẽ:
- Hiểu rõ hoạt động website bằng việc so sánh các chỉ số (KPIs) với chuẩn của ngành.
- Thu thập dữ liệu chuyên sâu về các chỉ số đảm bảo được thành công cho website TMĐT.
Hãy cùng Blue C điểm qua 15 kết luận thú vị từ nghiên cứu này nhé:
1. Google vẫn là “cánh cửa” đưa mọi người đến với website của bạn, nhưng sự chiếm lĩnh của kênh này đang có chiều hướng giảm.
“Gã khổng lồ” về tìm kiếm này tạo ra 62% traffic trong toàn bộ nguồn traffic và 63% doanh thu. Con số này lần lượt giảm từ 69% traffic và 67% doanh thu trong nghiên cứu năm trước.
2. Sức ảnh hưởng của Google đang giảm dần vì con đường đưa người tiêu dùng tới quyết định mua hàng ngày càng đa dạng hơn, với “nguồn traffic không xác định” (dark traffic) đang tăng dần.
Google Analytics không kiểm tra được những nguồn mặc định, ví dụ như khi mọi người chia sẻ link qua WhatsApp. Những traffic không rõ này được tính là nguồn truy cập trực tiếp (direct traffic) trong Google Analytics. Theo báo cáo, direct traffic tăng từ 17% lên 18%.
3. Hành trình tới lúc mua hàng của người tiêu dùng đang… dài hơn.
Số lượng click tạo ra 1 triệu euro trực tuyến tăng thêm 12% so với 12 tháng trước, với 360.000 click có thể tạo ra con số hàng triệu euro thần kì vào năm 2017.
4. Lượt chia sẻ trên di động nhiều hơn, nhưng máy tính vẫn mang lại hiệu quả doanh thu tốt hơn.
2017 là năm đầu tiên lượt truy cập (session) trên di động (52%) cao hơn trên máy tính (36%) và máy tính bảng (12%) cộng lại. Doanh thu từ nguồn truy cập qua máy tính chiếm 61% toàn bộ doanh thu bán hàng trực tuyến, với số người dùng có thể chuyển đổi là 164% so với những người dùng di động. Ngoài ra, với đối tượng truy cập qua máy tính mua hàng, giá trị đơn hàng trung bình cao hơn 20% so với giá trị chuyển đổi được từ người mua hàng qua điện thoại.
5. Tỉ lệ chuyển đổi của các site thương mại điện tử trung bình là 1,6%.
Theo nghiên cứu công bố năm nay, trung bình các website TMĐT đạt tỉ lệ chuyển đổi là 1,6%. Ngành du lịch là 2,4%. Con số này đối với những người bán lẻ chỉ kinh doanh trực tuyến là 1,8%, trong khi với người kinh doanh sử dụng nhiều kênh là 1,2%.
6. Đừng mua hàng nếu bạn đang… đói
Đáng ngạc nhiên! Tỉ lệ chuyển đổi của các website bán đồ ăn cao gấp 15 lần so với những ngành TMĐT khác.
Trước khi đi tới phần tiếp theo, nghiên cứu cũng giải thích mối tương quan giữa các chỉ số đo lường. Có thể nói, phần hữu ích và khác biệt nhất trong nghiên cứu này chính là sự tính toán về mối tương quan. Những người thực hiện nghiên cứu đã phân tích các chỉ số của website liên quan tới thành công của TMĐT. Trong đó, 0 nghĩa là không có mối tương quan nào giữa hai chỉ số. 1 nghĩa là mối tương quan hoàn hảo; ví dụ đơn giản như: “mỗi lần tôi hắt hơi, tôi nhắm mắt lại.” 0.5 nghĩa là khi một chỉ số tăng 100%, chỉ số còn lại tăng 50%. Một con số âm nghĩa là khi một chỉ số tăng, chỉ số còn lại sẽ giảm.
Với kinh nghiệm phân tích các số liệu nhiều năm, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, bất kể mối tương quan nào trên 0.2 đều đáng chú ý, còn 0.4 đã thể hiện một mối tương quan rất lớn.
7. Các website giữ người dùng ở lại lâu có tỉ lệ chuyển đổi cao hơn (0,6)
Sự tương quan lớn nhất trong nghiên cứu này là chỉ số thời gian ở lại trên website (time on site) với tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate) (0,6). Bằng việc tăng thời gian trên site lên 16%, tỉ lệ chuyển đổi tăng 10%. Số trang truy cập mỗi phiên (pages per session) cũng liên quan tới tăng trưởng doanh thu (0,25).
8. Google là một nguồn tìm kiếm đáng tin cậy (0,48)
Theo Forbes, Google là thương hiệu có giá trị cao thứ hai trên thế giới. Các chỉ số trong nghiên cứu cũng hoàn toàn ủng hộ ý kiến này. Những đối tượng được tính nguồn là organic traffic từ Google có tỉ lệ chuyển đổi cao (0,48). Điều đó cho thấy, Google dường như đang chiếm lĩnh nguồn tìm kiếm tự nhiên của website, website có độ tin cậy với người dùng và vì thế, tỉ lệ chuyển đổi tăng lên.
9. Người mua hàng qua máy tính bảng thường tiêu xài xa xỉ hơn (0,4).
Các phiên truy cập qua máy tính bảng cao hơn trung bình có mối tương quan mạnh mẽ đến giá trị trung bình của một đơn hàng (0,4). Tuy nhiên, những đơn hàng giá trị cao thì cần nhiều lượng click hơn bất kể đối với nguồn truy cập qua thiết bị nào.
10. Những người mua sắm online trung thành thực sự là đối tượng khách hàng quan trọng (0,35).
Các khách hàng dễ chuyển đổi nhất chính là những khách hàng trung thành. Họ được tính như nguồn truy cập trực tiếp (direct traffic), với mức tương quan cao tới tỉ lệ chuyển đổi (0,35).
11. Tốc độ tải trang cũng là một chỉ số đáng lưu ý (0,25).
Trung bình tốc độ tải trang là 6 giây, cao hơn nhiều so với tốc độ được khuyến khích (2 giây). Tốc độ tải trang cũng tương quan mạnh mẽ đến tăng doanh thu (0,25). Bởi vậy, khi chúng ta giảm thời gian tải trang xuống 1,6 giây sẽ tăng doanh thu hàng năm lên 10%.
12. Điện thoại di động là một “máy kiếm tiền” (0,25).
Các website với nhiều lượng truy cập từ điện thoại (0,25) và lượng xem qua máy tính bảng (0,24) có doanh thu tăng nhanh hơn.
13. Hiệu quả của email (0,24).
Email mang tới doanh thu gấp 3 lần doanh thu từ Facebook (tính trên lượng click cuối cùng). Những người truy cập website từ nguồn email cũng có giá trị đơn hàng trung bình cao hơn (0,24).
14. Quảng cáo Bing đang trên đà chiếm ưu thế (0,22).
Webiste với lượng chia sẻ cao từ nguồn Bing CPC có xu hướng có giá trị đơn hàng trung bình cao hơn (0,22).
15. Pinterest là một kênh tiềm năng (0,22).
Các website với lượng truy cập từ Pinterest có giá trị đơn hàng trung bình cao hơn (0,22). Điều này cho thấy Pinterest là một kênh tiềm năng về tìm kiếm hình ảnh mà chúng ta có thể tận dụng và tối ưu.
Để đọc nghiên cứu đầy đủ, bạn có thể xem thêm tại link này nhé!
Nguồn: moz.com